Nhớ chuyện bến sông
Những tên gọi bến Mía, bến phà An Hải hay 'bông tê sên - bên tê sông'… gắn với đôi bờ sông Hàn được người Đà Nẵng nhắc lại cùng bao ký ức một thời quá vãng, khi bến sông không chỉ là nơi giao thương qua lại mà còn là chứng nhân cho sự phát triển của thành phố nơi đầu biển, cuối sông.
Hình ảnh bến Mía được chụp bởi một nhiếp ảnh người Pháp Jack T. Dyer năm 1966. Ảnh tư liệu
Trong nỗi nhớ âm thầm mà sâu kín đó, họ nói rằng, Đà Nẵng dù phát triển ngoạn mục đến đâu cũng sẽ thiếu đi phần hồn cốt nếu những câu chuyện về bến sông xưa bị lãng quên trong dòng chảy đô thị hóa…
Bến nước tuổi thơ
Cuối năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1963), sống tại thủ đô Oslo, Na Uy về Đà Nẵng thăm gia đình. Ngồi uống bia cùng bạn ở quán Bamboo2 ngay góc đường Thái Phiên - Bạch Đằng nhìn ra khu vực bến Mía cũ, ông đưa tôi xem tấm hình tư liệu chụp bến Mía năm 1966 và nói rằng nhìn vào đó, ông nhớ như in căn nhà phía bên trái nằm sát sông là quán nhậu của bác Diệp, ngay ngã ba Thái Phiên là nhà bác Nhơn làm việc ở Tòa Thị chính Đà Nẵng và cuối đường Thái Phiên trước năm 1975 có vài quán nhậu nằm cạnh tiệm bánh mì Tiến Thành.
Sống ở bến Mía từ nhỏ với ông bà ngoại nên với ông Sơn, đây đâu chỉ là bến đò, mà là bến nước tuổi thơ, là ký ức quê hương còn sót lại của một người con xa xứ. Ngày đó bến đông đúc, giờ nào cũng có ghe thuyền chở nông sản, mắm, muối từ Đà Nẵng về bến đò An Trạch trên sông Yên và ngược lại. Cận Tết, những con thuyền từ vùng quê Hòa Xuân, Hòa Vang, Đại Lộc xuôi về bến, mang theo nào gạo, nào cau, nào chuối xanh, nào hoa.
Hỏi ông Sơn về những kỷ niệm với bến Mía, ông bảo đó là những buổi chiều cùng đám bạn trong xóm chạy chân trần ra bến nhìn người ta khuân vác hàng hóa, xếp lên ghe, thuyền. Nơi đám trẻ con vẫn thường tụ tập chơi đùa, nhảy ùm xuống dòng nước sông Hàn tắm táp mỗi khi hoàng hôn xuống. Mùa nước cạn, bãi bồi lộ ra thành nơi tụ họp của dân chài, của những đứa trẻ miền sông nước. Còn mùa nước lớn, ghe thuyền từ các nơi xuôi về khiến bến sông thêm sầm uất.
“Giờ đây, nhìn ra bến sông cũ, tôi vẫn nghe đâu đó vọng về tiếng máy nổ lạch bạch của những chiếc thuyền dọc ngày xưa, vẫn hình dung được dáng dấp mấy bà, mấy chị í ới gọi bạn hàng”, ông Sơn trầm ngâm nói.
Người Đà Nẵng gắn bó với bến Mía, bến phà Đà Nẵng thường gọi đường Bạch Đằng chạy dọc theo bờ tây sông Hàn là đường vui. Bởi cứ cách một quãng là gặp bến sông, nơi người xe di chuyển, buôn bán đông vui, nhộn nhịp. Những năm 1960, đường Bạch Đằng nổi bật với nhiều tòa nhà mang kiến trúc Pháp như Tòa Thị chính, khách sạn Morin de Tourane…
Nhà ở đường Trần Quốc Toản, tuổi thơ của ông Nguyễn Ngọc Ân (SN 1951), phường Hải Châu, quận Hải Châu cũng gắn liền với bến Mía. Ông bảo, Đà Nẵng ngày ấy còn mênh mông cát. Nhà cấp 4 nối đuôi nhau trên các tuyến đường. Đứng ở đầu đường Trần Quốc Toản có thể nhìn thấy sự nhộn nhịp của bến Mía. Những thùng nước mắm từ làng chài ven biển tập kết về đây để chuyển đi các chợ quê trong vùng. Ông Ân nói bến Mía ở cạnh chợ Hàn nên người xe đông đúc. Mỗi buổi sớm, khi mặt trời chưa ló dạng, người ta đã bắt đầu họp chợ. Tiếng mời chào, tiếng cười nói rộn ràng.
“Trẻ con tụi tôi thích nhất những lần theo chân mẹ hay bà ra bến mua mía đường, ngô, lúa, trái cây từ mấy thuyền buôn mang đến. Ngày đó, bến Mía đúng là thiên đường tuổi thơ. Có lần nước ròng, tôi còn nhặt được đồng xu cũ dưới bùn, chạy về khoe mẹ như nhặt được kho báu”, ông Ân cười nhớ lại.
Từ thời Pháp thuộc, khu vực giao lộ giữa đường Rue Barbé (nay là đường Thái Phiên) và đường Quai Courbet (nay là đường Bạch Đằng) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương thành phố. Dựa theo nguồn tài liệu lịch sử đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, tại góc giao này, đầu thế kỷ XX một bến cảng nhỏ được người Pháp thiết lập để phục vụ việc bốc dỡ hàng hóa, đón tiếp tàu thuyền, trở thành điểm kết nối kinh tế quan trọng giữa Đà Nẵng và các khu vực lân cận, đặc biệt là Hội An. Sau ngày giải phóng, các bến đò nằm dọc sông Hàn được chính quyền thành phố duy trì, tạo điều kiện cho người dân qua lại buôn bán, học hành.
Dùng dằng đò ngang một thuở
Nhiều người nói rằng, trong thời gian dài, dường như mọi nỗi buồn, niềm vui lẫn sự quan tâm của người dân Đà Nẵng như dồn hết ở những bến sông Hàn, dù trên dòng sông này, từ trước năm 1975 đã có hai cây cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Trần Thị Lý) và cầu Nguyễn Hoàng (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) kết nối giao thông đôi bờ đông - tây.
Đà Nẵng dù phát triển ngoạn mục đến đâu cũng sẽ thiếu đi phần hồn cốt nếu những câu chuyện về bến sông xưa bị lãng quên trong dòng chảy đô thị hóa... Lắng nghe câu chuyện của những người từng gắn bó với dòng sông, tôi hiểu rằng, đâu đó trong dòng chảy của thời gian, ký ức về những bến sông sẽ không chỉ là chuyện cũ để nhớ, mà còn là chứng tích của một thời, một đời…
Ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1957), nhà ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà từng làm nghề lái phà trên sông Hàn hơn 10 năm bồi hồi nhớ lại: “Thời ấy, mỗi ngày tôi chở không biết bao nhiêu lượt người qua lại giữa hai bờ sông Hàn. Sáng sớm, khi thành phố còn chìm trong màn sương, bến phà đã nhộn nhịp người xe chen chúc. Nhất là mỗi dịp lễ, Tết, dòng người từ bờ đông sang chợ Hàn mua sắm đông vui vô kể. Có những chuyến phà mà khách phải chen chúc, đứng sát nhau từng chút một mới đủ chỗ".
Theo ông Hòa, những chiếc phà rộng 60m2 hay những chiếc ghe tròng trành qua lại sông Hàn năm tháng ấy không đơn thuần là phương tiện đi lại mà là nơi gắn kết bao số phận con người. Có những bác nông dân gánh từng gánh rau từ An Đồn, Phước Mỹ, Hòa Xuân qua chợ Hàn, có những anh chị công nhân lấm tấm mồ hôi trên đường về nhà sau một ngày lao động vất vả. Cũng có những đôi trai gái ngượng ngùng trao nhau ánh mắt tình tứ giữa dòng nước mênh mông hay những cô cậu học trò, viên chức nhà nước ngày ngày sang “bên kia sông” làm việc, học hành. Cực nhất là những ngày mưa bão, nước sông Hàn dâng cao, những chuyến phà thường gián đoạn, người dân phải chờ hàng giờ dưới bến trong nỗi thấp thỏm, phập phồng.

Một góc bến Mía ngày nay. Ảnh: T.Y
Trong khi đó, nhắc đến bến phà An Hải, ông Trần Quang Thủy (SN 1955), phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà lại nhớ về những ngày mưa dầm, khi cha con ông gánh thúng bánh tiêu, bánh bò xuống phà để qua phố bán cho khách. "Ngày đó chưa có cầu Sông Hàn, muốn qua quận Nhất phải đi phà, đi ghe. Sáng sớm từng đoàn người chen nhau lên phà, nào là học trò, nào là dân buôn. Mùa nước lớn, sóng táp ướt cả mái phà, chúng tôi đứng trên bo mà lòng nóng như lửa, sợ qua muộn bên kia", ông Thủy hồi tưởng.
Năm 2020, khi Đà Nẵng cắt băng khánh thành cầu Sông Hàn trong rộn rã niềm vui, cũng là lúc hình ảnh những chuyến phà ngang nối đôi bờ sông thưa dần và lùi vào dĩ vãng. Người lái phà như ông Hòa đã chuyển sang nghề khác, bến phà xưa nhường chỗ cho những công trình mới và vùng đất quận Ba “bông tê sên - bên tê sông” theo cách nói vui của người Quảng cũng dần thay đổi diện mạo. Nhất là khi cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Hòa Xuân… lần lượt mọc lên, những bến Mía, đò Xu hay bến phà An Hải… đã trở thành những địa danh chỉ còn trong hoài niệm. Thay vào đó là những công viên ven sông, những con đường dạo bộ thơ mộng thu hút người dân và du khách.
Giữa lúc tâm hồn chìm trong ký ức về bến sông của người Đà Nẵng, tôi chợt nhớ đến bài viết “Chở báo qua sông” của nhà báo Nguyễn Đình Xê, đăng trên tờ Đà Nẵng cuối tuần tháng 8-2024 kể những lần ông chở báo từ tòa soạn trên đường Yên Bái đến từng con phố heo hút dưới chân núi Sơn Trà hay dọc xóm chài đầy cát nóng vùng biển Phước Mỹ, An Hải Đông, Đa Mặn, Non Nước.
Ngày ấy, để đưa từng tờ báo từ quận Nhất đến tay bạn đọc ở quận Ba, ông sớm sớm chiều chiều gò lưng trên xe đạp với chồng báo cột chặt sau yên. Nhà báo Nguyễn Đình Xê nhớ lại, với nhiệm vụ phóng viên thường trú khu vực quận Ba, ông cùng lúc làm hai phần việc vừa phản ánh thông tin địa phương sau ngày giải phóng, vừa trực tiếp mang báo xuống phát miễn phí cho người dân. Mỗi ngày, ông theo những chuyến phà qua lại đôi bờ sông Hàn gom nhặt những câu chuyện từ làng chài, bến sông, chợ, làng hoa ven đô rồi tỉ mẩn chắp bút thành những bài báo phản ánh cuộc sống thường ngày.
Những trang viết của ông ghi lại nhịp sống của thành phố thời hậu chiến, phản ánh tiếng nói chân thực của người dân từng bước gây dựng lại quê hương. Có lẽ, chính những ngày tháng rong ruổi qua từng bến phà, từng con hẻm nhỏ đã giúp ông Xê làm tròn công việc của một nhà báo, để rồi sau này, khi đã chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, ông vẫn nhớ bóng dáng bến phà những năm tháng tuổi trẻ và xem đó là lát cắt ký ức quý giá của mình về Đà Nẵng.
Lắng nghe câu chuyện của họ, tôi hiểu rằng, đâu đó trong dòng chảy của thời gian, ký ức về những bến sông của ông Sơn, ông Hòa hay nhà báo Nguyễn Đình Xê sẽ không chỉ là chuyện cũ để nhớ, mà còn là chứng tích của một thời, một đời…