Nhớ cha ngày mưa

BPO - Chiều nay, trên đường đi làm về, một cơn mưa bất ngờ đổ xuống. Tôi vội tấp vào quán cà phê ven đường để trú mưa. Qua lớp kính nhòe nước, tôi thấy một người đàn ông tuổi trung niên dừng xe bên lề, tay luống cuống phủ áo mưa cho đứa trẻ đang ngồi phía sau. Cả hai nép dưới mái hiên, gió thốc từng cơn lạnh buốt, mưa tạt ướt cả vạt áo người đàn ông. Thế nhưng đứa trẻ vẫn khô ráo, ấm áp, nép sau tấm lưng rộng lớn ấy. Khoảnh khắc đó khiến tim tôi bất chợt chùng xuống, sống mũi cay cay. Hình ảnh ấy như chạm vào miền ký ức sâu thẳm trong tôi, nơi miền quê xa đó, cha đã lặng lẽ chở che tôi đi qua suốt bao mùa mưa gió.

Nhà tôi nằm ven cánh đồng, cách trường học khoảng 3 cây số. Vào ngày nắng, con đường đất đỏ khô khốc, bụi bay mù trời mỗi lần xe chạy qua. Nhưng chỉ cần mưa xuống, lối đi ấy lập tức hóa thành vũng bùn lầy lội, trơn trượt. Vậy mà, bất kể nắng gắt hay mưa giông, cha vẫn không một lần chậm trễ đưa đón tôi đi học. Nhất là ngày mưa, những cơn mưa dầm triền miên khiến người ta chỉ muốn ngồi yên trong nhà. Chưa bao giờ cha để tôi phải đợi quá lâu dưới mái hiên ẩm ướt. Lúc ấy, tôi không nghĩ nhiều, chỉ biết ôm chặt lưng cha, nép vào để tránh từng cơn gió lạnh. Nhưng giờ đây, tôi hiểu cái ướt át cha nhận lấy ngày ấy là để giữ cho tôi được khô ráo và bình yên.

Cha tôi từng là lính Cụ Hồ. Những năm sau chiến tranh, ông về quê lập nghiệp. Có lẽ vì từng sống giữa gian khổ và hiểm nguy nên cha không hề ngại mưa gió. Nhưng kể từ khi có tôi, cha trở nên sợ mưa. Không phải vì bản thân cha, mà vì đứa con gái nhỏ hay bị cảm lạnh mỗi khi ướt mưa. Thời gian trôi qua, tôi dần lớn lên. Vào những ngày mưa, dù tôi đã biết mặc áo mưa, tự đạp xe đi học nhưng cha vẫn dõi theo từ phía sau. Có lần tôi bị ngã xe vì đường trơn, về tới nhà ướt sũng. Cha không mắng, chỉ im lặng lấy khăn lau đầu cho tôi, rồi nhóm bếp nấu nước gừng. Tôi ngồi co ro bên bếp, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp ngoài sân, còn cha thì cặm cụi nhóm củi với ánh mắt đầy lo lắng. Cái lạnh bên ngoài dường như chẳng thể len vào căn bếp nhỏ, bởi hơi ấm từ bát nước gừng và bàn tay thô ráp của cha đã sưởi ấm mọi thứ.

Rồi tôi lên đại học. Những cơn mưa thành phố không còn ào ạt như mưa quê mà nhẹ nhàng và dai dẳng hơn. Nhưng mỗi khi trời đổ mưa, tôi lại nhớ cha. Nhớ con đường lầy lội, nhớ dáng cha đội mũ cối, nhớ những buổi chiều hai cha con ngồi dưới mái hiên nhìn mưa rơi và kể cho nhau nghe những câu chuyện không đầu, không cuối... Những khoảnh khắc tưởng như vô nghĩa ấy, giờ đây lại là ký ức sâu đậm nhất trong tôi.

Nhiều năm sau, tôi đi làm xa. Những lần hiếm hoi trở về, chẳng hiểu sao lần nào cũng đúng ngày mưa dầm. Cha đã già, mái tóc điểm bạc, dáng đi không còn nhanh nhẹn như xưa. Nhưng cha vẫn giữ thói quen dậy sớm, nhìn trời đoán mưa, ra sân ngó cánh đồng, rồi lại lặng lẽ quay vào. Mỗi lần thấy tôi về, cha mỉm cười, nụ cười quen thuộc, hiền hậu như thuở nào, rồi nhẹ giọng hỏi: “Con có mang theo áo mưa không? Ở quê đang vào mùa mưa rồi đó… Lỡ có dầm mưa, nhớ giữ ấm nghe con”. Câu hỏi nghe đơn giản, nhưng lại khiến tôi nghẹn lòng. Vì tôi hiểu, đằng sau lời dặn dò ấy là cả một trời thương nhớ, là tấm lòng người cha lúc nào cũng dõi theo từng bước chân con…

Cơn mưa chiều nay đã tạnh. Người đàn ông và đứa trẻ ấy cũng đã rời đi. Quán cà phê vắng người, chỉ còn lại tiếng nhạc nhẹ du dương và mùi cà phê thoảng trong không gian ẩm ướt, nhưng lòng tôi lại đầy ắp những ký ức xưa cũ. Tôi chợt muốn được về quê, cùng cha ngồi dưới mái hiên nhỏ, uống chén trà nóng, nhìn mưa rơi và hai cha con lại thì thầm những câu chuyện không đầu, không cuối....

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Nguyễn Hiếu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/173108/nho-cha-ngay-mua
Zalo