Nhớ Bác Hồ về thăm năm xưa

Đã 65 năm trôi qua kể từ ngày Bác về thăm (23/2/2960) cán bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, lớp người ở thị xã (nay là thành phố) Lạng Sơn và các huyện ngày ấy được vinh dự đón Bác, nghe Người nói chuyện, nay người còn, người mất. Các lãnh đạo tỉnh trực tiếp đón và làm việc với Bác phần lớn cũng đã đi xa. Trong thời gian chưa trọn một ngày Bác về thăm Lạng Sơn có nhiều sự kiện chi tiết. Sau sự kiện này, rất may mắn chúng tôi còn được trực tiếp nghe các ông, bà ấy kể lại đầy đủ và còn để bản hồi ký quý báu cho đời sau.

Cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện Bình Gia tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tư liệu tại Bảo tàng tỉnh (Ảnh: LA MAI)

Cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện Bình Gia tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tư liệu tại Bảo tàng tỉnh (Ảnh: LA MAI)

Năm 1960 là năm trong nước và thế giới nhiều sự kiện quan trọng, cũng là năm Bác đi thăm và làm việc với nhiều địa phương nhất. Lạng Sơn được người chọn trong chuyến thăm lịch sử này. Bài nói chuyện được Người chuẩn bị rất chu đáo, gồm 10 vấn để nhắc nhở cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn. Để chuẩn bị cho Bác đến thăm Lạng Sơn, các cơ quan liên quan phối hợp chuẩn bị chu đáo, cẩn mật, an toàn; lúc đầu dự định sẽ đưa Bác lên Lạng Sơn bằng máy bay trực thăng nhưng do thời tiết xấu, Trung ương bố trí xe ô tô đưa Bác đi. Máy bay vẫn bay theo, đáp xuống sân bay Mai pha để chờ đón Bác về Hà Nội.

Thời ấy, mặt đường Hà Nội - Lạng Sơn không được tốt nên Bác đến chậm 1 giờ so với kế hoạch. Đoàn cán bộ lãnh đạo do ông Nguyễn Thế Kỳ (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh) dẫn đầu đi theo đường 1A (cũ) để đón Bác, mới đến Km12 địa phận xã Tân Thành (Cao Lộc), thì gặp xe của Bác.

Người mặc bộ quần áo lụa mầu nâu giản dị bước xuống xe, sau đó mới khoác thêm bộ kaki thường dùng tiếp khách… Đón Người, cán bộ và Nhân dân Lạng Sơn xếp hàng từ phố Ba Toa đến cổng Tỉnh ủy (nay cơ quan UBND tỉnh).

Lãnh đạo tỉnh tiếp Bác cùng đoàn công tác tại tầng 2 cơ quan Tỉnh ủy. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo chương trình làm việc, Bác bảo ra ngay chỗ đồng bào đang đợi. “Để đồng bào chờ lâu như vậy là Bác đã có lỗi với đồng bào” - Người nói.

Đoàn viên thanh niên tìm hiểu các cuốn sách hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thư viện tỉnh (Ảnh: LA MAI)

Đoàn viên thanh niên tìm hiểu các cuốn sách hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thư viện tỉnh (Ảnh: LA MAI)

Sân vận động Đông Kinh (được chọn là nơi để Bác nói chuyện với đồng bào) hồi đó rất đơn sơ. Mở đầu, Người nói: “Trước hết, tôi xin lỗi đồng bào vì tôi đến chậm nên đồng bào phải chờ lâu”... rồi Người mới tiếp tục bài phát biểu.

Phát biểu xong, Bác chủ động nói: “Bây giờ chúng ta hát chung bài “kết đoàn”, đồng bào đồng ý không?”. Tiếng hô vang từ bên dưới “Đồng ý, Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Khi Bác đã đi ra phía sau khán đài nơi xe chờ đưa Bác về Tỉnh ủy, nhiều người còn lưu luyến, ở lại sân vận động hồi lâu rồi mới về.

Về đến Tỉnh ủy đã gần trưa, Bác không nghỉ và hỏi chỗ nói chuyện với cán bộ có xa không? Không xa thì đi bộ sang, không cần đi xe (Nơi Bác nói chuyện với cán bộ là khu vực Sở Nội vụ ngày nay). Trong khi nói chuyện với cán bộ, Bác phê bình những thiếu sót trong phong trào của tỉnh và phân tích sâu sắc về đoàn kết nội bộ, chỉ ra nạn phá rừng còn nghiêm trọng, nhấn mạnh cần quan tâm hơn nữa đến cán bộ nữ… Bác yêu cầu Lạng Sơn cần sửa chữa.

Trong bữa cơm trưa, hai vị khách Thị ủy và chính quyền Bằng Tường (Trung Quốc) được Bác cho mời đã có mặt (Triệu Ninh, Phó Bí thư Thị ủy và Vu Thủ Trung, phó thị trưởng chính quyền). Mọi người đang chuẩn bị cơm, Bác bảo “Bác đã mang cơm theo. Các chú muốn ăn cơm cùng Bác thì mang phần cơm của mình đến cùng ăn”. Mỗi người một tay dọn cơm để cùng ăn với Bác. Bữa trưa diễn ra trong bầu không khí vui vẻ, ấm cúng. Bác ăn ngon miệng và thân tình hỏi chuyện từng người. Sau bữa ăn, Người nói chuyện với hai vị khách bằng tiếng Trung Quốc rất thông thạo. Người nói đại ý: “Việt Nam và Trung Quốc tình nghĩa như đồng chí, như anh em; Lạng Sơn và Bằng Tường là hàng xóm, vừa là anh em phải thương yêu, giúp đỡ nhau, không phải chỉ bằng tiền của để ăn tiêu mà giúp cả cách làm ăn cho tốt”. Hai khách Trung Quốc hứa thực hiện tốt chỉ thị của Người và báo cáo lên cấp trên.

Sau khi tiễn khách Trung Quốc, Bác giục các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp tục chương trình. Bác sang thăm Bệnh viện tỉnh (đối diện trụ sở Báo và Đài PTTH tỉnh ngày nay). Do hằng ngày y, bác sĩ bệnh viên đi cổng sau, cửa trước thường được khóa lại. Các đồng chí dẫn đường đưa Bác vào cửa chính, lâu ngày han gỉ rất khó mở. Bác nói: “Sao vậy? Như vậy là tiền hậu bất nhất”, mọi người cùng cười vui. Thời giờ ngắn ngủi, Bác chỉ thăm một số bệnh nhân trong buồng điều trị. Thấy Bác bước vào gần giường, một chị mới sinh con cố gượng dậy chào Bác, mắt đỏ hoe vì xúc động. Bác nói: “Cô cứ nằm nghỉ, đừng ngồi dậy kẻo mệt thêm. Bác đến thăm phải vui lên chứ, sao lại khóc?”... Bác của chúng ta gần gũi, giản dị đến như thế.

Sau khi tạm biệt các y, bác sĩ bệnh viện, Bác sang thăm Trường Văn hóa quân đội. (Nay là khu cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Giữa sân trường, đơn vị bố trí mít tinh đón Bác trang nghiêm và trọng thể. Đồng chí Lâm Kính (Hiệu trưởng nhà trường) đưa Bác thăm doanh trại theo chương trình, nhưng Bác đi rất nhanh vào khu nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh. Bác hài lòng đều sạch sẽ, rồi rẽ vào thăm buồng ở cửa chiến sĩ, có anh bộ đội nấp sau cánh cửa liền cầm tay Bác và nói: “Cho cháu hôn tay Bác”. Các đại biểu cùng đi đều bất ngờ, đang lúng túng, Bác lại bình thản cười: “Chú này láu cá. Đưa Bác thăm chỗ ngủ của các chú!”...

Sau khi thăm nơi ở của chiến sĩ, Người ra nơi mít tinh giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt. Người nói chuyện thân mật, căn dặn bộ đội học tốt, rèn luyện sức chiến đấu tốt. Đồng chí hiệu trưởng đọc lời đáp viết sẵn khá dài. Khi đọc đến phần kết, chưa kịp đọc hết Bác đã đoán trước và đọc câu đúng như bài đáp từ... Mọi người ai cũng cảm thấy sự ấm áp, gần gũi của Bác.

Rời Trường Văn hóa quân đội, đoàn đưa Bác qua cầu Kỳ Cùng đến thăm Trường Thiếu nhi rẻo cao (nay là khu cơ quan Thành ủy, UBND thành phố Lạng Sơn). Ở đây, các thầy cô giáo báo cáo công việc giảng dạy của nhà trường. Bác thăm khu vườn rau giữa vòng trong, vòng ngoài chan chứa tình yêu của các cháu thiếu nhi. Bác bế một cháu vào lòng và lần lượt chia kẹo cho các cháu...

Về lại cơ quan Tỉnh ủy, Bác vào phòng khách, Người không nghỉ và nói: “Ngồi ghế bành thế này cũng đỡ mệt rồi”. Khi chị Đường Thị Kim (lúc ấy công tác ở Ty Công an) hỏi: Bác ở Hà Nội làm việc có luôn được khỏe mạnh không ạ?”. Bác không trả lời mà làm động tác ưỡn ngực ra, có ý nói: Trông thế này cũng đủ biết Bác khỏe hay không rồi. Đồng chí Nguyễn Khai (Chánh Văn phòng Trung ương Đảng) lấy bức ảnh chân dung của Bác để Bác ký tặng rồi trao cho đồng chí Nguyễn Thế Kỳ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh được nghe lời Bác dặn dò kỹ lưỡng. Trước khi Bác ra sân bay, tỉnh đã biếu Bác một cây cải bắp nặng 8 kg và một số củ su hào to nhất lấy ở Hợp tác xã Nông màu xã Mai Pha. Đoàn cán bộ của tỉnh tiễn Bác ra sân bay Mai Pha, lúc ấy đã vào lúc xế chiều…

Một năm sau, ngày 19/2/1961, Bác đi thăm tỉnh Cao Bằng bằng máy bay, hạ cánh xuống sân bay Mai Pha. Vì thời gian gấp, Người không vào thăm Lạng Sơn. Tỉnh đón Bác và dùng xe ô tô đưa Bác đi theo đường 4A lên đỉnh đèo Lũng Phầy. Ngày 21/2/1961, Bác cùng đoàn cán bộ Trung ương đi ô tô từ Cao Bằng trở về Hà Nội, lúc 10 giờ dừng chân tại Trạm Khí tượng thủy văn (huyện Tràng Định), Bác cùng đoàn nghỉ trưa, ăn cơm và làm việc với lãnh đạo huyện tại đây. Sau đó, một cuộc nói chuyện giữa Bác Hồ với Nhân dân, học sinh Tràng Định được tổ chức ngay bên đường 4 (nay là sân vận động huyện Tràng Định). Người nói chuyện với đồng bào, chúc tết và mong mọi người vào hợp tác xã để thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Được tin Bác Hồ đang nói chuyện, nhiều người ở xa đã băng qua cánh đồng và các nẻo đường để được gặp Bác. Sau buổi nói chuyện, máy bay trực thăng do các phi công Liên Xô lái đến đón Bác. Ngày nay, tại đây, huyện Tràng Định đã xây dựng khu lưu niệm để tưởng nhớ Bác Hồ.

Thấm nhuần lời huấn thị trong buổi nói chuyện và lời dạy của Bác trong thời gian đến thăm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lạng Sơn đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Lời dạy của Bác còn mãi khắc sâu trong lòng Nhân dân Lạng Sơn, là động lực xây dựng, phát triển Lạng Sơn ngày càng giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng an ninh.

Đinh Ích Toàn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hoc-tap-va-lam-theo-guong-bac-ngay-bac-ve-tham-23-02-1960-5046000.html
Zalo