Nhịp sống mới ở Tân Sơn

Phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ phù hợp với nhiều loại cây trồng, từ một bản làng nghèo khó, những năm qua bộ mặt nông thôn ở bản Tân Sơn có bước chuyển mình mạnh mẽ, dân bản chịu thương, chịu khó canh tác, sản xuất, cùng nhau đoàn kết xây dựng nếp sống mới.

Ở bản Tân Sơn, nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua trâu, bò sinh sản để phát triển kinh tế.

Vượt qua cung đường rừng chừng hơn 5km, với nhiều khúc cua, dốc dựng đứng, chúng tôi tìm về Tân Sơn, một trong những bản người Thái còn nhiều khó khăn của xã Phú Xuân (Quan Hóa). Ấn tượng trong khung cảnh yên lặng, thanh bình là con đường nội bản sạch sẽ, hai bên được phủ màu xanh của rừng luồng, cây ăn quả tỏa bóng mát bên những ngôi nhà sàn truyền thống được người dân gìn giữ gần như nguyên vẹn.

Bản có 632 nhân khẩu. Những năm gần đây, hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân phát triển giao thương, buôn bán hàng hóa. Đồng thời, phát huy lợi thế về khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, chịu khó canh tác, nhờ đó, năng suất, sản lượng năm sau thường cao hơn năm trước, nhiều hộ chủ động hơn trong phát triển kinh tế.

Những năm qua với diện tích đất rừng lớn là tiềm năng để Tân Sơn phát triển các thế mạnh về trang trại nông nghiệp kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nuôi ong cũng như khai thác, chế biến lâm sản, thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước các dự án thâm canh, phục tráng rừng luồng triển khai năm thứ hai với tổng diện tích hơn 50ha; bà con được hỗ trợ giống, cây trồng, trâu, bò sinh sản. Nhiều hộ gia đình còn tận dụng đất vườn liền kề chủ động đào ao, nuôi cá trắm, dầm xanh, ếch.. đem lại hiệu quả kinh tế giúp cải thiện cuộc sống. Hiện nay bản chỉ còn 50 hộ nghèo.

Cô và trò tại điểm trường Tân Sơn, Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân (Quan Hóa).

Trước đây, hộ anh Cao Thanh Tọng (SN 1970, dân tộc Thái) thuộc diện hộ nghèo của bản. Năm 2021 anh mạnh dạn vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Nhận thấy mô hình có hiệu quả, đầu năm 2024 gia đình tiếp tục vay 100 triệu đồng mua thêm trâu, bò, duy trì đàn 24 con. Vì thế, năm 2024, thu nhập của gia đình đạt gần 150 triệu đồng. Nhờ đó cuộc sống khấm khá hơn trước.

Điểm trường Tân Sơn, Trường Tiểu học Thanh Xuân (Phú Xuân) hiện có 46 học sinh với 4 lớp. Do đặc thù địa hình phức tạp, con em một phần học tại bản, còn lại học ở điểm trường Éo. Với mong muốn giúp các em có điều kiện học hành tốt nhất, góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế của các bậc phụ huynh, sau thời gian dài trăn trở, năm học 2021-2022 thầy giáo Đặng Xuân Viên, hiệu trưởng nhà trường cùng đội ngũ thầy, cô giáo đã ấp ủ xây dựng mô hình trường bán trú dân nuôi tại điểm trường. Để duy trì hoạt động của căn bếp, ngoài nguồn kêu gọi của các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện, mỗi em được phụ huynh đóng góp thêm, đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh. Với những hộ gia đình khó khăn hơn, có thể đóng góp tùy theo khả năng của mình.

Những ngôi nhà sàn truyền thống ở bản Tân Sơn.

Trưởng bản Phạm Bá Khâm cho biết: Tân Sơn thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, lại nằm ở độ cao 800m so với mặt nước biển, quanh năm mây mù, sương phủ nên khung cảnh hoang sơ, thơ mộng hiếm có. Đặc biệt, với cảnh quan hùng vĩ, rừng núi trùng điệp xen kẽ là hệ thống thác nước, hang đá; những ngôi nhà sàn đặc trưng, cùng nét sinh hoạt truyền thống, ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc, hứa hẹn sẽ trở thành điểm du lịch đầy tiềm năng thu hút du khách ưa trải nghiệm, khám phá trong thời gian tới.

Ông Cao Hồng Được, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân chia sẻ: Với mong muốn tạo điều kiện để bà con Tân Sơn kết nối giao thương với các bản trong và ngoài xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời hoàn thiện mạng lưới đường giao thông, đảm bảo an ninh, chính trị, ngày 26/2/2024 UBND xã đã ban hành Quyết định số 59 về việc triển khai nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ bản Éo đi Tân Sơn có tổng chiều dài gần 2km, tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng. Đồng thời, tranh thủ các nguồn hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, vận động, tuyên truyền bà con mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhip-song-moi-nbsp-o-tan-son-33626.htm
Zalo