Nhìn lại quan điểm của Tổng thống Trump trong đàm phán với Nga về hòa bình Ukraine
Theo tờ Kyiv Independent ngày 15/2, sau khi cam kết chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Trump đã bắt đầu tiến hành những bước đầu hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình.
Sau khi điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 12/2, ông Trump đã tuyên bố rằng các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine sẽ bắt đầu ngay lập tức. Ngay sau đó, ông cũng thông báo cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về vấn đề này.
Tiếp theo đó là một loạt các tuyên bố từ ông Trump và đội ngũ của ông về Ukraine, Nga cũng như quy trình thỏa thuận hòa bình.
Quan điểm về Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo ở Moskva ngày 19/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Trump có vẻ tự tin rằng ông Putin đã sẵn sàng cho các cuộc đối thoại nghiêm túc.
Cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Trump và ông Putin kể từ khi ông Trump trở lại nắm quyền đã kéo dài 1,5 giờ vào ngày 12/2.
Ông Trump đã khen ngợi cuộc trò chuyện với lời nhận xét: “Cuộc trò chuyện kéo dài và hiệu quả cao”. Sau đó, ông cho biết cả hai bên đã đồng ý phối hợp chặt chẽ bao gồm cả việc thăm viếng quốc gia của nhau.
Ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào ngày 13/2: “Tôi nghĩ Tổng thống Putin muốn hòa bình, Tổng thống Zelensky muốn hòa bình và tôi cũng muốn hòa bình”.
Ông Trump cho biết ông sẽ gặp ông Putin tại Saudi Arabia, nhưng ông chưa tiết lộ ngày giờ.
Quan điểm về vai trò của Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: PAP/TTXVN
Ông Trump đã gọi cho Tổng thống Putin trước vào ngày 12/2 rồi sau đó thông báo cho ông Zelensky qua điện thoại rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu, làm dấy lên mối lo ngại rằng ông Trump không hề quan tâm đến việc tham khảo ý kiến của Ukraine trước khi đưa ra các quyết định then chốt.
Tổng thống Zelensky đã thừa nhận với các nhà báo rằng ông không thoải mái khi ông Trump gọi cho ông Putin trước.
Khi được các phóng viên hỏi liệu Ukraine có nên là một thành viên bình đẳng của các cuộc đàm phán hòa bình hay không, ông Trump không trả lời trực tiếp. Ông Trump chỉ nói: “Đó là một câu hỏi thú vị. Tôi nghĩ họ phải đạt được hòa bình. Người của họ đang chết”.
Ngay sau đó, ông Trump khẳng định rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Moskva sẽ có sự tham gia của Kiev nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga trong Ukraine.
Ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào ngày 13/2: “Họ là một phần của quá trình. Chúng ta sẽ có Ukraine và Nga, sẽ có sự tham gia của nhiều người khác, rất nhiều người”.
Tổng thống Zelensky cho biết rằng việc ông gặp ông Trump trước ông Putin là quan trọng. Cho đến nay, Kiev vẫn chưa xác nhận cuộc gặp đã được lên kế hoạch với Tổng thống Mỹ.
Ông Trump dường như không quan tâm đến việc cung cấp viện trợ quân sự và hỗ trợ nhân đạo cần thiết chỉ để giúp Ukraine. Ông đã nhấn mạnh rằng Mỹ cũng cần nhận được điều gì đó đáp lại.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, Tổng thống Trump nói Ukraine có thể trở thành của Nga vào một ngày nào đó. Sau đó, ông cho biết ông đã yêu cầu Kiev cung cấp khoáng chất đất hiếm tương đương 500 tỷ USD và họ đã đồng ý.
Ông Trump nói: “Nếu không, chúng ta sẽ ngu ngốc. Chúng ta phải nhận được điều gì đó. Chúng ta không thể tiếp tục chi trả số tiền này”.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky cho rằng thỏa thuận của Mỹ về đất hiếm không mang lại bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine, đó là lý do tại sao Kiev chưa ký kết.
Quan điểm về triển vọng gia nhập NATO của Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth dự Hội nghị Nhóm liên lạc quốc phòng về Ukraine của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Bỉ ngày 12/2/2025. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN
Tổng thống Trump đã đồng thuận với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth rằng con đường gia nhập NATO của Ukraine không khả thi.
Ông Donald Trump nói vào ngày 12/2: “Ông Pete đã tuyên bố rằng điều đó không khả thi. Tôi nghĩ có lẽ điều đó là đúng. Từ lâu, trước cả Tổng thống Putin, họ đã nói rằng không thể cho phép điều đó. Điều này đã tiếp tục như vậy suốt nhiều năm. Họ đã nói từ lâu rằng Ukraine không thể gia nhập NATO và tôi đồng ý với điều đó”.
Vào ngày 12/2, ông Hegseth nói rằng các đảm bảo an ninh sau chiến tranh cho Ukraine phải được binh lính châu Âu và ngoài châu Âu hỗ trợ, ngoài phạm vi của NATO. Ông Hegseth phát biểu: “Rõ ràng, trong bất kỳ đảm bảo an ninh nào, sẽ không có binh sĩ Mỹ được triển khai vào Ukraine”.
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal vào ngày 13/2 rằng Mỹ vẫn đang xem xét về khả năng triển khai binh sĩ vào Ukraine nếu Nga không đàm phán đúng cách.
Sau khi Wall Street Journal đăng cuộc phỏng vấn, ông JD Vance đã rút lại những bình luận của mình và cho rằng bài báo này là “vô lý”,
khẳng định rằng Wall Street Journal đã bóp méo lời ông.
Ông JD Vance nói vào ngày 14/2:
“Binh sĩ Mỹ không bao giờ bị đưa vào tình huống nguy hiểm nếu điều đó không thúc đẩy lợi ích và an ninh của Mỹ. Cuộc chiến này chỉ xảy ra giữa Nga và Ukraine”.
Quan điểm về biên giới trước năm 2014 của Ukraine

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 4/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Trump và các quan chức cấp cao đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng Ukraine có thể lấy lại toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của mình.
Ông Trump nói với các phóng viên vào ngày 13/2 rằng Ukraine có thể lấy lại một số lãnh thổ nhưng không nên mong đợi khôi phục biên giới trước năm 2014.
Bộ trưởng Hegseth bình luận rằng việc Ukraine khôi phục biên giới trước năm 2014 là không thực tế,
bao gồm bán đảo Crimea và một số phần của khu vực Donbas phía Đông mà Nga đã kiểm soát vào năm 2014.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Ramstein ở Bỉ, ông Hegseth nói rằng Mỹ cũng mong muốn thấy Ukraine độc lập và thịnh vượng nhưng sau đó, ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải bắt đầu bằng việc nhận thức rằng trở lại biên giới Ukraine trước năm 2014 là một mục tiêu không thực tế”.
Ông Keith Kellogg, đặc phái viên về Ukraine và Nga của Tổng thống Trump, bình luận rằng chính thức hóa những tổn thất lãnh thổ của Ukraine trong một thỏa thuận hòa bình tiềm năng sẽ không đồng nghĩa với việc công nhận chúng. Ông Keith Kellogg nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 13/2: “Tôi nghĩ sẽ có một thỏa thuận nhất định về việc mất lãnh thổ tiềm năng. Nhưng không cần phải thừa nhận điều đó”.
Các động thái của Nga
Ngày 13/2, ông Dmitry Peskov xác nhận Nga đã bắt đầu thành lập một nhóm đàm phán với Mỹ nhằm thảo luận về tình hình ở Ukraine.
Mặc dù chưa công bố thông tin về các thành viên của nhóm đàm phán, ông Peskov nhấn mạnh rằng sẽ chia sẻ các thông tin chi tiết hơn sau khi có quyết định cuối cùng. Ông Peskov cho biết tuy chưa thể xác định thời gian tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo, song cả hai bên đều nhất trí rằng có thể đạt được giải pháp qua đàm phán. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để bàn về sự tham gia của các nước châu Âu trong các cuộc đàm phán.
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã nhận được nhiều phản ứng tích cực. Điện Kremlin cho biết sau cuộc điện đàm, Nga và Mỹ đều thể hiện quyết tâm chính trị để tìm giải pháp và chấm dứt xung đột tại Ukraine. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới bị ảnh hưởng do mối quan hệ không mấy tích cực giữa Nga và chính quyền trước đây của Mỹ.