Nhìn lại năm 2024: Bức tranh chính trị toàn cầu nhiều biến động

Những xáo trộn chính trị tại một loạt quốc gia đang tác động sâu sắc đến các trục quan hệ và cục diện địa chính trị thế giới. Không chỉ là 'năm siêu bầu cử' với khoảng 60 cuộc bầu cử trên toàn cầu, năm 2024 còn xảy ra những diễn biến mang tính bước ngoặt trong những 'hồ sơ nóng' lâu nay. Thế giới bước vào năm mới 2025 với kỳ vọng ổn định, xen lẫn lo âu về tương lai bất định phía trước.

Kamala Harris và ông Donald Trump tranh luận trực tiếp hôm 10/9/2024. (Ảnh REUTERS)

Trước khi bước vào năm 2024, nhiều nhà phân tích đã lựa chọn từ khóa "biến động khó lường" để dự báo về chính trường thế giới. Bởi đây là "năm siêu bầu cử" với hơn 2 tỷ cử tri tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu đi bỏ phiếu trong khoảng 60 cuộc bầu cử, lựa ra người đứng đầu và các chính đảng lãnh đạo đất nước. Kết quả của hàng loạt cuộc bầu cử được cho là tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt với nhiều quốc gia và cả trật tự quốc tế.

Nổi bật trong số đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ với tương lai của Xứ Cờ hoa, mà còn với phần còn lại của thế giới. Sức nóng của cuộc bầu cử tại Mỹ xuyên suốt cả năm. Thậm chí, nhiều nước còn đưa cả kết quả bầu cử của Mỹ vào nội dung hoạch định chính sách quốc gia. Ông Donald Trump trở lại ngồi "ghế nóng" tại Nhà trắng sau chiến thắng được đánh giá là thuyết phục, vượt qua nhiều khó khăn trong hành trình tranh cử với những lần bị ám sát hụt.

Tuy nhiên, đồn đoán về chính sách sắp tới của "chính quyền 2.0" của Tổng thống đắc cử Donald Trump gây xôn xao dư luận, không chỉ riêng nước Mỹ, mà với nhiều quốc gia, gồm cả những đồng minh của Mỹ. Những nội dung phát biểu khi tranh cử, cũng như những tuyên bố sau khi đắc cử cho thấy ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi chủ trương "Nước Mỹ trước hết". Về thương mại, chính quyền Mỹ sắp tới được dự đoán sẽ áp dụng chính sách mang tính bảo hộ cao - vốn được cho là có thể mang lại lợi ích cho Xứ Cờ hoa trong ngắn hạn, nhưng gây tổn hại các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ, có thể khơi lại tranh cãi, thậm chí xung đột thương mại với các đối tác.

Về đối ngoại, chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ điều chỉnh cách tiếp cận về các điểm nóng, như các cuộc xung đột tại Ukraine, khu vực Trung Ðông…, theo hướng giảm bớt sự can thiệp của Washington và thúc đẩy vai trò các đồng minh của Mỹ.

Trong khi đó, với châu Âu, 2024 là một năm nhiều sóng gió, khi lực lượng cực hữu trỗi dậy mạnh mẽ, cùng tình trạng rối ren diễn ra tại hai đầu tàu kinh tế Liên minh châu Âu (EU) là Ðức và Pháp. Trong khi nước Pháp có Thủ tướng thứ tư chỉ trong vòng một năm, nước Ðức đang hướng về cuộc bầu cử sớm diễn ra vào tháng 2/2025 sau sự sụp đổ của Chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz. Trục Pháp-Ðức lung lay khiến EU thiếu đi sự lãnh đạo quyết đoán để có những phản ứng tập thể nhanh chóng trước các cuộc khủng hoảng. Và rất có thể, khi châu Âu rối ren, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ thay đổi cách tiếp cận đối với châu lục này trong vấn đề quốc phòng, thương mại.

Vẫn là điểm nóng xung đột của thế giới năm 2024, Trung Ðông còn chứng kiến một số bước ngoặt lớn, khiến "khu vực chảo dầu" này thêm sôi sục. Israel và Iran công khai tấn công trực tiếp lẫn nhau; xung đột ở Syria bất ngờ trở lại, dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Dù lực lượng đối lập tuyên bố giành quyền kiểm soát, giới quan sát vẫn lo ngại Syria lại là điểm nóng mới ở khu vực vốn đã chao đảo vì các cuộc đụng độ, đối đầu.

Châu Á cũng không nằm ngoài vòng xoáy bất ổn chính trị. Trong đó, chính trường Hàn Quốc xáo trộn khi cả Tổng thống, quyền Tổng thống đối mặt phiên luận tội vì trách nhiệm liên quan việc ban bố tình trạng thiết quân luật. Căng thẳng lại gia tăng trên bán đảo Triều Tiên với những động thái chạy đua quân sự, đẩy mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên xuống mức thấp...

Thế giới bước vào năm 2025 trong sự lo âu, khi những vòng xoáy xung đột, bất ổn và bế tắc chính trị chưa đi đến hồi kết. Những diễn biến trên chính trường nhiều nước và khu vực hiện nay báo hiệu về một môi trường địa chính trị toàn cầu ngày càng phức tạp. Trong đó, căng thẳng địa chính trị được dự báo gia tăng, nhất là gắn với cạnh tranh về công nghệ, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đứng trước nhiều rủi ro.

Theo Báo Nhân dân

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/ban-tin-quoc-te/nhin-lai-nam-2024-buc-tranh-chinh-tri-toan-cau-nhieu-bien-dong-fVSmCOHNg.html
Zalo