Nhịn ăn gián đoạn: Coi chừng lợi bất cập hại

Nhịn ăn gián đoạn đang được nhiều người ở Hải Dương lựa chọn để giảm cân, cải thiện vóc dáng. Tuy nhiên, không phải ai cũng áp dụng được phương pháp này, nếu lạm dụng có thể gây nhiều hệ lụy.

Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp giảm cân dễ thực hiện khi vẫn có thể ăn thoải mái trong thời gian nhất định (ảnh minh họa)

Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp giảm cân dễ thực hiện khi vẫn có thể ăn thoải mái trong thời gian nhất định (ảnh minh họa)

Dễ thực hiện

Chị Phạm Hồng Loan, 31 tuổi ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) làm lễ tân nên chị rất coi trọng tới ngoại hình. Trước đây, chị ăn uống khoa học, tập luyện thể thao đều đặn để giữ vóc dáng. Từ khi sinh con đầu lòng, được gia đình bồi bổ nhiều nên chị Loan tăng cân không kiểm soát. Khi trở lại với công việc, chị mới để ý tới việc giảm cân. “Ngày trước, muốn giảm từ 2-4 kg với tôi rất dễ dàng còn hiện tại thì lại khó khăn”, chị Loan than phiền.

Chị Loan mạnh tay chi cho các lớp tập gym, yoga với mong muốn trở về vóc dáng ban đầu nhưng do bận bịu công việc, chăm sóc gia đình, con cái nên chị không đủ kiên nhẫn theo hết khóa học. Được đồng nghiệp gợi ý, chị Loan tìm hiểu về phương pháp nhịn ăn gián đoạn và làm theo 6 tháng nay. Để thực hiện, chị nhịn ăn hoàn toàn, chỉ uống nước lọc hoặc đồ uống 0 calo ít nhất 16 tiếng, chỉ được ăn trong vòng 8 tiếng còn lại trong ngày. Sau một tháng áp dụng, chị Loan thấy cơ thể, cân nặng có thay đổi. Đến hết tháng thứ 2 thì cân nặng cải thiện đáng kể. Với chị Loan, cách giảm cân này tương đối dễ thực hiện. Chị thường bỏ bữa sáng để bảo đảm thời gian nhịn ăn, chỉ ăn 2 bữa trưa và tối.

Anh Nguyễn Quốc Mạnh, 24 tuổi ở xã Nghĩa An (Ninh Giang) tìm đến phương pháp nhịn ăn gián đoạn sau nhiều lần giảm cân thất bại. Chưa lập gia đình, cân nặng hơn 90 kg nên anh Mạnh tự ti, mặc cảm về ngoại hình. Thậm chí, vì nôn nóng giảm cân nên anh đã từng áp dụng biện pháp giảm cân cực đoan là sử dụng thuốc giảm cân và phải nhập viện. Sau lần đó, anh Mạnh cân nhắc, thận trọng hơn trong việc giảm cân. Biết tới nhịn ăn gián đoạn qua giáo viên thể hình, anh tìm hiểu thêm thông tin trên mạng và bắt đầu áp dụng từ tháng 8/2024.

Tập luyện thường xuyên là phương pháp giảm cân an toàn, hiệu quả (ảnh nhân vật cung cấp)

Tập luyện thường xuyên là phương pháp giảm cân an toàn, hiệu quả (ảnh nhân vật cung cấp)

Bắt buộc phải nhịn ăn trong 16 tiếng, anh Mạnh bỏ qua bữa sáng vì thói quen sau ngủ dậy, anh bận rộn với công việc luôn nên không chú trọng bữa ăn này. Hiện anh Mạnh đã giảm được 5 kg và đang tiếp tục nhịn ăn gián đoạn để có cân nặng như mong muốn. Anh cho biết: “Sau khi quen với 16:8, tôi đang thực hiện theo 20:4, tức là nhịn ăn 20 tiếng, chỉ ăn trong 4 tiếng. Thử qua nhiều cách giảm cân thì nhịn ăn gián đoạn tương đối đơn giản, không quá khắt khe, mệt mỏi. Mặc dù vậy, để có cân nặng như ý và duy trì thì vẫn phải tuân thủ đúng nguyên tắc”.

Không lạm dụng

Giữa nhiều phương pháp giảm cân thì nhịn ăn gián đoạn được nhiều người lựa chọn. Với cách làm này, mọi người không lo cắt khẩu phần ăn, tập luyện kham khổ hay đối mặt với nhiều nguy cơ khi uống thuốc giảm cân. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể áp dụng nhịn ăn gián đoạn. Sau khi theo phương pháp nhịn ăn gián đoạn được hơn 1 năm, chị Vũ Thị Dung, 35 tuổi ở đường Bà Triệu (TP Hải Dương) quyết định từ bỏ vì gặp phải không ít rắc rối về vấn đề sức khỏe. Nhịn ăn gián đoạn giúp chị cải thiện cân nặng song lại khiến chị mất ngủ, thường xuyên đau đầu, chóng mặt, tóc rụng nhiều, da xạm đen. Chị cho rằng do bản thân nhịn ăn gián đoạn quá lâu làm cơ thể thay đổi theo hướng tiêu cực, sức khỏe đi xuống. Hiện chị không còn nhịn ăn gián đoạn mà chuyển sang giảm cân an toàn là tập luyện và ăn uống khoa học.

Cơ chế nhịn ăn gián đoạn là trong khoảng thời gian cơ thể không được dung nạp calo và sẽ sử dụng lượng calo tích lũy. Khi năng lượng được giải phóng, cân nặng sẽ giảm. Thế nhưng, bên cạnh hiệu quả mang lại, nhịn ăn gián đoạn cũng gây không ít hệ lụy, tác động tiêu cực. Theo chị Trần Ngọc Quỳnh, giáo viên thể hình tại Trung tâm Moti Fitness (TP Hải Dương), nhịn ăn gián đoạn trở nên phổ biến, được nhiều người lựa chọn do dễ áp dụng, không mất thời gian luyện tập nhưng không phải ai cũng phù hợp. Thực hiện phương pháp này, hầu hết mọi người thường lựa chọn bỏ bữa sáng để bảo đảm thời gian nhịn ăn, trong khi bữa sáng là quan trọng nhất. Dù đơn giản song một số học viên của chị Quỳnh phải từ bỏ cách giảm cân này do nhịn ăn trong thời gian dài khiến đường huyết giảm nên cảm thấy đau đầu, chóng mặt. “Nhiều người thường kết hợp tập luyện và nhịn ăn gián đoạn với mong muốn có thân hình đẹp. Tuy nhiên, phải lắng nghe cơ thể để tìm ra lựa chọn phù hợp với thể trạng nhất”, chị Quỳnh cho hay.

Áp dụng nhịn ăn gián đoạn phải tuân thủ chế độ, khẩu phần ăn bảo đảm dinh dưỡng

Áp dụng nhịn ăn gián đoạn phải tuân thủ chế độ, khẩu phần ăn bảo đảm dinh dưỡng

Áp dụng nhịn ăn gián đoạn là thay đổi chế độ và thời gian ăn uống. Theo chị Lê Thị Xuê, Trưởng Phòng Dinh dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), hiện có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Một số nghiên cứu chỉ ra, ăn theo 16:8 không chỉ giúp giảm cân mà nếu áp dụng đúng cách có thể làm giảm bệnh đái tháo đường, Alzheimer… Nhưng nếu áp dụng chế độ này, phải bảo đảm các điều kiện về tính toán để khống chế lượng calo nạp vào thấp hơn tiêu thụ, tránh ăn quá nhiều trong thời gian được phép ăn. Đồng thời phải lựa chọn nguồn thực phẩm dinh dưỡng, đầy đủ các nhóm chất. Khi nhịn ăn gián đoạn phải hỏi ý kiến chuyên gia để cá thể hóa chế độ dinh dưỡng. Nhịn ăn gián đoạn cần tuân thủ đúng thời gian thì mới có hiệu quả.

Chị Xuê khuyến cáo không nên lạm dụng nhịn ăn gián đoạn trong thời gian dài vì có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Ngoài ra, nếu áp dụng không đúng cách có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, suy giảm miễn dịch…

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhin-an-gian-doan-coi-chung-loi-bat-cap-hai-403048.html
Zalo