Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Ngày 7/2, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (dự thảo Luật). Đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan liên quan tham dự.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Luật Khoa học và công nghệ là nền tảng pháp lý quan trọng nhất đối với việc phát triển khoa học, công nghệ.

Cho nên, từ những kinh nghiệm thực tiễn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ động trong việc nghiên cứu, đề xuất những nội dung góp ý trực tiếp cho dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo để làm sao gỡ bỏ tất cả những rào cản cho khoa học thực sự trở thành động lực mới.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học góp ý trên tinh thần thẳng thắn về các nội dung của dự thảo Luật, với kỳ vọng sẽ xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Theo đó, một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa thể hiện rõ về cơ chế, ưu đãi đối với trường đại học được thành lập doanh nghiệp; doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong trường đại học, đặc biệt với các sản phẩm thương mại hóa, spin-off hoặc các hợp tác doanh nghiệp cùng nghiên cứu phát triển (R&D) từ trường đại học.

Dự thảo Luật cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn, tập trung vào việc ưu đãi thuế mạnh mẽ và hỗ trợ tài chính linh hoạt hơn cho doanh nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp; cải thiện chính sách nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thu hút nhân tài.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm.

Dự thảo Luật cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa từ sản phẩm nghiên cứu khoa học của họ thông qua thành lập doanh nghiệp khoa học, công nghệ hoặc doanh nghiệp thuộc đại học.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Bảo Ngọc, Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), dự thảo Luật cần có các điều khoản liên quan đến chiến lược trọng điểm của quốc gia về trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng cao, vật liệu... để làm cơ sở pháp lý cho sự phát triển.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành, Trường đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, các quy định về tài chính và đầu tư cho khoa học, công nghệ theo Chương IV của dự thảo Luật chỉ mới đề cập chi ngân sách cho khoa học, công nghệ tối thiểu 2% ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, chưa bao quát bình quân đầu tư cho khoa học, công nghệ từ các nguồn khác nhau chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của quốc gia. Trong đó, nguồn từ ngân sách nhà nước là bao nhiêu, nguồn từ huy động xã hội ngoài nhà nước là bao nhiêu. Từ đó mới có chính sách huy động nguồn lực xã hội.

Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Tươi, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá dự thảo Luật còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, chưa có những điểm mới như kỳ vọng và thiếu bao trùm cho mọi tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học trong thời kỳ phát triển khoa học rất nhanh, hiện đại như hiện nay.

Cụ thể, cần định nghĩa thế nào là “Khoa học mở”; chính sách của Nhà nước với khoa học mở. Mục 6, Điều 9 quy định “Quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu được chia sẻ thuộc về cá nhân hoặc tổ chức tạo ra kết quả hoặc theo quy định của pháp luật”, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có các quy định liên quan về vấn đề này.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng dự thảo Luật đã nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn tính cấp thiết của việc ban hành Luật, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và sự chuyển dịch sang nền kinh tế số.

Ví dụ như, thực trạng tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D)/GDP chỉ khoảng 0,44% (dữ liệu 2023), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc (4,8%), Trung Quốc (2,2%) và Singapore (1,9%). Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn manh mún, chưa có sự kết nối hiệu quả giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp...

CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhieu-y-kien-dong-gop-cho-du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-post859054.html
Zalo