Nhiều tổ chức tín dụng tại TP.HCM chưa quan tâm biện pháp phòng ngừa cướp ngân hàng
TP.HCM có 11 hội sở ngân hàng và 1.913 chi nhánh, điểm giao dịch đang hoạt động nhưng chỉ có 16 ngân hàng với 449 điểm giao dịch, chi nhánh triển khai áp dụng hệ thống cảnh báo khẩn cấp kết nối với công an phường, xã. Công an TP.HCM khuyến nghị các ngân hàng cần thực hiện đầy đủ biện pháp phòng ngừa tội phạm, để triệt tiêu ý định trộm, cướp ngân hàng của các đối tượng.
Sáng 21/11, Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn.
Báo cáo tại Hội nghị, Đại tá Phạm Đình Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM cho biết, hiện có 11 hội sở ngân hàng và 1.913 chi nhánh, điểm giao dịch đang hoạt động tại thành phố. Đây là những nơi luôn có tài sản và số tiền mặt lớn tại các quầy, để thuận tiện cho khách hàng giao dịch, điều này đã trở thành mục tiêu cho tội phạm nhắm tới.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 16 ngân hàng với 449 điểm giao dịch, chi nhánh triển khai áp dụng hệ thống cảnh báo khẩn cấp kết nối với công an phường, xã. Hầu hết các ngân hàng và phòng giao dịch vẫn chưa thực hiện đầy đủ khuyến nghị của Công an TP.HCM về việc phối hợp tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Dù trong 11 tháng qua, TP.HCM không xảy ra vụ cướp tài sản tại các ngân hàng (giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2023), nhưng đã ghi nhận một vụ cạy cây ATM ở huyện Hóc Môn (tháng 4/2024 nhưng chưa lấy được tài sản) và một vụ trộm cắp tài sản tại ngân hàng ở TP. Thủ Đức (vào tháng 1/2024, đã khám phá, bắt giữ 1 đối tượng).
Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM cho hay, qua các vụ án cướp ngân hàng đã từng xảy ra, các đối tượng cướp ngân hàng thường rất manh động, liều lĩnh và sẵn sàng chống trả đến cùng.
Các đối tượng gây án chủ yếu không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, nợ nần, khó khăn về kinh tế thậm chí không có mối quan hệ với nhau từ trước. Chúng lập các nhóm kín, kết bạn với nhau trên các nền tảng mạng xã hội để trao đổi, thống nhất thực hiện hành vi cướp tài sản tại các ngân hàng…
Thiếu tướng Mai Hoàng nhấn mạnh các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cần phải phòng ngừa tội phạm cướp tài sản từ sớm, từ xa với mục tiêu triệt tiêu ý định cướp và trộm cắp tài sản ngân hàng của các đối tượng. Bởi nếu để xảy ra sẽ gây tổn hại rất lớn đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của nhân viên, uy tín, hoạt động kinh doanh của ngân hàng, tổ chức tín dụng và lực lượng công an truy xét cũng rất vất vả.
“Tư tưởng, ý định phạm tội thì chúng ta không thể phòng ngừa được trong đầu các đối tượng, chúng tôi có những biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ riêng biệt của lực lượng công an nhân dân. Nhưng bây giờ làm sao để chúng ta phối hợp với nhau rồi trang bị các hệ thống kỹ thuật để tự bảo vệ mình, để các đối tượng từ bỏ ý định cướp ngân hàng và trộm cắp tài sản của ngân hàng” - Thiếu tướng Mai Hoàng nói.
Theo Thiếu tướng Mai Hoàng, việc phòng ngừa bằng cách trang bị camera giám sát thông thường hay trang bị những kỹ năng cho lực lượng bảo vệ, nhân viên ngân hàng và hệ thống báo động đều rất quan trọng. Nhưng khi xảy ra vụ việc, các biện pháp trên đều là những giải pháp muộn màng.
Do đó, Công an TP.HCM khuyến nghị các ngân hàng lắp đặt hệ thống cảnh báo, nhận diện được đối tượng đeo khẩu trang, đội mũ khi vào khu vực giao dịch; nhận diện được đối tượng cầm đồ vật khả nghi trên tay (súng, dao...); nhận diện tốt tín hiệu cầu cứu (giơ hai tay, nằm xuống) và thậm chí nhận diện được hình ảnh đối tượng trong danh sách đối tượng truy nã, truy tìm… do lực lượng công an cung cấp.
Theo Công an TP.HCM việc trang bị hệ thống cảnh báo này vẫn tận dụng được hạ tầng camera cũ đang sử dụng, không cần thay thế mới, chỉ cần lắp đặt thêm phần mềm giao nhiệm vụ cho các mắt camera thực hiện.