Nhiều tiến sĩ từ trường danh tiếng thế giới muốn về Việt Nam dạy học
Đại học Quốc gia TP.HCM vừa thông qua danh sách 39 ứng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự phỏng vấn tại các đơn vị thuộc đại học.

39 ứng viên đủ điều kiện trúng tuyển đợt 1 năm 2025 theo chương trình VNU350. Ảnh: VNU-HCM.
Các ứng viên này ứng tuyển theo chương trình thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác tại Đại học Quốc gia TP.HCM (VNU350), đợt 1 năm 2025.
Đại học Bách khoa có số lượng ứng viên đông nhất với 24 người, tiếp đến là Đại học Khoa học tự nhiên với 11 ứng viên, Đại học Kinh tế - Luật có 3 ứng viên và Đại học khoa học Sức khỏe có 1 ứng viên.
Theo danh sách vừa được công bố, các ứng viên lần này là những tiến sĩ tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới như Đại học Keio (Nhật Bản), Đại học Virginia (Mỹ), Đại học Quốc gia Singapore (Singapore), Đại học RWTH Aachen (Đức), Đại học Bologna (Italy), Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Australia), Đại học Ludwig Maximilian München (Đức), Đại học Sorbonne Paris Nord & CEA Saclay (Pháp), cùng nhiều đại học danh tiếng khác tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, Hungary, Nga, Australia, Thái Lan và Đan Mạch.
Trong đó, nhiều nhà khoa học trẻ và ứng viên có thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học như TS Hồ Hoàng Phước (Đại học RWTH Aachen - Đức và ĐH Bolognam, Italy) với 72 bài báo quốc tế; TS Nguyễn Thành Nho (Đại học New Caledonia, Pháp) với 62 bài báo; TS Nguyễn Kim Chung (Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne, Australia) với 42 công bố quốc tế; TS Mai Thanh Tâm (Viện Công nghệ Kyoto, Nhật Bản) với 37 bài báo; TS Trương Trung Kiên (Đại học Texas tại Austin, Mỹ) với 36 bài báo.
Chương trình VNU350 nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.
Theo đó, Đại học Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tuyển dụng được 350 nhà khoa học theo chương trình này. Đến nay, sau 3 đợt tuyển dụng đầu tiên, chương trình đã thu hút được 27 nhà khoa học, trong đó có 7 người tốt nghiệp từ các đại học thuộc top 100 thế giới.
Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ giao đề tài nghiên cứu cho các nhà khoa học với kinh phí tối đa 200 triệu đến 1 tỷ đồng cho 2 năm đầu tiên. Các năm sau, kinh phí đề tài lên tới 1 tỷ đồng đối với nhà khoa học trẻ, hỗ trợ 10-30 tỷ đồng để đầu tư phòng thí nghiệm hay lập nhóm nghiên cứu mạnh.
Bên cạnh chính sách liên quan nghiên cứu, các nhà khoa học còn được hưởng thu nhập và đãi ngộ khác theo chính sách cụ thể của đơn vị - nơi nhà khoa học công tác, bao gồm lương, thưởng, thu nhập tăng thêm, phụ cấp vượt định mức giảng dạy, phụ cấp thâm niên, nghiên cứu khoa học, khen thưởng đột xuất…