Nhiều thách thức về an ninh mạng khi 5G phát triển tại Việt Nam

Theo các chuyên gia, việc phát triển mạng 5G tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều thách thức với vấn đề an ninh mạng.

Mạng 5G không chỉ nâng cao tốc độ kết nối mà còn mở ra cơ hội phát triển các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), và tự động hóa trong công nghiệp. Các ứng dụng như thành phố thông minh, chăm sóc sức khỏe từ xa, và xe tự hành đều có thể được triển khai hiệu quả hơn nhờ mạng 5G.

Việt Nam đang từng bước trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực Đông Nam Á về triển khai mạng 5G. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và các tập đoàn viễn thông lớn như Viettel, VNPT, và MobiFone, Việt Nam đã thử nghiệm thành công mạng 5G tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của quốc gia.

Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ khi phát triển 5G, đặc biệt là vấn đề an ninh mạng và chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ảnh minh họa: ChatGPT.

Ảnh minh họa: ChatGPT.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Hoàng Thắng, đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo trên không gian mạng (Chongluadao.vn), không thể phủ nhận sự phát triển của 5G sẽ tạo ra những cơ hội và bước tiến vượt bậc trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, 5G phát triển cũng là lúc các vấn đề thách thức trong an ninh mạng cần được thực sự quan tâm.

Theo đó, 5G thúc đẩy sự phát triển của Internet vạn vật (IoT) và hàng loạt thiết bị kết nối thông minh. Khi đó, mỗi thiết bị (camera, xe tự lái, nhà thông minh...) đều có thể là mục tiêu tấn công, bề mặt tấn công của mạng lưới tăng lên đáng kể. Hacker chỉ cần khai thác một điểm yếu trong hệ thống IoT là có thể gây ra tấn công chuỗi cung ứng (supply chain attack).

Bên cạnh đó, với băng thông và tốc độ truyền tải vượt trội của 5G, các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) có thể đạt quy mô lớn chưa từng thấy, gây sập hệ thống mạng, làm gián đoạn dịch vụ quan trọng như viễn thông, tài chính, và y tế…

Cũng theo chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Hoàng Thắng, 5G thúc đẩy truyền tải dữ liệu lớn (big data), trong đó bao gồm cả những thông tin cá nhân nhạy cảm của người dùng. Nếu hệ thống bảo mật không đủ mạnh, dữ liệu này có thể bị đánh cắp, lạm dụng, dẫn đến các vụ vi phạm quyền riêng tư, lừa đảo tài chính…

“Ngoài ra, mạng 5G đòi hỏi kiến trúc mạng lõi phân tán với phần mềm điều khiển (SDN) và ảo hóa mạng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ các cuộc tấn công từ xa vào hạ tầng mạng lõi, làm tê liệt hoàn toàn hệ thống viễn thông.

Công nghệ AI ngày càng được hacker sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công tự động hóa, phishing thông minh hay deepfake lợi dụng mạng 5G để lan truyền nhanh chóng tin giả, bạo lực mạng…”, chuyên gia nhấn mạnh.

Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia), người dùng cũng cần trang bị những kiến thức và kỹ năng an toàn trên không gian mạng trước những thách thức từ sự phát triển của mạng 5G.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia).

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia).

Theo chuyên gia này, người dùng cần cập nhật các bản phần mềm thường xuyên, đảm bảo hệ điều hành và các ứng dụng trên thiết bị luôn được cập nhật phiên bản mới nhất để vá các lỗ hổng bảo mật.

Sử dụng mật khẩu mạnh và xác thực hai yếu tố (2FA): Thiết lập mật khẩu phức tạp và kích hoạt 2FA để tăng cường bảo mật cho các tài khoản trực tuyến.

Bên cạnh đó, việc quản lý kết nối mạng cũng hết sức quan trọng. Tránh kết nối với các mạng Wi-Fi công cộng không bảo mật. Nếu cần, hãy sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để bảo vệ dữ liệu. Khi không sử dụng, hãy tắt Bluetooth, NFC và các kết nối khác để giảm nguy cơ bị tấn công.

Hạn chế chia sẻ thông tin nhạy cảm trên không gian mạng cũng là một trong những điều người dùng cần lưu ý. Tránh cung cấp thông tin cá nhân trên các trang web hoặc ứng dụng không đáng tin cậy.

“Xem xét và điều chỉnh quyền truy cập của các ứng dụng đối với dữ liệu và chức năng trên thiết bị một cách thường xuyên. Đồng thời nâng cao nhận thức hơn nữa trong việc nhận biết và tránh lừa đảo trực tuyến. Cẩn trọng với email, tin nhắn hoặc liên kết đáng ngờ; không mở tệp đính kèm hoặc cung cấp thông tin nếu không chắc chắn về nguồn gốc”, ông Ngô Minh Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng thêm phần mềm bảo mật. Cài đặt và duy trì các chương trình chống virus và phần mềm độc hại để bảo vệ thiết bị.

Theo dõi tin tức và tài liệu từ các nguồn uy tín để nắm bắt kịp thời các phương thức tấn công mới và biện pháp phòng ngừa, chuyên gia cho hay.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhieu-thach-thuc-ve-an-ninh-mang-khi-5g-phat-trien-tai-viet-nam-10296831.html
Zalo