Nhiều thách thức trong phòng, chống tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số

Ngày 20.5, tại TP.HCM, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia 'Tiếp cận liên ngành trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc thiểu số – Vì tương lai của trẻ em'. Sự kiện là một trong các hoạt động thuộc Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em'.

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là một trong 10 dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021–2030, triển khai tại 51 tỉnh.

Dự án do Hội LHPN Việt Nam chủ trì, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn. Sau gần ba năm, 40 tỉnh đã được cấp ngân sách và ban hành kế hoạch thực hiện, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đại biểu đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ; lãnh đạo, cán bộ Hội LHPN của 18 tỉnh, thành phía Nam. Đặc biệt, còn có sự tham gia của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, học sinh DTTS và phụ huynh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trưởng BTC, cho biết Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021–2030 là quyết sách quan trọng cho phát triển bền vững và đại đoàn kết dân tộc.

Dự án 8 là nỗ lực vì bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi.

Năm 2025 đánh dấu kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình MTQG nói chung và Dự án 8, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cần giải pháp khắc phục. Mặc dù các vấn đề xã hội cấp thiết đã được xác định, một số vẫn tồn tại và tác động xấu đến đời sống phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Học sinh đồng bào dân tộc tham gia hội thảo

Học sinh đồng bào dân tộc tham gia hội thảo

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hai vấn đề nghiêm trọng trong các cộng đồng DTTS ở Việt Nam, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, quyền trẻ em, phát triển kinh tế - xã hội và bình đẳng giới.

Những hủ tục này không chỉ cản trở cơ hội học tập của trẻ em gái mà còn gây hệ lụy lâu dài về sức khỏe sinh sản, tăng nguy cơ khuyết tật, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, đồng thời duy trì vòng xoáy nghèo đói và bất bình đẳng.

Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kết quả thực hiện ở nhiều nơi chưa đạt mục tiêu giảm 2-3% mỗi năm theo Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2015-2025”.

Điều này cho thấy cần một chiến lược can thiệp tổng thể, liên ngành, bền vững, thay vì tiếp cận đơn ngành hay tuyên truyền đơn lẻ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, nhận diện những khó khăn trong quá trình thực hiện, từ đó đưa ra các kiến nghị, sáng kiến hiệu quả nhằm phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một cách liên ngành, đồng bộ và có chiều sâu.

Các đại biểu nhấn mạnh rằng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hành vi vi phạm pháp luật, gây tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái DTTS.

Các nghiên cứu chỉ ra, trong thực tế, tình trạng tảo hôn vẫn còn phổ biến, đặc biệt là ở các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, do sự khác biệt về văn hóa, điều kiện kinh tế khó khăn và trình độ học vấn thấp.

Các nghiên cứu chỉ ra, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng

Các nghiên cứu chỉ ra, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng

Hôn nhân cận huyết thống, mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng vẫn tồn tại ở những cộng đồng biệt lập, thiếu hiểu biết về di truyền học và hậu quả của việc kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống gần.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng như ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, gia tăng nguy cơ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng, mất cơ hội học tập và việc làm. Hệ quả xã hội kéo theo là nghèo đói, bất bình đẳng giới và mất ổn định trong cuộc sống.

Việc giải quyết vấn đề này gặp nhiều khó khăn, bao gồm ảnh hưởng của tập quán văn hóa truyền thống, sự hiểu biết hạn chế của người dân về pháp luật, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả... Vì vậy, cần có giải pháp tổng thể và lâu dài, phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng dân tộc.

Các mô hình phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được đề xuất phải tiếp cận liên ngành, kết hợp các ngành y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức đoàn thể, truyền thông để tạo ra một mạng lưới can thiệp toàn diện.

Các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng ngành và phân bổ nguồn lực hợp lý. Việc thu thập và chia sẻ dữ liệu hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá tiến độ và điều chỉnh chính sách kịp thời.

Về mặt pháp lý, Việt Nam đã xây dựng hệ thống luật đầy đủ để ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhưng thực tế hệ thống này chưa thực sự hiệu quả ở các vùng DTTS do năng lực thực thi yếu, rào cản ngôn ngữ và sự thiếu hiểu biết của người dân về pháp luật.

Các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp nhằm phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc

Các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp nhằm phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc

Cần cải thiện công tác giám sát, nâng cao năng lực cho cán bộ và đưa luật đến gần người dân qua ngôn ngữ, hình thức phù hợp với văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, truyền thông và giáo dục là hai yếu tố then chốt để phòng ngừa tảo hôn.

Việc tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề và kỹ năng sống cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu cơ hội tiếp cận dịch vụ công chất lượng, sẽ giúp thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức về quyền lợi của trẻ em.

Chuyên gia cho rằng, việc phát triển bền vững không thể thiếu việc trao quyền cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái DTTS.

Một chiến lược giáo dục toàn diện, từ nâng cao chất lượng giáo dục đến tích hợp giáo dục giới tính và kỹ năng bảo vệ bản thân vào chương trình học, sẽ góp phần thay đổi vòng luẩn quẩn của nghèo đói và bất bình đẳng.

THÙY TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/nhieu-thach-thuc-trong-phong-chong-tao-hon-o-vung-dan-toc-thieu-so-135826.html
Zalo