Nhiều thách thức phòng vệ thương mại 'bủa vây' ngành thép nhôm Việt
Thép nhôm là mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất tại các thị trường xuất khẩu do đặc thù là ngành công nghiệp xương sống, tính cạnh tranh cao.
Khó khăn “bủa vây”
Sáng 30/9, chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024, chủ đề “Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết, trước xu hướng hội nhập đa phương và xu thế bảo hộ nền sản xuất của các quốc gia hiện nay, ngành nhôm đã liên tiếp đối mặt với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, nhất là thị trường Mỹ.
Lý giải nguyên nhân việc liên tiếp có các cuộc điều tra trong 2 năm qua, ông Nguyễn Minh Kế cho rằng một phần do hệ lụy của chiến tranh thương mại của Mỹ và các nước phương Tây với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đưa ra hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, nhôm là kim loại đa dụng hiện diện ở khắp mọi nơi, từ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cho đến các ngành cơ khí chính xác, vũ trụ hàng không…
Thứ hai, Trung Quốc là nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. Riêng năm 2023, họ sản xuất khoảng 60% tổng sản lượng nhôm toàn cầu. Điều này khiến các quốc gia phương Tây ngày càng khó chịu, liên tiếp ra các đòn trừng phạt, các sắc thuế, các công cụ phòng vệ thương mại để hạn chế sức cạnh tranh của nhôm Trung Quốc.
“Để bật ra khỏi “vòng kim cô”, khoảng 3-4 năm qua, các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm từ nhôm ở Việt Nam, đẩy các đơn hàng gia công sang nước ta để lấy CO Việt Nam nhằm “né” thuế phòng vệ thương mại mà nhiều nước đang áp dụng đối với nhôm Trung Quốc”, ông Nguyễn Minh Kế cho biết thêm.
Ngoài ra, thuế chống bán phá giá của Việt Nam vừa được gia hạn đầu tuần trước (23/9/2024). Theo đó, sự gia tăng sản lượng xuất khẩu từ Việt Nam khiến cho ngành sản xuất nhôm Việt phải đối mặt với ngày càng nhiều các vụ điều tra phòng vệ thương mại, gây tốn kém công sức, tiền của của doanh nghiệp và nhà nước.
Đồng quan điểm trên, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, hiện nay ngành thép Việt Nam đang đối diện với những thách thức không nhỏ đến từ các vụ việc về phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu.
“Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường thép toàn cầu, với xu thế hợp tác kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các quốc gia, đặc biệt là tại các nước phát triển, Chính phủ các quốc gia này thường viện dẫn lý do bảo vệ an ninh quốc gia, việc làm và các lợi ích kinh tế khác để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thương mại và chống lẩn tránh thương mại. Xu hướng này đã và đang tác động đến toàn bộ thị trường thép thế giới và đặc biệt đến ngành thép Việt Nam”, ông Thái nhận định.
Nỗ lực vượt khó từ chính doanh nghiệp
Nhấn mạnh về sự đóng góp của ngành thép vào tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia tại hội nghị, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024, sản xuất và bán hàng thép thành phẩm đạt khoảng 19 triệu tấn (tăng 9%), xuất khẩu thép thành phẩm ước đạt 8,6 triệu tấn (tăng 8,5% so với cùng kỳ 2023).
Sản phẩm thép được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới như: Khu vực ASEAN (26%), EU (25%), Hoa Kỳ (15%), Đài Loan (4%),... và các quốc gia khác.
Theo đó, sau thời gian đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, được Bộ Công Thương thông qua Cục phòng vệ thương mại, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã từng bước được chuyên môn hóa, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra các nước cùng với sự chuẩn bị kỹ càng trong nội tại doanh nghiệp.
Cụ thể, như năm 2019, KADI (Indonesia) thông báo dừng quyết định áp thuế CBPG đối với mặt hàng tôn lạnh sau 2 năm điều tra; năm 2020, Úc chấm dứt điều tra CBPG/CTC đối với mặt hàng ống thép chính xác. Gần đây nhất là năm 2023, Mexico kết luận Việt Nam không tồn tại thị trường đặc biệt và mức thuế áp cho doanh nghiệp Việt Nam (6,4-10,84%) thấp hơn so với Trung Quốc (24-77%).
Đánh giá về kết quả, ông Thái nhận định, phần lớn kết quả dựa trên chính sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp trong việc chứng minh không tồn tại hành vi bán phá giá/lẩn tránh trước cơ quan điều tra.
Theo đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến quy định pháp luật của các nước điều tra. Từ đó, hiểu được quy trình diễn ra của mỗi vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp/chống lẩn tránh thuế hay tự vệ. Quy định điều tra của mỗi biện pháp cũng như của mỗi quốc gia là khác nhau.
“Chẳng hạn như, trong vụ việc điều tra của Hoa Kỳ, bắt buộc phải có luật sư người Mỹ đại diện làm việc với Bộ Thương mại (DOC), hay Hoa Kỳ hiện chưa coi Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp cần phải có những theo dõi, phản biện sát sao về việc sử dụng giá trị thay thế, tránh việc DOC sẽ dùng giá trị gây bất lợi cho doanh nghiệp”, ông Thái dẫn chứng.
Kiến nghị trong thời gian tới, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương, Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra các khuyến nghị kịp thời về vụ việc phát sinh, về kỹ thuật, lập luận, tư vấn triển khai các vụ việc; hỗ trợ trao đổi, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kết luận của cơ quan điều tra liên quan đến các chương trình chính sách của phía Chính phủ Việt Nam.
Bên cạnh đó, đề nghị Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ giới thiệu và tiếp tục kết nối các chương trình giao thương thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thép.
Ngoài ra, các thương vụ Việt Nam tại nước có nhập khẩu thép Việt Nam cần tiếp tục cập nhật, cảnh báo, hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu; hỗ trợ cung cấp danh mục các sản phẩm nước bạn cần, giới thiệu mạng lưới luật sư tư vấn, kết nối doanh nghiệp với cộng đồng các nhà nhập khẩu,...