Nhiều thách thức khi trái dừa gia nhập ngành xuất khẩu tỷ USD

Việc liên tục được 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch giúp quả dừa Việt Nam nhiều cơ hội sớm gia nhập ngành xuất khẩu tỷ USD.

Dừa tươi Việt Nam được trưng bày tại triển lãm về xuất khẩu các ngành hàng chủ lực. Ảnh: Gia Hân

Dừa tươi Việt Nam được trưng bày tại triển lãm về xuất khẩu các ngành hàng chủ lực. Ảnh: Gia Hân

Dừa gia nhập nhóm ngành tỷ USD

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa như bánh kẹo, mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ… của nước ta đạt hơn 900 triệu USD (đứng thứ 4 thế giới).

Đáng nói, mới đây, Trung Quốc mở cửa thị trường, đồng ý nhập khẩu chính ngạch trái dừa Việt Nam. Qua đó dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, dừa sẽ gia nhập mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.

Thực tế, trước những cơ hội mới, chỉ riêng tỉnh Bến Tre - “thủ phủ dừa” Việt Nam, cũng đã đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2025.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở khi tỉnh này hiện có 133/134 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích trên 8.000 ha và gần 13.000 hộ tham gia.

Ông Tuấn cho biết thêm, mục tiêu của “thủ phủ dừa" trong giai đoạn 2024 - 2025, sẽ phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000 ha. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa.

“Tỉnh chủ trương phát triển thêm 1.500 ha dừa hữu cơ, diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000 ha. Cải tạo 1% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm”, ông Tuấn nói.

Là địa phương có diện tích dừa lớn nhất cả nước, Bến Tre hiện có 133/134 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích trên 8.000 ha và gần 13.000 hộ tham gia.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, để đón cơ hội các doanh nghiệp hiện nay cũng đã chuẩn bị lượng dừa tươi cho xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc. Ngoài ra các sản phẩm chế biến sâu từ dừa cũng mang lại giá trị lớn.

Việt Nam hiện là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với tổng diện tích trồng gần 175.000 ha (xếp thứ 5 thế giới). Dừa cũng là loại cây mang lại thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân Việt Nam.

Theo số liệu từ Hiệp hội Dừa Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa. Trong đó có khoảng 90 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu.

Cơ hội đi đôi thách thức

Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam đề nghị, để ngành phát triển bền vững, sớm đạt mục tiêu đề ra là xuất khẩu tỷ USD, cần có sự quy hoạch vùng nguyên liệu một cách đồng bộ, đạt chuẩn organic, chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu các thị trường đề ra.

Đồng ý kiến, ông Trần Anh Tuấn nhận định, thời gian tới, toàn ngành cần nâng cao tiêu chuẩn để xuất khẩu tốt hơn, chủ động về nguồn gốc xuất xứ. Bởi hiện nay, diện tích dừa organic còn khá ít chỉ tập trung vào một số địa phương thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bình Định…, nhưng chủ yếu còn nhỏ lẻ chỉ vài chục đến tối đa 100 cây/hộ. Việc cần làm là tuyên truyền, tập huấn thêm cho bà con cùng nhau nâng cao tiêu chuẩn cho dừa xuất khẩu.

“Lấy Thái Lan so sánh, cái khó nhất của doanh nghiệp dừa hiện nay là so với nhiều nước cùng xuất khẩu mặt hàng này thì mình vẫn bị thua sút về cách định vị thương hiệu, mã quy hoạch vùng trồng, vùng nguyên liệu chưa bài bản. Tư duy người dân còn theo tính thời vụ, không mang tính lâu dài kéo theo doanh nghiệp gặp khó”, ông Tấn cho hay.

Dù cánh cửa cơ hội đã mở từ nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, nhưng thực tế các thị trường này ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về thực vật, an toàn thực phẩm cũng như xuất xứ, bao bì, mẫu mã cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành dừa.

Nhận định về khó khăn của ngành dừa, ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO) cho biết, hiện nay chất lượng, mẫu mã dừa của Việt Nam chưa được đồng bộ về kích cỡ, độ ngọt, màu sắc…, khiến giá cả, giá trị không cao. Đây là nhược điểm của trái dừa trong cạnh tranh cả nội địa lẫn xuất khẩu.

“Do đó, các địa phương mạnh về dừa xiêm, dừa công nghiệp cần quy hoạch vùng trồng để có số lượng, chất lượng đồng bộ đáp ứng nhu cầu thị trường. Bởi hiện nay người dùng trong nước lẫn xuất khẩu bên cạnh chất lượng hữu cơ thì còn quan trọng vẻ bên ngoài. Thêm các vấn đề truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác…”, ông Đức chia sẻ.

Ngoài ra, trước những biến động của tình hình toàn cầu, ông Đức cho biết doanh nghiệp ngành dừa còn gặp vướng nhiều ở tài chính đầu tư, chi phí lãi vay từ đó tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi xuất khẩu.

Còn theo ông Tấn, một khó khăn kìm hãm sự tăng trưởng về giá trị của ngành dừa Việt Nam là giá trị chế biến sâu chưa cao.

“So về trình độ bảo quản thô, chất lượng dừa tươi, Việt Nam có thể sánh ngang các nước khác và đáp ứng hầu hết yêu cầu của các thị trường khó tính. Tuy nhiên, về chế biến sâu, hiện chỉ có một vài doanh nghiệp đầu ngành làm được điều đó”, ông Tấn nêu.

Gia Hân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhieu-thach-thuc-khi-trai-dua-gia-nhap-nganh-xuat-khau-ty-usd-d224966.html
Zalo