Nhiều thách thức cho triển vọng tăng trưởng thời gian tới
Mặc dù kinh tế quý II đã có những tín hiệu phục hồi, song còn nhiều yếu tố chưa bền vững khi như cầu từ bên ngoài chưa phục hồi chắc chắn, đầu tư công vẫn chậm, đầu tư tư nhân thấp. Phát triển liên kết vùng chưa thành công, các đầu tàu tăng trưởng trì trệ, thiếu động lực mới. Đây là đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) về những thách thức cho triển vọng tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam qua nửa đầu năm 2024?
TS. Nguyễn Đình Cung: Nhìn vào các con số thống kê, kinh tế quý II có vẻ đang phục hồi, tốc độ tăng trưởng đã đạt tương đương các quý II trước đại dịch. Trong đó, động lực tăng trưởng chính nhờ công nghiệp và xây dựng và một số ngành dịch vụ phục hồi…
Nhu cầu nhập khẩu từ bên ngoài phục hồi, nhất là ở các đối tác thương mại chủ yếu, do đó sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ. Về dịch vụ, chủ yếu nhờ du lịch, nhất là du lịch quốc tế phục hồi tốt. Mặt khác, nền tăng trưởng năm 2023, nhất là 6 tháng đầu năm rất thấp, xuất khẩu tăng trưởng âm, do đó cũng dễ hiểu khi nhiều chỉ số 6 tháng đầu năm nay tăng cao hơn.
Bên cạnh những điểm tích cực như vậy thì cũng có những điểm phải lưu ý. Đó là cầu nội địa đang có xu hướng yếu. Đầu tư xã hội cũng yếu, đặc biệt là đầu tư tư nhân trong nước tăng trưởng rất thấp, thậm chí âm nếu loại trừ yếu tố giá. Điều này đã diễn ra vài năm gần đây, như vậy là đáng lo cho triển vọng tăng trưởng dài hạn, vì không có đầu tư thì khó có tăng trưởng.
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công 6 tháng thấp hơn cùng kỳ năm trước dù lượng vốn đầu tư công năm nay không cao bằng năm ngoái. Việc thu hút FDI vẫn là điểm sáng, nhưng cũng ở mức tương đương những năm trước. Chỉ số niềm tin FDI của Việt Nam năm 2024 giảm 5 bậc so với 2023, thấp hơn một số nước cạnh tranh trong khu vực.
Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng mạnh ở hầu hết các ngành. Tương tự, số doanh nghiệp giải thể cũng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với số rút khỏi thị trường thấp chưa từng thấy trong 6 tháng đầu năm 2024. Đây là hiện tượng rất cần được phân tích, đánh giá sâu.
Bên cạnh đó, lạm phát đang quay lại, và hiện gần sát giới hạn mục tiêu Quốc hội yêu cầu.
PV: Với bối cảnh như vậy, ông đánh giá thế nào về triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới?
TS. Nguyễn Đình Cung: Trong các động lực tăng trưởng, dịch vụ được coi là động lực tăng trưởng nhất, hy vọng nhất hiện nay. Nhưng lĩnh vực này đang có xu hướng giảm khá rõ nét, tốc độ tăng của dịch vụ giảm xuống thấp hơn trước đại dịch.
Sản xuất công nghiệp đang dần phục hồi, nhưng chưa bằng mức trước đại dịch, phụ thuộc nhiều vào cầu thị trường nước ngoài. Xuất khẩu hồi phục mạnh ngay từ đầu năm 2024, nhưng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm. Trung bình 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 32 - 33 tỷ USD/tháng, cao hơn không nhiều so với 5 tháng cuối năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu có thể đã tới hạn, nếu năng lực sản xuất hiện nay không được mở rộng và nhu cầu nhập khẩu bên ngoài không tăng mạnh. Vì vậy, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể giảm nhiều so với 6 tháng đầu năm.
Áp lực lạm phát vẫn còn mạnh trong 6 tháng cuối năm bởi các nguyên nhân như tăng lương; tỷ giá ở mức cao; chi phí vận chuyển quốc tế cao do xung đột kéo dài...
Đây là những thách thức lớn cho triển vọng tăng trưởng của những tháng cuối năm.
PV: Trong khi đầu tư công giải ngân chậm, đầu tư tư nhân rất thấp, thì thu hút FDI được coi là điểm sáng. Liệu đây có thể là “cứu cánh”, thưa ông?
TS. Nguyễn Đình Cung: Nhìn vào số liệu thu hút FDI 6 tháng của 5 năm gần đây thì không có sự chênh lệch nhiều, nên khó có thể nói đây là điểm sáng, vì lâu nay vẫn sáng như vậy. Năm ngoái, vốn FDI đăng ký đạt 36,6 tỷ USD, có những năm cao hơn. 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 15 tỷ USD, không phải là con số quá ấn tượng.
Và một điểm cũng không thay đổi là chủ yếu FDI vẫn ở những lĩnh vực giá trị thấp, không mang lại nhiều giá trị gia tăng như chúng ta kỳ vọng.
Xét về phân bố đầu tư, FDI cũng vẫn tập trung chủ yếu ở TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh… Có tới 40 tỉnh có đầu tư nước ngoài không đáng kể. Như vậy, tình trạng phát triển mất cân đối giữa các địa phương là rất lớn. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển vùng đã không thành công.
Ngay ở những nơi được coi là đầu tàu như TP. HCM, mấy năm gần đây số dự án tuy có tăng, nhưng số vốn giảm, quy mô dự án rất nhỏ. Điều này rất cần được đánh giá kỹ lưỡng.
Tương tự với Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng cần xem xét lại. Xét về số vốn, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu chiếm phần lớn, vậy mà tăng trưởng như vậy tức là đang trì trệ, nền kinh tế không có động lực mới.
Để thay đổi khu vực này cần có cú huých về động lực, thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư, danh mục tài sản, để đưa loại tài sản có chất lượng hơn, năng suất cao hơn thì mới tạo ra tăng trưởng mới. Việc cải cách thủ tục hành chính, đầu tư công chỉ là một phần, không thay đổi được tính chất của khu vực này là kinh tế đã đến ngưỡng, thiếu động lực mới, có nguy cơ đi xuống.
PV: Trong 6 tháng cuối năm, có nhiều luật, chính sách mới sẽ bắt đầu có hiệu lực, đặc biệt là 3 luật liên quan đến bất động sản. Theo ông, việc này sẽ có tác động như thế nào?
TS. Nguyễn Đình Cung: Đất đai hiện là một vấn đề lớn đối với doanh nghiệp. Vì thế, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản rất được mong chờ.
Tuy nhiên, tác động của chúng cần được thực tiễn kiểm định. Hiện nay, nhiều văn bản hướng dẫn chưa được ban hành. Nghị định về phương pháp định giá đất đã được ban hành, tuy nhiên, chưa nói rõ các phương pháp định giá được áp dụng trong điều kiện như thế nào. Sau này, khi có thanh tra, kiểm tra thì rất khó nếu được hỏi tại sao áp dụng phương pháp này, không áp dụng phương pháp kia. Các phương pháp định giá cũng còn phức tạp, đòi hỏi nhiều dữ liệu, khó kiểm chứng và đòi hỏi nhiều công sức để định giá. Với cách làm như vậy thì rất bất định cho người thực thi.
Vì vậy, khó có thể nhận định thị trường bất động sản sẽ khởi sắc sớm, các vướng mắc pháp lý của các dự án sẽ được tháo gỡ ngay.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy sản xuất để duy trì tăng trưởng
“Nhìn về trung hạn, chưa thấy các dấu hiệu tích cực để duy trì tăng trưởng ở mức trên 6%, trong khi mục tiêu chiến lược là 7 - 7,5%. Muốn tăng trưởng mạnh phải nhìn về phía cung, đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy sản xuất. Nếu chỉ thúc đẩy cầu thì chỉ trong ngắn hạn, không duy trì được động lực tăng trưởng trung và dài hạn. Hiện các yếu tố từ phía cung đang rất yếu” - TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.