Nhiều tài khoản mạng xã hội giả mạo thương hiệu đồ ăn nhanh

Nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh như KFC, Jollibee, Lotteria đang trở thành nạn nhân của các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, gây tổn hại uy tín.

Nhiều chiêu trò giả danh

Thời gian gần đây, nhiều tài khoản mạng xã hội mang tên các thương hiệu đồ ăn nhanh như KFC, Jollibee và Lotteria... thường bình luận vào các bài đăng với ngôn từ cợt nhả. Những hành vi này không chỉ gây tổn hại đến uy tín thương hiệu mà còn tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo người tiêu dùng.

Một trong những chiêu trò phổ biến là việc tạo ra các trang TikTok, Facebook giả mạo, mạo danh các thương hiệu nổi tiếng để phát tán thông tin sai lệch hoặc tổ chức các chương trình khuyến mãi giả.

Mới đây, một trang Facebook mạo danh KFC đã lan truyền thông tin về việc tặng phiếu giảm giá nhân dịp kỷ niệm 71 năm thành lập. Tuy nhiên, KFC đã xác nhận rằng, đây là thông tin không chính xác và không liên quan đến bất kỳ chương trình khuyến mãi chính thức nào của họ.

KFC Việt Nam lên bài cảnh báo giả mạo thương hiệu. Ảnh chụp màn hình

KFC Việt Nam lên bài cảnh báo giả mạo thương hiệu. Ảnh chụp màn hình

Tương tự, Jollibee cũng đã trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo trực tuyến. Hôm 10/5, hãng Jollibee cũng có bài đăng chính thức lên tiếng. “Gần đây, chúng tôi ghi nhận nhiều tài khoản giả mạo thương hiệu Jollibee xuất hiện trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Các tài khoản này sử dụng trái phép tên và hình ảnh Jollibee, lan truyền thông tin sai lệch, gây hiểu lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của khách hàng. Mọi thông tin chính thức chỉ được công bố trên các kênh đã được tích xanh và thuộc quyền quản lý trực tiếp của thương hiệu”, phía hãng khẳng định.

“Tôi có con nhỏ rất mê Jollibee, nên khi thấy một trang giả tặng quà nhân dịp sinh nhật thương hiệu, tôi suýt tin. Nhưng sau khi vào trang chính thức kiểm tra mới biết đó là trò lừa. Thật sự thấy tức giận vì kiểu giả mạo như vậy lợi dụng lòng tin người tiêu dùng”, anh Phạm Anh Dũng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.

Thương hiệu Jollibee cũng lên bài cảnh báo giả mạo. Ảnh chụp màn hình

Thương hiệu Jollibee cũng lên bài cảnh báo giả mạo. Ảnh chụp màn hình

Gây hoang mang cho khách hàng

Không chỉ dừng lại ở việc phát tán thông tin sai lệch, một số tài khoản giả mạo còn đăng tải những nội dung không phù hợp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của thương hiệu. Nhiều tài khoản đã đăng tải những nội dung không liên quan đến thương hiệu, thậm chí có những bình luận đầy tính cợt nhả khiến người tiêu dùng hoang mang và làm giảm uy tín của công ty.

“Tôi thấy nhiều tài khoản TikTok có logo KFC hay Lotteria mà lại đi bình luận linh tinh, toàn nói mấy câu gây cười nhảm nhí. Ban đầu tưởng là chính hãng cho vui, nhưng sau thấy kỳ quá. Rõ ràng là đang mượn tên thương hiệu để câu tương tác”, anh Phạm Hải Nam (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Các bình luận đầy tính cợt nhả đến từ các tài khoản giả mạo. Ảnh chụp màn hình

Các bình luận đầy tính cợt nhả đến từ các tài khoản giả mạo. Ảnh chụp màn hình

Những hành vi giả mạo này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của các thương hiệu mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Việc cung cấp thông tin cá nhân cho các trang web giả mạo có thể dẫn đến việc bị lừa đảo, mất tiền hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Ngoài ra, các hành vi giả mạo còn gây ra sự nhầm lẫn và mất niềm tin từ phía người tiêu dùng đối với các thương hiệu. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng và hình ảnh thương hiệu trong dài hạn.

Trước tình hình này, các thương hiệu cần tăng cường biện pháp bảo mật và giám sát các kênh truyền thông xã hội để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi giả mạo. Đồng thời, cần tăng cường công tác truyền thông để cảnh báo người tiêu dùng về các chiêu trò lừa đảo và hướng dẫn họ cách nhận biết các trang web và chương trình khuyến mãi chính thức.

Người tiêu dùng cũng cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin trước khi tham gia các chương trình khuyến mãi trực tuyến và không cung cấp thông tin cá nhân cho các nguồn không rõ ràng.

Việc các thương hiệu đồ ăn nhanh trở thành mục tiêu của các trò đùa độc hại và hành vi giả mạo trên mạng xã hội là một vấn đề nghiêm trọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ quan chức năng và người tiêu dùng để bảo vệ uy tín thương hiệu và quyền lợi của người tiêu dùng. Trong thời đại số hóa, việc đảm bảo an toàn thông tin và xây dựng niềm tin với khách hàng là yếu tố then chốt để duy trì và phát triển thương hiệu.

Điều 12 Luật Công nghệ thông tin 2006 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau: "Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân".

Theo đó, hành vi trên có thể được xem là hành vi bị cấm và vi phạm pháp luật vì giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác.

Căn cứ khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi giả mạo trang thông tin điện tử; đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt đến 30 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu phương tiện vi phạm hành đối với hành vi này. Đồng thời, buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả phải gỡ bỏ tất cả các thông tin gây nhầm lẫn, sai sự thật…

Nghiêm trọng hơn, hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về "tội làm nhục người khác".

Phương Thúy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-tai-khoan-mang-xa-hoi-gia-mao-thuong-hieu-do-an-nhanh-387081.html
Zalo