Nhiều quan chức Fed muốn trì hoãn giảm lãi suất

Trong các phát biểu mới đây, nhiều quan chức Fed cho rằng, việc giữ nguyên lãi suất như hiện tại 'trong một thời gian' sẽ cho phép cơ quan này nghiên cứu tốt hơn các dữ liệu đầu vào để đưa ra quyết định trong bối cảnh họ đang đứng trước một bài toán phức tạp.

Giữ nguyên lãi suất “trong một thời gian”

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance hôm 31/3, Chủ tịch Fed New York John Williams - một quan chức có ảnh hưởng của Fed cho biết, chính sách tiền tệ đang “có vị thế tốt” cho nền kinh tế, vì ông thừa nhận có rủi ro lạm phát có thể tăng cao một lần nữa.

“Chính sách tiền tệ có tính hạn chế vừa phải”, Williams cho biết và nói thêm, thiết lập lãi suất hiện tại vẫn “gây áp lực giảm đối với lạm phát”.

“Tôi có thể đảm bảo với người Mỹ rằng chúng ta sẽ không để lạm phát cao bén rễ như những gì chúng ta đã thấy trong những năm 70 và 80”, Chủ tịch Fed New York cho biết và nói thêm, ông cần có thêm thông tin trước khi có thể nói chắc chắn thuế quan sẽ tác động như thế nào đến áp lực giá cả. Ông cho biết dự báo của mình là “lạm phát sẽ tương đối ổn định” trong năm nay, nhưng cũng thừa nhận có “rủi ro tăng” đối với áp lực giá cả.

Williams cũng nói thêm rằng, mặc dù ông không thể dự đoán khi nào Fed có thể thay đổi mức lãi suất hiện tại, nhưng việc giữ nguyên mức này “trong một thời gian” sẽ cho phép các quan chức nghiên cứu dữ liệu đầu vào và quyết định những gì họ cần làm tiếp theo.

Trong khi Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, thời điểm cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào diễn biến của lạm phát. Mặc dù lo ngại chính sách thuế quan của chính quyền Trump sẽ đẩy giá lên, nhưng ông cũng lo ngại rằng các khoản thuế này có thể gây tổn hại đến thị trường việc làm.

“Tôi là người lo lắng về cả hai”, Barkin nói và nhấn thêm rằng “hiện tại có rất nhiều bất ổn, và tôi nghĩ điều đó khiến chúng ta phải chờ xem mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào”.

Những phát biểu cho thấy sự thận trọng của các quan chức Fed vào thời điểm bất ổn kinh tế tăng cao khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục triển khai các chính sách thuế quan. Sự bất ổn đó là yếu tố mang tính quyết định tại cuộc họp ấn định lãi suất của Fed vào đầu tháng này, cuộc họp mà các nhà hoạch định chính sách giữ nguyên lãi suất qua đêm ở mức 4,25%-4,50%, đồng thời vẫn duy trì hy vọng họ sẽ có thể cắt giảm thêm lãi suất vào cuối năm nay.

Bài toán khó của Fed

Fed đang dứng trước một bài toán phức tạp do chính sách thuế quan của ông Trump gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy lạm phát trong thời gian tới, trong khi nó cũng có thể gây tổn hại tới tăng trưởng kinh tế khi mà sự không chắc chắn đang khiến các doanh nghiệp trì hoãn các quyết định đầu tư và làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng. Tất cả những điều này đang dẫn đến lo ngại gia tăng về suy thoái kinh tế.

Trên thực tế, một báo cáo vừa được công bố của BEA cho thấy, chỉ số giá Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng với tốc độ hàng tháng là 0,3% vào tháng 2 sau khi tăng với tốc độ tương tự vào tháng 1. So với cùng kỳ năm trước, PCE tăng 2,5% trong tháng 2, cũng tương đương mức tăng của tháng 1.

Tuy nhiên PCE cơ bản (không tính các thành phần thực phẩm và năng lượng dễ biến động) tăng với tốc độ hàng tháng là 0,4% trong tháng 2, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1/2024 và cao hơn mức tăng 0,3% của tháng 1. Còn so với cùng kỳ năm trước, PCE cơ bản tăng 2,8% trong tháng 2 sau khi tăng 2,7% vào tháng 1.

Thậm chí nếu tính tới tác động của thuế ô tô, J.P. Morgan đã nâng ước tính lạm phát PCE cơ bản trong năm nay lên 3,1% từ 2,8%. “Chúng tôi thấy phần lớn mức tăng này tập trung vào quý 2”, Michael Feroli - Nhà kinh tế trưởng của J.P. Morgan tại Mỹ cho biết. “Sự siết chặt sức mua thực tế của người tiêu dùng sẽ tiếp tục gây áp lực lên chi tiêu thực tế của người tiêu dùng”.

Trong khi chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ được điều chỉnh theo lạm phát chỉ tăng nhẹ 0,1% trong tháng 2 sau khi giảm 0,6% vào tháng 1. Điều đó cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế có thể đình trệ trong quý này.

Goldman Sachs đã giảm ước tính tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ xuống mức 0,6% từ mức 1,0%. Thậm chí Fed Atlanta dự báo GDP sẽ giảm ở mức 2,8%. Nền kinh tế đã tăng trưởng ở mức 2,4% trong quý cuối cùng của năm 2024.

“Báo cáo này làm tăng khả năng tăng trưởng GDP thực tế trong quý đầu tiên sẽ có dấu hiệu tiêu cực”, Conrad DeQuadros, cố vấn kinh tế cấp cao tại Brean Capital cho biết.

Hôm 30/3, các nhà dự báo của Goldman Sachs cho biết, họ sẽ nâng xác suất suy thoái từ 20% lên 35%, lưu ý rằng “sự suy giảm mạnh gần đây về niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp, và các tuyên bố từ các quan chức Nhà Trắng cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận sự yếu kém của nền kinh tế trong ngắn hạn hơn để theo đuổi các chính sách của họ”.

Cũng chính bởi vậy nên mặc dù nhiều quan chức Fed đang tỏ ra thận trọng thì thị trường tài chính vẫn nâng kỳ vọng vào các đợt cắt giảm lãi suất của Fed khi cho rằng NHTW Mỹ sẽ phải hành động để hỗ trợ nền kinh tế.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhieu-quan-chuc-fed-muon-tri-hoan-giam-lai-suat-162084.html
Zalo