TP.HCM: Số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động tăng cao
Theo báo cáo về tình hình doanh nghiệp quý I-2025 do HUBA cập nhật, tình trạng doanh nghiệp giải thể chủ yếu tập trung ở một số ngành truyền thống.
Môi trường kinh doanh trên địa bàn Thành phố chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp tham gia vào thị trường giảm 20,8% và số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Số liệu trên được đưa ra trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 1-2025, do Chi cục Thống kê TP.HCM vừa công bố ngày 2-4.
Cơ quan này cho biết, từ đầu năm đến ngày 20-3, thành phố cấp phép 6.632 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 42.014 tỉ đồng, giảm 39,7% về giấy phép và giảm 55,2% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, phân theo loại hình doanh nghiệp, có 91,5% đăng ký thành lập mới là công ty TNHH; công ty cổ phần chiếm 7,8%; doanh nghiệp tư nhân chiếm 0,7%.

Nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc phải đóng bớt các điểm giao dịch. Ảnh minh họa
Nhưng khi điều tra xu hướng kinh doanh tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1-2025 có dấu hiệu khởi sắc hơn so với quý 4-2024.
Trong đó, 20,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, 46,3% giữ ổn định và 32,9% khó khăn hơn. Phân theo loại hình doanh nghiệp, 66,7% doanh nghiệp Nhà nước đánh giá hoạt động quý I-2025 tốt lên và giữ ổn định so với quý trước; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 67,3% và 66,9%.
Trong khi đó, nhìn vào báo cáo về tình hình doanh nghiệp quý 1-2025 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM vừa cập nhật cho thấy tình trạng giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh vẫn phổ biến ở một số ngành truyền thống.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm nay, trên cả nước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 67.000 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp gia nhập thị trường chỉ dừng lại ở con số 49.800. Ngoài ra, có gần 56.900 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 6.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 36,3%; gần 3.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,3%. Trung bình, mỗi tháng cả nước có hơn 33.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch HUBA cho rằng: Đây là thiệt hại rất lớn của nền kinh tế bởi vì bên cạnh việc giải thể, phá sản một doanh nghiệp, có thể là sự phá sản của cả một gia tộc, một hệ thống khách hàng, kinh nghiệm quản trị đã tích lũy qua nhiều thế hệ. Để bù đắp bộ phận doanh nghiệp đã mất đi này sẽ là cả một quá trình dài hạn và tỷ lệ thành công thường không cao.
Kết quả khảo sát các khó khăn của doanh nghiệp quý I-2025, có 37% doanh nghiệp thiếu các đơn hàng mới, 38% doanh nghiệp có giá nguyên liệu đầu vào tăng, 50% doanh nghiệp khó do nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Bên cạnh đó có 39% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, 20,7% doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động, 14% doanh nghiệp bị ảnh hưởng do giá thuê đất tăng cao. Chỉ có 16,3% doanh nghiệp phản ánh thuế, phí và các khoản nộp ngân sách cao, 13% có các khó khăn khác… Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thực sự khả quan.
Tuy nhiên, dự báo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới, HUBA nhận thấy kết quả khảo sát cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp vẫn khá ổn định. Bởi hiện có tới 63% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh đang tích cực và 85,7% số doanh nghiệp tin tưởng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
Tương tự, theo dự báo xu hướng kinh doanh quý II-2025 của Cục thống kê TP.HCM ghi nhận có 43,1% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên, 39,4% giữ ổn định và 17,5% khó khăn hơn. Trong đó, có 81,0% doanh nghiệp Nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình kinh doanh trong quý II-2025, tỉ lệ này ở khu vực có vốn từ nước ngoài và ngoài Nhà nước tương ứng là 85,1% và 81,3%.