Nhiều nước trả đũa thuế quan mới của Mỹ:Gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu

Thuế quan tăng cường mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên nhiều mặt hàng nhập khẩu với lý do bảo vệ nền kinh tế và công ăn việc làm của người Mỹ đang 'đổ thêm dầu vào lửa'. Lo ngại về chiến tranh thương mại trên quy mô toàn cầu đang cận kề hơn bao giờ hết.

Mặc dù có nền công nghiệp ô tô phát triển nhưng châu Âu vẫn phải nhập khẩu ô tô từ Mỹ. Ảnh: WIRED

Mặc dù có nền công nghiệp ô tô phát triển nhưng châu Âu vẫn phải nhập khẩu ô tô từ Mỹ. Ảnh: WIRED

Theo chính quyền Mỹ, chính sách thuế mới nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu của nước này, thúc đẩy ngành sản xuất nội địa và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ và nhiều doanh nghiệp.

Là một trong những bên bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan mới của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã lên án mạnh mẽ động thái này và cho rằng, bước đi lần này của Washington là "đơn phương và gây tổn hại" đối với thương mại toàn cầu. Theo New York Post, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố, EU sẽ có các biện pháp đáp trả thích đáng.

Thời điểm hiện tại, EU đang xem xét áp đặt các biện pháp đối phó, bao gồm tăng thuế trả đũa lên đến 26 tỷ euro đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt nhắm vào những ngành công nghiệp chủ chốt như: Công nghệ (các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Google và Microsoft), nông sản (tăng thuế lên đậu nành, ngô và các sản phẩm từ thịt), hàng xa xỉ (ô tô và rượu whisky).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí đã kêu gọi các doanh nghiệp lớn của châu Âu "tạm dừng đầu tư vào Mỹ" như một cách gây áp lực lên Nhà Trắng.

Tương tự, Trung Quốc - một trong những mục tiêu chính của các mức thuế mới đã có những phản ứng gay gắt. Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận sự áp đặt của Mỹ và sẽ có những biện pháp trả đũa tương xứng.

Các biện pháp Trung Quốc đang xem xét bao gồm: Tăng thuế lên 54% đối với xe hơi và chất bán dẫn nhập khẩu từ Mỹ; hạn chế xuất khẩu đất hiếm, một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất công nghệ cao; siết chặt quy định đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và công nghệ…

Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh rằng, nếu Mỹ không rút lại các chính sách thuế mới, họ sẽ áp dụng các biện pháp này ngay trong quý II-2025.

Nhật Bản và Hàn Quốc tuy là hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á nhưng cũng phản đối mạnh mẽ chính sách thuế mới. Tokyo coi động thái này là "không công bằng và cực kỳ đáng tiếc” và có thể áp thuế trả đũa lên ngành hàng không vũ trụ và các sản phẩm công nghệ Mỹ. Trong khi đó, Hàn Quốc có thể hạn chế nhập khẩu khí đốt và dầu thô từ Mỹ, đồng thời kiện nước này lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ngay tại Bắc Mỹ, Canada và Mexico - hai đối tác quan trọng của Mỹ trong Hiệp định Thương mại USMCA - cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump. Canada có thể áp thuế lên sản phẩm sữa, nhôm, thép và gỗ Mỹ.

Theo The Times, Thủ tướng nước này Mark Carney cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi của người lao động Canada và sẵn sàng thực hiện các biện pháp thương mại đối phó. Mexico có thể đánh thuế mạnh vào ngô, thịt bò và hàng tiêu dùng Mỹ. Ở Nam Mỹ, Brazil vừa thông qua dự luật cho phép đáp trả các mức thuế do Mỹ áp đặt.

Những động thái trả đũa của các nước làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn diện. Điều này đang ở mức nguy cơ cao khi bên cạnh làn sóng thuế mới, chính quyền Mỹ thực tế đã áp nhiều loại thuế lên các mặt hàng nhất định, như mức thuế 25% lên xe con và xe tải nhỏ từ 0h ngày 3-4 (giờ bản địa), cao gấp 10 lần trước đó.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, một khi những biện pháp đáp trả vượt tầm kiểm soát, lạm phát có thể tăng phi mã do giá hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn; chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, dẫn tới ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất; thị trường chứng khoán lao dốc tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực…

Nhìn chung, tuy vẫn để ngỏ lối thoát đàm phán cho các bên, chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump năm 2025 rõ ràng vẫn làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu, khi nhiều quốc gia sẵn sàng trả đũa mạnh mẽ.

Trong bối cảnh này, nguy cơ một cuộc chiến thương mại toàn diện đang ngày càng hiện hữu, có thể gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu trong tương lai gần. Nếu không có giải pháp đối thoại và nhượng bộ, tình hình có thể tiếp tục leo thang và ảnh hưởng lâu dài đến các mối quan hệ kinh tế quốc tế.

(Theo NBC News, The Guardian)

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhieu-nuoc-tra-dua-thue-quan-moi-cua-my-gia-tang-cang-thang-thuong-mai-toan-cau-697969.html
Zalo