Nhiều nước quan ngại về kế hoạch mở rộng chiến dịch tại Gaza của Israel
Sau khi Israel tuyên bố mở rộng hoạt động quân sự tại Dải Gaza, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Pháp cũng như Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại và phản đối các hành động trên.

Binh sĩ Israel tham gia chiến dịch quân sự tại Dải Gaza ngày 18/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng tin AFP, ngày 6/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nêu rõ: "Chúng tôi phản đối các hành động quân sự của Israel tại Gaza, hy vọng tất cả các bên tiếp tục và thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn". Ông cũng cho biết Trung Quốc rất lo ngại về tình hình Palestine - Israel hiện tại.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cũng quan ngại về chiến dịch quân sự mới của Israel tại Gaza. Ông cho rằng kế hoạch này là "không thể chấp nhận được", đồng thời cáo buộc chính quyền Tel Aviv vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Trước đó, Nội các An ninh Israel đã phê duyệt kế hoạch mở rộng chiến dịch tại Gaza, trong đó có kế hoạch tấn công mạnh mẽ Hamas, giữ quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ và di dời phần lớn cư dân ở Gaza.
Phản ứng trước động thái trên của Israel, ông Basem Naim - quan chức cấp cao của Hamas và là cựu lãnh đạo cơ quan y tế ở Gaza - nhấn mạnh không có ý nghĩa gì khi thảo luận các đề xuất ngừng bắn mới nếu chiến dịch quân sự vẫn tiếp diễn. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực đối với Chính phủ Israel để chấm dứt tình trạng nhân đạo nghiêm trọng tại Gaza.
Vào ngày 5/5, người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Farhan Haq cho biết Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres quan ngại trước các thông tin về kế hoạch mở rộng hoạt động trên bộ và kéo dài hiện diện quân sự của Israel tại Dải Gaza. Điều này chắc chắn sẽ khiến thêm nhiều dân thường thiệt mạng và Gaza bị tàn phá nghiêm trọng hơn. Do đó, chấm dứt bạo lực, thương vong đối với dân thường và tình trạng tàn phá là điều bắt buộc. Gaza đang và phải tiếp tục là một phần không thể thiếu của nhà nước Palestine trong tương lai. Tổng thư ký Guterres tiếp tục kêu gọi ngay lập tức ngừng bắn vĩnh viễn và thả con tin vô điều kiện.
Ông Haq cho biết thêm rằng đã có thông tin về việc Israel sẽ tiếp tục chặn viện trợ nhân đạo được chuyển đến Gaza và tư nhân hóa hoạt động này bằng cách sử dụng các nhà thầu Mỹ thay vì dưới sự giám sát của LHQ và các tổ chức nhân đạo khác. Ông khẳng định Tổng thư ký Guterres và các thực thể của LHQ tham gia vào việc phân phối viện trợ đã nêu rõ rằng LHQ không tham gia vào bất kỳ kế hoạch nào không tuân thủ các nguyên tắc toàn cầu về tính nhân đạo, sự công bằng, độc lập và trung lập.
Trong khi đó, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết các cuộc không kích và các cuộc tấn công khác vẫn tiếp diễn trên khắp Gaza, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương vào cuối tuần qua, trong đó có cả trẻ em. Cũng theo OCHA, nạn cướp bóc đã trở thành hiện thực hằng ngày, đặc biệt là ở trong và xung quanh thành phố Gaza. Song song với đó là thực trạng cạn kiệt nguồn cung cấp và các doanh nghiệp đang trở thành các mục tiêu tiếp theo bị ảnh hưởng của nạn cướp bóc.
Trong một động thái liên quan, ngày 5/5, kênh truyền hình Channel 13 của Israel cho biết trong những ngày gần đây, Tham mưu trưởng quân đội Israel Eyal Zamir cảnh báo các bộ trưởng nội các rằng Israel "có thể mất" các con tin ở Gaza nếu nước này tiến hành chiến dịch quân sự lớn ở Dải Gaza.
Tham mưu trưởng Zamir tuyên bố: "Trong kế hoạch điều động toàn diện, chúng tôi không nhất thiết phải tiếp cận các con tin... Hãy nhớ rằng chúng ta có thể mất họ".
Ông Zamir cũng cho rằng hai mục tiêu của các chiến dịch quân sự tại Gaza hiện nay là đánh bại Hamas và giải cứu con tin "có vấn đề trong mối liên hệ với nhau". Gia đình các con tin từ lâu đã tranh cãi về điều này, nhưng các nhà lãnh đạo chính trị, trong đó có Thủ tướng Benjamin Netanyahu, khẳng định rằng áp lực quân sự sẽ hỗ trợ việc đạt được thỏa thuận trao trả con tin.
Một nguồn tin Chính phủ Israel nói với tờ Times of Israel Sunday rằng nước này không hy vọng Hamas sẽ chấp nhận đề xuất về một thỏa thuận ngừng bắn thả con tin mà không tăng cường đáng kể áp lực quân sự. Nguồn tin cho biết Thủ tướng Netanyahu đang tập trung nhiều hơn vào mục tiêu loại các tay súng Hamas khỏi vòng chiến đấu và ít tập trung hơn vào mục tiêu thả con tin, như một phần của chiến dịch gây áp lực đó.
Phong trào Hồi giáo Hamas tại Gaza hiện còn giam giữ 59 con tin, trong đó có ít nhất 35 người được xác nhận đã mất. Họ nằm trong số 251 người bị bắt cóc vào ngày 7/10/2023 khi Hamas tấn công miền Nam Israel.
Theo Liên hợp quốc và các tổ chức viện trợ, gần như toàn bộ 2,4 triệu người dân Gaza đã buộc phải di dời ít nhất một lần kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10/2023. Dải Gaza hiện đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, sau khi Israel phong tỏa hoàn toàn khu vực này từ đầu tháng 3 và nối lại tấn công quân sự hôm 18/3, chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài 2 tháng.