Nhiều nước Mỹ Latin 'nóng mặt' trước chiến dịch trục xuất của Tổng thống Trump

Các nước Mỹ Latin đã có phản ứng khác nhau trước kế hoạch cứng rắn trục xuất hàng loạt người nhập cư không giấy tờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo truyền thông Mỹ, nhiều nhà lãnh đạo Mỹ Latin vẫn giữ im lặng hoặc phản ứng thận trọng trước kế hoạch trục xuất số lượng lớn người nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, có một quốc gia Trung Mỹ đã thể hiện lập trường cứng rắn, đó là Honduras.

Honduras

Đầu năm 2025, Tổng thống Xiomara Castro cảnh báo bà có thể trục xuất quân đội Mỹ khỏi căn cứ không quân của Honduras, nơi Washington đã hiện diện suốt nhiều thập niên, nếu chính quyền Trump trục xuất trên diện rộng.

Còn trong tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Enrique Reina cho biết dù Mỹ cung cấp hỗ trợ quan trọng cho Honduras, nước này ngày càng tiếp xúc gần với nhiều quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cứng rắn với người nhập cư không giấy tờ ngay trong tuần đầu lên nắm quyền. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Mỹ Donald Trump cứng rắn với người nhập cư không giấy tờ ngay trong tuần đầu lên nắm quyền. Ảnh: Bloomberg

Thứ trưởng Ngoại giao Tony García khẳng định Honduras sẵn sàng lên tiếng mạnh mẽ hơn các nước Mỹ Latin khác nhằm ngăn chặn trục xuất tràn lan và bảo vệ người Honduras tại Mỹ. “Chúng tôi lên tiếng với tư cách một quốc gia và tôi tự hào về điều đó. Những nước khác tỏ ra cực kỳ mềm mỏng, còn có bên lại mập mờ” - ông García nói.

Kể từ năm 2015, mỗi tuần, Honduras tiếp nhận khoảng 10 chuyến bay trục xuất từ Mỹ. Theo chính phủ Honduras, khoảng 200.000 người không có giấy tờ đang đối mặt với nguy cơ bị đuổi khỏi Mỹ.

Trung tâm nghiên cứu Pew đưa ra con số 525.000 vào năm 2022, khiến Honduras trở thành quốc gia có số người di cư không có giấy tờ lớn thứ 5 tại Mỹ, sau Mexico, El Salvador, Ấn Độ và Guatemala.

Mexico

Về phía Mexico, chính phủ Tổng thống Claudia Sheinbaum phản đối ông Trump hành động “đơn phương” áp đặt các tiêu chuẩn hạn chế nhập cư, trong đó có khôi phục chính sách “Ở lại Mexico”.

Hôm 23-1, Mexico đã từ chối chấp nhận chuyến bay trục xuất từ Mỹ, NBC News đưa tin ngày 26-1. Hai máy bay C-17 của không quân Mỹ đến Guatemala, chở khoảng 80 người mỗi chiếc. Chuyến bay thứ 3, được lên lịch đến Mexico, đã không cất cánh.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mexico không nêu chi tiết lý do. "Mexico có mối quan hệ rất tốt với chính phủ Mỹ. Chúng tôi hợp tác trên tinh thần tôn trọng chủ quyền trong nhiều vấn đề, bao gồm cả vấn đề di cư" - tuyên bố viết. "Liên quan tới vấn đề hồi hương, chúng tôi luôn chào đón người Mexico bằng vòng tay rộng mở. Mexico chào đón các bạn".

Một quan chức Nhà Trắng cho biết "chuyến bay có vấn đề hành chính và đã được giải quyết nhanh chóng".

Brazil

Trong khi đó, hôm 24-1, các quan chức Brazil đã yêu cầu phía Mỹ tháo còng tay của nhóm người bị trục xuất được đưa đến quốc gia Nam Mỹ này, Reuters đưa tin.

Theo tuyên bố hôm 25-1, cảnh sát Brazil, theo chỉ thị của Bộ trưởng Tư pháp Ricardo Lewandowski, đã đón chuyến bay sau khi nó hạ cánh bất ngờ xuống thành phố Manaus do sự cố kỹ thuật.

Máy bay chở 88 người Brazil, 16 nhân viên an ninh Mỹ và 8 thành viên phi hành đoàn, ban đầu dự kiến đến Belo Horizonte ở bang Minas Gerais.

Sau sự cố, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã ra lệnh dùng máy bay không quân chở người bị trục xuất tới đích ban đầu, đảm bảo họ hoàn thành hành trình theo cách “trang nghiêm và an toàn”.

Việc dùng còng tay và nhiều biện pháp hạn chế khác với người di cư bị trục xuất đã làm dấy lên tranh cãi tại Brazil. Bộ trưởng Lewandowski chỉ trích hành động còng tay là “sự thiếu tôn trọng trắng trợn” với quyền của những cá nhân này, trong khi cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, một đồng minh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng kêu gọi chấm dứt cách làm này.

Phương Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-nuoc-my-latin-nong-mat-truoc-chien-dich-truc-xuat-cua-tong-thong-trump-19625012617540318.htm
Zalo