Nhiều nhóm hàng chủ lực vẫn bấp bênh về đơn hàng

Các doanh nghiệp ngành công nghiệp điện tử và dệt may, cho biết họ vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn do suy giảm tiêu dùng toàn cầu, thậm chí có doanh nghiệp phải cắt giảm lao động lên tới 70% do không có đơn hàng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6 đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, 7 nhóm hàng chủ lực đã đóng góp gần 125 tỷ USD, dẫn đầu là nhóm điện tử bao gồm máy tính và điện thoại với 60 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32, 91 triệu USD, tăng 28,6% và nhóm điện thoại và linh kiện đạt 27, 20 triệu USD, tăng 11,3%.

Tiếp theo là nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 22,9 tỷ USD, tăng 16,2%; dệt, may đạt 16,29 tỷ USD, tăng 3,1%; giày dép đạt 10,8 tỷ USD, tăng 10,0%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,4 tỷ USD, tăng 22,2% và phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 7, 18 tỷ USD, tăng 1,9%.

Cắt giảm 70% lao động do không có đơn hàng

Tuy vậy, tại tọa đàm kinh tế mùa hè với chủ đề: “Mở rộng không gian tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” mới đây, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, trong những tháng cuối năm 2023 và 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này mất nhiều đơn hàng truyền thống do suy giảm tiêu dùng toàn cầu.

Các mặt hàng chủ lực của điện tử xuất khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng nên có doanh nghiệp phải cắt giảm lao động lên tới 70%, thậm chí có những người lao động lâu năm và có tay nghề nhưng buộc phải vì không có đơn hàng.

“Không phải doanh nghiệp không cố gắng, nhiều doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm đơn hàng mới nhưng mà tỷ trọng của giá trị của những đơn hàng mói không bằng đơn hàng cũ. Cùng với đó là tính bấp bênh và không ổn định”, bà Hương cho biết.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam. (Nguồn: Vneconomy).

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam. (Nguồn: Vneconomy).

Cũng theo bà, trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp điện tử Việt bị chèn ép đơn hàng. Cùng một lượng đơn hàng nhưng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) luôn được ưu tiên. Khi có đơn hàng thì cũng là những đơn hàng “xương xẩu" nhất, thời hạn thanh toán và các yêu cầu thanh toán cũng chặt chẽ hơn so với doanh nghiệp FDI.

Ngoài ra, các quy định về sản xuất bền vững của châu Âu, Hoa Kỳ ngày càng thắt chặt làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp khi phải buộc phải phân bổ lực lượng lao động chỉ chuyên đi làm báo cáo. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử Việt chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu lao động có tay nghề, thiếu vốn, nên khó tiếp cận các nguồn vốn vay và tài trợ.

“Nếu hiện thời doanh nghiệp Việt không có trợ giúp trong việc này thì đây là một gánh nặng”, bà Hương quan ngại.

5 thách thức lớn của ngành dệt may

Cũng nằm trong 7 nhóm hàng chủ lực, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, lợi ích từ xuất khẩu này là chuyển dịch đơn hàng từ các nước khác sang thị trường Việt Nam, còn bản chất thật là tiêu dùng toàn cầu chưa tăng.

Trong bối cảnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với 5 thách thức của cực kỳ lớn. Thứ nhất, về tiêu chuẩn kép của các thị trường nhập khẩu, họ luôn tìm ra kẽ hở để đưa ra các tiêu chuẩn buộc chúng ta phải tuân thủ. Ngoài ra, các tổ chức đánh giá của các nhãn hàng cũng đặt ra những tiêu chuẩn không đồng nhất giữa các nhãn hàng khiến các doanh nghiệp trong nước phải rất khó khăn mới ứng được.

Thứ hai, liên quan đến phát triển công nghệ, phát triển bền vững, sử dụng các sản phẩm đòi hỏi phải thích ứng kịp với xu thế phát triển bền vững thì mới ổn định được đơn hàng.

Thứ ba, quy định siết chặt hơn của Mỹ liên quan đến lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu bao gồm cotton (bông vải) ở vùng Tân Cương của Trung Quốc khiến ngành dệt may Việt Nam không xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc được một số loại sản phẩm sợi.

Trong khi, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc khoảng 4,5 – 4,8 tỷ USD sợi các loại. Nhưng đến khi đạo luật này ra đời, Trung Quốc bị kiểm soát, và chúng ta bị ảnh hưởng không xuất khẩu sang được nữa. Trong năm 2023, Việt Nam đã bị giữ 27 triệu USD giam tại cảng của Mỹ liên quan vấn đề doanh nghiệp không thể biết được vải đó được sản xuất từ bông Tân Cương.

“Tổng lãnh sự quán và Hải quan Mỹ hôm vừa rồi có nói với chúng tôi là nếu chúng ta không kiểm soát chặt, và để doanh nghiệp tự do như này thì vô hình chung sẽ tiếp tay cho Trung Quốc về sử dụng bông nguồn gốc bông Tân Cương, đây là thách thức cực kỳ lớn mà đạo luật của Mỹ đặt ra”, ông Giang quan ngại.

Thứ 4, liên quan đến dịch chuyển lao động, ông Giang cho biết, trong6 tháng đầu năm, đơn vị nào giảm ít nhất cũng mất 6%, nơi giảm nhiều từ 18% - 20% lao động nghỉ việc, và nhận chế độ một lần.

Trong khi đó, để một dây chuyền sản xuất đã ổn định, bây giờ phải tuyển công nhân mới vào thì phải đào tạo tối thiểu 6 tháng đến 1 năm mới làm được việc. Tuy nhiên, pháp luật lao động quy định người lao động vào làm việc 1 tuần phải ký hợp đồng lao động, nếu không ký là vi phạm luật.

“Hiện nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của các địa phương cũng xuống kiểm tra rất chặt chẽ, thường xuyên, điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến doanh nghiệp. Trong khi đó, lao động không có tay nghề vào một tuần làm việc được thì rất ít”, ông Giang thông tin.

Cuối cùng, về những cơ chế chính sách, chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam, năm 2022, dựa trên đề xuất của Bộ Công thương và Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035, nhưng đến giờ này, chiến lược vẫn nằm trên giấy.

"Hầu hết các đơn vị, địa phương khác cứ dị ứng với vấn đề nước thải nên không mặn mà việc quy hoạch phát triển", ông Giang lý giải.

Theo ông Giang, hiện nay, tổng nhập khẩu vải của chúng ta mỗi năm khoảng 16 tỷ USD và hầu hết nhập từ Trung Quốc. Vì vậy, Chính phủ cần ra giải pháp cho các địa phương quy hoạch các khu công nghiệp, trong đó có đầu tư cho ngành công nghiệp dệt nhuộm để có vải trong nước, từ đó mới được hưởng lợi từ các các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

"Các Hiệp định CPTPP, EVFTA là động lực rất tốt cho Việt Nam giữ được thị trường. Năm 2023 toàn ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu đạt 40 tỷ USD vào 104 thị trường trên toàn cầu", ông Giang nêu rõ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhieu-nhom-hang-chu-luc-van-bap-benh-ve-don-hang.html
Zalo