Nhiều người trẻ mắc cúm diễn biến nặng phải nhập viện

Dịch cúm gia tăng, không chỉ cúm A nguy hiểm, người trẻ mắc cúm B (cúm mùa thông thường) cũng có trường hợp diễn biến nặng phải nhập viện.

Bệnh nhân cúm nhập viện điều trị tại Bệnh viện E.

Bệnh nhân cúm nhập viện điều trị tại Bệnh viện E.

Xuất hiện sốt cao kéo dài, ho có đờm, đau họng và mệt mỏi, bà N.T.T (73 tuổi, ở Hà Nội) được đưa tới Bệnh viện E và phải nhập viện điều trị.

Trước khi vào viện 4 ngày, người bệnh xuất hiện các triệu chứng cúm nhưng tự ý mua thuốc uống thay vì đi khám. Khi tình trạng diễn biến nặng hơn, bà T. mới đến Bệnh viện E thăm khám và được chẩn đoán mắc cúm A bội nhiễm.

Theo các bác sĩ, hiện bệnh nhân T. được điều trị bằng kháng sinh, kháng virus cúm kết hợp các biện pháp hỗ trợ như: Giảm ho, hạ sốt và bù nước điện giải.

Còn trường hợp chị N.N.P (30 tuổi, ở Hà Nội), cũng xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, đau họng, ho có đờm, sổ mũi, đau mỏi người. Sau khi tự test cúm tại nhà và có kết quả dương tính, chị P. đã tự dùng Tamiflu trong 2 ngày. Tuy nhiên, chị P vẫn sốt cao, mệt mỏi nên đã đến khám tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E. Tại đây, người bệnh được chẩn đoán mắc cúm B bội nhiễm và được chỉ định điều trị bằng kháng sinh, kháng virus cúm, kết hợp các biện pháp hỗ trợ như giảm ho, hạ sốt và bù nước điện giải...

Về các trường hợp mắc cúm hiện nay, ThS.BS Đinh Thị Bích Thục, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết: Các ca bệnh vừa qua cho thấy, ngay cả người trẻ có tiền sử khỏe mạnh cũng không nên chủ quan với cúm, đặc biệt khi bệnh diễn biến kéo dài hoặc có dấu hiệu bất thường.

Từ tháng 1/2025 đến nay, tại Khoa Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 250 ca bệnh cúm các loại. Tuy nhiên, giai đoạn từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số ca mắc cúm đến khám và điều trị có xu hướng gia tăng. Hiện tại, Khoa Bệnh Nhiệt đới đang tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 20 người bệnh mắc cúm các loại. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm đến khám và điều trị; thậm chí, những ngày cao điểm, tại đây có thể lên tới 40 bệnh nhân/ngày.

"Đáng chú ý, không chỉ người cao tuổi, trẻ nhỏ hay người có bệnh nền (tim mạch, đái tháo đường, hô hấp…), ngay cả những người trẻ, khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng, nếu chủ quan. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc cúm, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy theo từng đối tượng. Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Mặc dù nhiều trường hợp cúm có thể tự hồi phục, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, bội nhiễm vi khuẩn, thậm chí đe dọa tính mạng ở những trường hợp nặng", BS. Đinh Thị Bích Thục cảnh báo.

Theo đó, những người có nguy cơ cao gặp các biến chứng nguy hiểm khi mắc cúm mùa như: Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ; trẻ em dưới 5 tuổi; người trên 65 tuổi; người có các bệnh mãn tính như HIV/AIDS, hen suyễn, bệnh tim, phổi và đái tháo đường; người có nguy cơ phơi nhiễm cúm cao, bao gồm cả nhân viên y tế.

Để phòng ngừa bệnh cúm mùa, BS. Đinh Thị Bích Thục khuyến cáo: Người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh phòng bệnh như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Đặc biệt, người dân cần chú ý tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh theo khuyến cáo; thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Bác sĩ cũng lưu ý, khi có triệu chứng của cúm như: Ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi... người dân không nên tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/nhieu-nguoi-tre-mac-cum-dien-bien-nang-phai-nhap-vien-20250217111502432.htm
Zalo