Nhiều người Nam Phi 'khóc ròng' vì quyết định của ông Trump
Ít nhất 8,5 triệu người dân Nam Phi đang sống chung với HIV/AIDS và việc điều trị cho họ có thể bị ngừng lại do sắc lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài trong 90 ngày của Tổng thống Donald Trump.
![Đại dịch HIV/AIDS hoành hành ở Nam Phi. Ảnh: Sky News](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_23_51439815/75e2cb1cff52160c4f43.jpg)
Đại dịch HIV/AIDS hoành hành ở Nam Phi. Ảnh: Sky News
Phóng viên của Sky News đã tiếp xúc với một phụ nữ đang đứng bối rối bên ngoài một phòng khám sức khỏe tình dục đã đóng cửa ở khu vực nội thành của Johannesburg. Người này cho hay, 2 tháng trước, cô đã tới phòng khám được cơ quan Phát triển Mỹ (USAID) tài trợ, để được chăm sóc thường xuyên. Tuy nhiên, bây giờ cô phải tìm một nơi an toàn khác để kiểm tra sức khỏe tình dục và dự phòng phơi nhiễm - biện pháp phòng ngừa thường xuyên của cô trước căn bệnh HIV đang hoành hành.
Vào ngày tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lần 2, ông Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp đóng băng viện trợ nước ngoài trong thời hạn 90 ngày. Các công đoàn liên bang đã phản đối sắc lệnh này tại tòa vì cho rằng đó là hành động vi hiến và bất hợp pháp, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu.
Sắc lệnh trên đã tác động ngay lập tức đến những người dễ bị tổn thương nhất ở Nam Phi. Người phụ nữ trên đã khóc khi nghe tin. Giống như nhiều lao động tình dục khác, với cô, các phòng khám sức khỏe tình dục miễn phí là đường sinh mệnh.
Nam Phi là một trong những nơi bệnh dịch HIV/AIDS hoành hành mạnh nhất. Ít nhất 8,5 triệu người ở đây sống chung với HIV, chiếm 1/4 số ca nhiễm trên toàn cầu. Việc tiếp cận rộng rãi và miễn phí với phương pháp điều trị kháng virus ở Nam Phi có thể diễn ra là nhờ Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống Mỹ (PEPFAR) về cứu trợ AIDS dưới thời Tổng thống George W.Bush vào năm 2003.
PEPFAR được coi là một trong những chương trình viện trợ nước ngoài thành công nhất trong lịch sử và Nam Phi là nước nhận được nhiều tiền nhất từ chương trình này. Tuy nhiên, PEPFAR hiện đã bị dừng lại do lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài của Tổng thống Donald Trump, đẩy những người sống sót sau đại dịch HIV ở Nam Phi trở lại những năm đầu 2000 - thời kỳ khan hiếm và hoảng loạn.
Nelly Zulu, nhà hoạt động, một người mẹ sống chung với HIV ở Soweto nói: "Vào thời điểm đó, không có thuốc men. Chính phủ bảo chúng tôi ăn củ cải đường và tỏi để chữa bệnh". Nelly cho biết, cô và con trai 21 tuổi của cô đã được cứu sống do được tiếp cận với điều trị miễn phí. Con trai của Nelly được phát hiện dương tính với HIV khi mới 4 tuổi.
Ambrose - nhà hoạt động đồng thời là nhân viên tại một phòng khám chuyển giới kể, tất cả những người cô biết đều vô cùng sợ hãi. Và rằng sau khi nghe tin về sắc lệnh của ông Trump, những người mắc bệnh mãn tính không còn lòng tin nữa vì họ không biết mình sẽ đi về đâu.
Các tổ chức xã hội dân sự Nam Phi đã viết một lá thư ngỏ, kêu gọi chính phủ đưa ra phản ứng phối hợp để giải quyết tình trạng khẩn cấp về chăm sóc sức khỏe do lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài của Mỹ gây ra.