Nhiều người bị lừa bởi chiêu trò mạo danh homestay, khách sạn
Ít thì vài trăm nghìn đồng, nhiều thì tiền tỷ, chiêu trò mao danh homestay, khách sạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
![Bài đăng của nạn nhân trong sự việc bị lừa đảo 1 tỷ đồng khi đặt khách sạn online. Ảnh chụp màn hình](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_204_51457005/b23c039b34d5dd8b84c4.jpg)
Bài đăng của nạn nhân trong sự việc bị lừa đảo 1 tỷ đồng khi đặt khách sạn online. Ảnh chụp màn hình
Mạo danh homestay, khách sạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Trò chuyện với PV, chị Nguyễn Ngọc Bích (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, thời điểm tháng 12/2024 chị cũng từng là nạn nhân của chiêu trò mạo danh homestay, khách sạn để chiếm đoạt tài sản. Theo lời chị, vốn có ý định tổ chức 1 chuyến đi ngắn ngày lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) nên chị đã lên mạng xã hội tìm kiếm các thông tin về homestay, khách sạn ở khu du lịch này.
“Chọn homestay không hợp lý vì các homestay đều ở xa vị trí trung tâm, nhà tôi lại có con nhỏ nên tôi và chồng đã thống nhất chọn 1 khách sạn gần quảng trường Tam Đảo để dễ di chuyển” - chị nói. Sau khi tìm hiểu, chị đã quyết định lựa chọn chị đã vào một fanpage của khách sạn có tên C.H để hỏi giá. Ngay khi nhắn tin hỏi giá, chị nhanh chóng nhận được 1 trang báo giá khá chuyên nghiệp của trang fanpage này.
“Tôi cũng đã đề phòng các chiêu trò lừa đảo, nên trước khi nhắn tin đã tìm hiểu khá kỹ về lịch sử fanpage này. Fanpage thể hiện khá chuyên nghiệp, có lịch sử với các bài đăng liên tục cùng các review của khách hàng. Thế nên khi thấy giá phòng hợp lý, tôi đã tiến hành chuyển 50% tiền đặt cọc” - chị Bích kể.
Nhưng sau khi gửi hóa đơn chuyển khoản, bên fanpage kia lại hốt hoảng báo chị Bích không ghi mã phòng trong giao dịch chuyển khoản nên kế toán không xác nhận được giao dịch. “Họ bảo tôi là chuyển lại số tiền đó, nhớ ghi rõ mã giao dịch. Sau khi xác nhận được số tiền đến nơi, họ sẽ chuyển trả lại số tiền đã chuyển trước đó. Đến lúc này tôi đã thấy lấn cấn và kiểm tra lại số tài khoản vừa chuyển. Số tài khoản đó thuộc về 1 công ty có tên Công ty TNHH Auto88 NMT-NT. Tôi giật mình và tỏ thái độ không muốn chuyển tiếp. Thấy tôi nghi ngờ, họ báo để kế toán của họ liên hệ lại” - chị nói tiếp.
Theo chị Bích, sau đó ít phút, có một người đàn ông điện cho chị tự xưng là kế toán của khách sạn C.H, gọi điện để hỗ trợ chị lấy lại số tiền đang bị treo. Tuy nhiên, thay vì việc thực hiện thì người đàn ông này liên tục hỏi chị số tài khoản, cũng như yêu cầu chị chụp lại thông tin số tài khoản của chị để check. Biết có vấn đề nên chị từ chối thẳng, người đó không nói năng gì và tắt máy.
“Sau đó tôi lên mạng tìm kiếm thì mới biết, đã có rất nhiều trường hợp như tôi. Và chính khách sạn C.H cũng đã đưa ra cảnh báo về chiêu trò mạo danh để lừa đảo của fanpage này” – chị Bích cho biết.
![Số tài khoản nhận tổng cộng hơn 1 tỷ đồng của đối tượng lừa đảo đều là số tài khoản của các doanh nghiệp Việt. Ảnh: Cục ATTT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_204_51457005/1bd7a670913e7860212f.jpg)
Số tài khoản nhận tổng cộng hơn 1 tỷ đồng của đối tượng lừa đảo đều là số tài khoản của các doanh nghiệp Việt. Ảnh: Cục ATTT
Không may mắn như chị Bích, mới đây, cộng đồng mạng xôn xao trước bài đăng về một nữ du khách bị lừa đảo, mất cả tỷ đồng khi đặt phòng tại khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình.
Theo đó, vị khách đặt 2 phòng cho 2 người lớn và 2 trẻ em, thời gian từ 31/1 đến 3/2. Sau khi nhắn tin cho fanpage Facebook giả mạo khu nghỉ dưỡng ở đảo Kênh Gà (huyện Gia Viễn, Ninh Bình), chị được nhân viên tư vấn mức giá phòng cuối tuần là 2,9 triệu đồng/phòng, dịp lễ Tết từ 3,6 triệu đồng cho hạng phòng Twin Room (phòng đôi) với diện tích 30m2.
Sau vài ngày trao đổi, nữ du khách quyết định chốt 2 phòng và đặt cọc số tiền khoảng 6,5 triệu đồng. Tuy nhiên, cô được thông báo đã chuyển khoản sai nội dung, do đó hệ thống tự động không thể xác nhận yêu cầu đặt phòng.
Khách được yêu cầu sao chép mã do bên khu nghỉ dưỡng cung cấp vào nội dung chuyển khoản để kế toán xác nhận.
Lúc này, khách được yêu cầu kích hoạt 1 tài khoản VNPay cho chính mình và chuyển tiền vào đó theo cú pháp mà nhân viên này đưa ra để đảm bảo. Với lý do chuyển sai nội dung, khách liên tục phải chuyển tiền vào tài khoản VNPay với số tiền lớn dần, từ 39,5 triệu đồng, 125,6 triệu đồng, 379,6 triệu đồng và cuối cùng là 485,6 triệu đồng. Tổng số tiền đã chuyển lên tới hơn 1 tỷ đồng. Khi nữ du khách không thể liên lạc được với khu nghỉ dưỡng, cô mới biết đã bị lừa.
Không tin tưởng những Fanpage quảng cáo đặt phòng với mức giá quá rẻ so với thị trường
Trước tình trạng này, Cục An toàn Thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho biết, giả mạo trong lĩnh vực du lịch ngày càng trở nên phổ biến, với những kẻ xấu lợi dụng lòng tin của khách hàng để lừa đảo. Các trang web giả mạo này có thể tạo ra giao diện giống hệt với các resort, khách sạn, homestay nổi tiếng hoặc đăng tải những hình ảnh đẹp mắt nhưng thực tế lại không có thật. Điều này khiến nhiều du khách dễ dàng bị cuốn vào những chiêu trò dụ dỗ và trả tiền trước cho dịch vụ chưa được xác minh.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_204_51457005/969f2d381a76f328aa67.jpg)
Các trang web có giao diện tương tự với những thương hiệu uy tín, đi kèm với mức giá rất hấp dẫn. Sau khi khách hàng đặt cọc hoặc thanh toán, họ sẽ không nhận được dịch vụ như đã hứa, và đôi khi không thể liên lạc được với chủ sở hữu. Hình ảnh resort, khách sạn hoặc homestay được sử dụng có thể là ảnh lấy từ các nguồn khác hoặc chỉnh sửa để trông hấp dẫn hơn. Khi khách hàng đến nơi, họ sẽ nhận ra rằng dịch vụ không giống như trong hình. Dựa trên những hình ảnh xịn sò và cách đăng bài chuyên nghiệp, thậm chí là chạy cả quảng cáo những bài viết này dễ dàng nhận được hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn lượt tương tác khiến nhiều người dân sập bẫy.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo cũng có thể tạo các tài khoản giả trên các ứng dụng du lịch nổi tiếng như Booking, Agoda, hoặc Airbnb để quảng bá các chỗ ở không tồn tại. Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo này, Cục ATTT khuyến cáo người dân cần lưu ý một số điểm sau khi đặt phòng trên các nền tảng trực tuyến:
Trước khi quyết định đặt phòng, người dùng cần kiểm tra kỹ địa chỉ website. Các trang web đáng tin cậy thường có chứng chỉ bảo mật (biểu tượng khóa ở góc trên bên trái của trình duyệt) và có địa chỉ rõ ràng. Tránh những website có tên miền lạ hoặc không có chứng nhận bảo mật.
Tham khảo ý kiến của những người đã từng lưu trú tại khách sạn bạn muốn đặt thông qua các trang như TripAdvisor, Google Reviews, hoặc các trang đặt phòng uy tín thường có những đánh giá chi tiết của du khách trước đó.
Không tin tưởng những Fanpage quảng cáo đặt phòng với mức giá quá rẻ so với thị trường, thực hiện so sánh mức giá trên các nền tảng khác nhau để đảm bảo tính hợp lý.
Chủ động liên hệ trực tiếp với khách sạn hoặc homestay trước khi thanh toán thông qua các thông tin liên hệ trên trang chính thức như số hotline hoặc gửi email trực tiếp để xác minh thông tin về phòng và dịch vụ.
Cảnh giác với yêu cầu thanh toán trước quá sớm, nếu đối tượng không cho phép thanh toán trực tiếp hoặc yêu cầu chuyển tiền qua các kênh không chính thức, tuyệt đối không làm theo.
Không làm theo các yêu cầu, hướng dẫn chuyển tiền cho các đối tượng vì những lý do như sai cú pháp nhắn tin, bị treo tiền trên hệ thống,... Tuyệt đối không tải xuống ứng dụng lạ hay ấn vào các đường link không xác định từ bên thứ ba.
Chỉ nên đặt phòng qua các nền tảng uy tín như Booking.com, Agoda, hoặc Airbnb giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng, vì các nền tảng này thường có hệ thống bảo vệ thanh toán và các chính sách hoàn tiền nếu xảy ra sự cố. Thêm vào đó, những nền tảng này có đội ngũ hỗ trợ khách hàng, giúp giải quyết khiếu nại nếu có vấn đề phát sinh.