Nhiều nghị sĩ giàu có bị Elon Musk đưa vào 'tầm ngắm'

Tỷ phú Elon Musk đang hướng mũi nhọn của mình về Quốc hội Mỹ, đặt nghi vấn về khối tài sản 'đáng ngờ' của nhiều nghị sĩ có thu nhập công chỉ khoảng 200.000 USD mỗi năm.

 Tỷ phú Elon Musk đặt nghi vấn về tài sản bất thưởng của các thành viên trong Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Elon Musk đặt nghi vấn về tài sản bất thưởng của các thành viên trong Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters.

“Tôi muốn biết họ kiếm được 20 triệu USD bằng cách nào nếu thu nhập chỉ là 200.000 USD/năm. Không ai có thể trả lời rõ ràng”, tỷ phú Elon Musk phát biểu trong một buổi gặp gỡ cộng đồng tại bang Wisconsin.

“Chúng tôi sẽ điều tra và chấm dứt tình trạng này”, ông tuyên bố.

Vấn đề giàu có bất thường của giới lập pháp Mỹ từ lâu đã gây tranh cãi. Các kênh truyền thông và mạng xã hội Mỹ liên tục đăng tải những dữ liệu cho thấy các nghị sĩ không chỉ có tài sản lớn mà còn có khả năng đầu tư sinh lời vượt xa nhà đầu tư bình thường, theo Yahoo News.

Trong một chương trình của Fox News, Chris Josephs, nhà đồng sáng lập ứng dụng theo dõi giao dịch chứng khoán Autopilot, cho biết dù các nghị sĩ có khai báo tài sản, nhưng việc đầu tư thông qua người thân như vợ, chồng hoặc con cái gần như không được kiểm soát chặt chẽ.

“Nếu là Elon Musk, tôi sẽ bắt đầu điều tra từ những người thân - đặc biệt là con cái của các chính trị gia”, Josephs nói.

Một trong những trường hợp thường được truyền thông đề cập là cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, với chồng là nhà đầu tư mạo hiểm kỳ cựu Paul Pelosi - người có lịch sử đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ sinh lời cao.

Không chỉ dừng lại ở nghi vấn về tài sản, Elon Musk còn đưa ra những cáo buộc nặng nề liên quan đến dòng tiền hỗ trợ nước ngoài.

Khi được hỏi liệu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do ông dẫn đầu có phát hiện tiền tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) bị chuyển đến các chính trị gia cực tả không, Musk trả lời: “Họ gửi tiền ra nước ngoài cho một tổ chức phi chính phủ (NGO), sau đó tiếp tục vòng qua nhiều NGO khác... Tôi tin chắc rằng phần lớn số tiền đó cuối cùng quay trở lại Mỹ và chảy vào túi một số người mà các bạn vừa nhắc tới”.

Tuy nhiên, Elon Musk không cung cấp bằng chứng cụ thể, và không ai trong số những cá nhân bị nhắc tên bị điều tra hay buộc tội chính thức. Đáng chú ý, Musk không đề cập tới bất kỳ nghị sĩ Đảng Cộng hòa nào trong các phát biểu của mình.

Dù chưa đưa ra cáo buộc pháp lý, Elon Musk nhấn mạnh rằng hệ thống tài chính dành cho giới lập pháp Mỹ hiện tại thiếu minh bạch và cần được giám sát chặt chẽ hơn.

Quan điểm của ông trùng khớp với lời kêu gọi từ nhiều chính trị gia ở cả hai đảng, trong đó có Tổng thống Joe Biden và Dân biểu Ro Khanna (Đảng Dân chủ, California) - người đã nhiều lần đề xuất cấm giao dịch chứng khoán đối với các nghị sĩ đương nhiệm.

“Không ai trong Quốc hội nên được phép kiếm tiền từ thị trường chứng khoán khi đang tại vị”, ông Biden phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 12 năm ngoái.

Tuy vậy, đến nay các nỗ lực cải cách vẫn đang giậm chân tại chỗ. Dân biểu Khanna bức xúc: “Thật đáng xấu hổ khi đã hơn 3 năm kể từ sau đại dịch mà vẫn chưa có một cuộc bỏ phiếu nào về vấn đề này”.

Theo báo cáo của tổ chức chuyên theo dõi tài chính Unusual Whales công bố năm 2024, lợi nhuận đầu tư chứng khoán trung bình của các thành viên Quốc hội Mỹ cao hơn cả chỉ số S&P 500.

Trong khi lợi suất trung bình của Nghị sĩ đảng Dân chủ là 31,1% và Nghị sĩ của đảng Cộng hòa là 26,1% thì chỉ số của S&P chỉ đạt 24,9%.

Đáng chú ý, bà Nancy Pelosi ghi nhận mức sinh lời lên tới 70,9%, lọt top 10 người có lợi suất đầu tư cao nhất, trong khi 5 nghị sĩ khác có lợi nhuận vượt quá 100%.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhieu-nghi-si-giau-co-bi-elon-musk-dua-vao-tam-ngam-post1544170.html
Zalo