'Nín thở' trước ngày ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ

Trước ngày nhậm chức, ông Donald Trump đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn liên quan vấn đề nhập cư, áp thuế nhập khẩu. Giới đầu tư, chuyên gia lo lắng, vẽ ra nhiều kịch bản liên quan chính sách của Tổng thống Mỹ tái đắc cử.

Bổ nhiệm nhân sự cấp cao

Cuối tuần, ông Trump công bố kết quả cuộc bổ nhiệm nhân sự cấp cao vào Hội đồng kinh tế quốc gia Nhà Trắng. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho tổng thống về chính sách kinh tế Mỹ và toàn cầu. Việc bổ nhiệm diễn ra 3 ngày trước khi Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

"Tôi rất vui khi công bố đội ngũ tài năng sẽ phục vụ trong Hội đồng kinh tế quốc gia Nhà Trắng (NEC) dưới quyền của Kevin Hassett - một trong những nhà kinh tế được kính trọng nhất thế giới", ông Trump cho biết.

Nhiều tháng trước ngày nhậm chức, ông Trump nêu trọng tâm trong chương trình nghị sự kinh tế là áp thuế quan. Tổng thống Mỹ đắc cử xem đây là công cụ quan trọng bảo vệ việc làm tại Mỹ, tăng thu thuế và kích thích nền kinh tế.

Ông Trump nhiều lần nêu quan điểm áp thuế cao đối với các quốc gia như Trung Quốc, Canada và Mexico, ngay từ ngày đầu nhậm chức. Ông còn đề xuất mức thuế 100% đối với các quốc gia trong nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) nếu họ cố gắng thiết lập loại tiền tệ đối thủ với đồng USD.

Các rủi ro

Ngày 17/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về tác động tiềm tàng từ các chính sách kinh tế mà Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đề xuất. Quỹ này bày tỏ lo ngại về những rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là lạm phát và sự ổn định tài chính.

IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 3,3% vào năm 2025 - cao hơn so với mức 3,2% của năm 2024. IMF cho rằng chính sách của ông Trump có thể phá vỡ quỹ đạo này và làm gia tăng những thách thức kinh tế.

Cơ quan tiền tệ quốc tế dự báo biện pháp tài khóa nới lỏng của ông Trump, bao gồm việc cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định và hạn chế nhập cư, có thể làm tăng nhu cầu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh trong ngắn hạn. Tăng thuế quan và hạn chế nhập cư có thể làm giảm nguồn cung hàng hóa và lao động, đặc biệt là lao động giá rẻ từ các quốc gia, từ đó gây ra cú sốc "nguồn cung tiêu cực", làm gia tăng áp lực giá cả.

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20/1.

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20/1.

IMF nhận định sự kết hợp giữa nhu cầu tăng cao và nguồn cung giảm có thể gây bùng nổ lạm phát tại Mỹ, gây ra thách thức lớn đối với sự ổn định giá cả trong nước. Cơ quan này cũng lo ngại rằng, với nền kinh tế phát triển nhanh hơn dự kiến, lạm phát có thể không giảm như kỳ vọng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gặp khó khăn trong việc giảm lãi suất.

Pierre-Olivier Gourinchas - nhà kinh tế trưởng của IMF - cho rằng, việc duy trì mức lãi suất cao để kiểm soát lạm phát có thể khiến đồng USD mạnh lên và gây ra sự bất ổn tài chính, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Đồng USD mạnh hơn có thể tạo gánh nặng tài chính cho các quốc gia nợ USD, khiến họ gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Ban đầu, IMF dự báo lạm phát toàn cầu giảm từ 5,7% vào năm 2024 xuống còn 4,2% trong năm nay. Chính sách của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể trì hoãn, thậm chí phá vỡ xu hướng này.

IMF cảnh báo nếu các biện pháp của ông Trump thúc đẩy lạm phát cao hơn, ngân hàng trung ương buộc tăng lãi suất, tạo ra một cuộc phân kỳ chính sách tiền tệ, đồng thời làm gia tăng các rủi ro tài chính.

Quỹ tiền tệ quốc tế cũng cho rằng việc bãi bỏ quy định tài chính - một trong những ưu tiên trong chính sách của ông Trump - có thể gây ra hậu quả không mong muốn. Pierre-Olivier Gourinchas nhấn mạnh việc giảm bớt các quy định có thể thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn, nhưng nếu bị đẩy quá mức thì kinh tế dễ rơi vào trạng thái "chu kỳ bùng nổ - suy thoái", giống với các giai đoạn khủng hoảng tài chính trước đây.

Các nền kinh tế lo ngại

IMF nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ năm 2025 lên 2,7%, cao hơn so với mức 2,2% trong dự báo trước. Tuy nhiên, các chuyên gia của IMF cho rằng điều này chưa tính đến tác động từ các chính sách của ông Trump, nhất là dự định áp thuế quan toàn diện lên tới 20% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, cùng các biện pháp cứng rắn về chính sách về nhập cư và thuế.

Mặc dù nền kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng tương đối mạnh so với các nền kinh tế lớn khác, IMF ít lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Âu. Quỹ này nhận định khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu chỉ tăng trưởng 1% vào năm nay.

Ông Trump không ít lần tuyên bố mạnh tay về chính sách nhập cư và thuế nhập khẩu.

Ông Trump không ít lần tuyên bố mạnh tay về chính sách nhập cư và thuế nhập khẩu.

Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Âu - sau 2 năm liên tiếp tăng trưởng âm vừa đưa ra dự báo năm nay chỉ tăng trưởng 0,3%. Trong khi đó, các nền kinh tế khác trong khu vực như Pháp và Italy cũng được dự báo sẽ có mức tăng trưởng chậm lại.

Dự báo của IMF về nền kinh tế Trung Quốc không mấy khả quan. Tăng trưởng kinh tế nước tỷ dân chậm lại do sự suy thoái trong ngành bất động sản và sự giảm sút lòng tin của người tiêu dùng.

Dù dự báo Trung Quốc tăng trưởng 4,6% trong năm nay, cao hơn so với dự báo trước đó, nhưng nền kinh tế nước này vẫn đối mặt với những rủi ro từ tình trạng giảm phát và nợ công gia tăng. Nếu các biện pháp tài chính và tiền tệ của Bắc Kinh không hiệu quả trong việc thúc đẩy nhu cầu trong nước, nền kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào "bẫy nợ - giảm phát - đình trệ", với tác động xấu đến tăng trưởng và ổn định tài chính.

Trạch Dương

Theo Reuters, Washington Post, CNBC

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nin-tho-truoc-ngay-ong-donald-trump-nham-chuc-tong-thong-my-post1710488.tpo
Zalo