Nhiều huyền thoại công nghệ tề tựu tại AISC 2025 tại Việt Nam
Việt Nam sắp tổ chức Hội nghị Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo và Bán dẫn (AISC 2025) từ ngày 12/3 đến 16/3 tại Hà Nội và Đà Nẵng. Sự kiện quy tụ khoảng 1.000 chuyên gia, lãnh đạo từ các tập đoàn công nghệ lớn như Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung... Ông Eric Schmidt, cựu CEO Google, sẽ đồng chủ trì hội nghị.

Google sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển AI trong dạy học.
AISC 2025 được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các chuyên gia trao đổi tri thức, định hướng phát triển công nghệ và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực AI, bán dẫn. Đây là bước đi quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng AI và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Tại buổi họp báo ngày 24/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh rằng hội nghị lần này là cơ hội lớn để Việt Nam đón các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thúc đẩy phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm mang tính bước ngoặt đối với Việt Nam, khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhấn mạnh rằng đây là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Để hiện thực hóa định hướng này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03, trong đó đặt ra 41 chỉ tiêu và 140 nhiệm vụ cụ thể. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như AI và bán dẫn. Hội nghị AISC 2025 chính là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa chiến lược này.
Sự kiện lần này thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà lãnh đạo đến từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung, MediaTek, Tokyo Electron, Panasonic, Qorvo, Marvell… cũng như nhiều công ty công nghệ danh tiếng từ Thung lũng Silicon.
Hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề quan trọng như xu hướng phát triển và ứng dụng AI, vai trò của công nghệ bán dẫn trong nền kinh tế số, và các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu và cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy đầu tư, đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái công nghệ bền vững.
Trong khuôn khổ hội nghị, ông Eric Schmidt sẽ có bài phát biểu về chiến lược phát triển kinh tế trong kỷ nguyên AI, phân tích những cơ hội và thách thức từ sự tiến bộ công nghệ toàn cầu. Tiến sĩ Christopher Nguyễn, nhà sáng lập Aitomatic từ Thung lũng Silicon, sẽ trình bày về các đột phá trong ứng dụng AI nhằm tự động hóa các quyết định sản xuất phức tạp.
Đồng sáng tạo của AlphaChip, Tiến sĩ Anna Goldie từ Google DeepMind và Tiến sĩ Azalia Mirhoseini từ Đại học Stanford, sẽ chia sẻ về những tiến bộ vượt bậc trong thiết kế chip do AI điều khiển, từ khâu ý tưởng đến sản xuất thực tế.
Bên cạnh đó, ông Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch cấp cao của Marvell, sẽ có bài tham luận về những cơ hội dành cho Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, trong khi các lãnh đạo của Intel, IBM Research, Tata Electronics và Honeywell sẽ bàn luận về ứng dụng thực tế của AI trong sản xuất.
Hội nghị cũng ghi nhận sự góp mặt của những cá nhân tiêu biểu như Tiến sĩ Lê Viết Quốc, nhà khoa học tại Google DeepMind, người từng nhận giải thưởng danh giá Test of Time của NeurIPS nhờ những đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, bà Nguyễn Bích Yến, Senior Fellow tại Soitec, người đã nhận giải Dan Noble Fellow và sở hữu hơn 200 bằng sáng chế trên toàn cầu, cũng sẽ tham gia chia sẻ về những thành tựu nghiên cứu của mình.
Bên cạnh đó, hội nghị sẽ tập trung vào các chủ đề quan trọng như xu hướng AI, ứng dụng AI trong sản xuất, chiến lược phát triển kinh tế trong thời đại công nghệ và hợp tác quốc tế.
Theo Bloomberg Intelligence, ngành bán dẫn toàn cầu đã đạt 500 tỷ USD vào cuối năm 2024, với AI đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số. McKinsey cũng dự báo AI sẽ thay đổi cách thiết kế và sản xuất chip, thu hút nguồn vốn đầu tư khổng lồ.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ như trợ cấp sản xuất chip, miễn giảm học phí cho sinh viên ngành bán dẫn, và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), khẳng định: “Với chính sách đúng đắn và sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, Việt Nam đang có cơ hội lớn để vươn tầm khu vực và thế giới trong ngành AI và bán dẫn.”