Nhiều HS không chọn học Quản lý tài nguyên rừng vì sợ phải vào vùng sâu vùng xa

Mặc dù là ngành học quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng ngành Quản lý tài nguyên rừng lại ít thí sinh chọn học.

Vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng luôn được Nhà nước quan tâm, chú trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành Quản lý tài nguyên rừng nói riêng và các ngành thuộc lĩnh vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản nói chung lại kém sức hút với thí sinh.

Ngành học giảm sức hút, doanh nghiệp "khát" nhân lực nhưng thiếu nguồn tuyển

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tiến Thịnh, Trưởng khoa Quản lý Tài nguyên rừng và môi trường, Trường Đại học Lâm Nghiệp cho biết: “Bảo vệ môi trường và phát triển tài nguyên bền vững đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Ngành Quản lý tài nguyên rừng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu”.

 Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tiến Thịnh, Trưởng khoa Quản lý Tài nguyên rừng và môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh. Ảnh: NVCC

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tiến Thịnh, Trưởng khoa Quản lý Tài nguyên rừng và môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh. Ảnh: NVCC

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tiến Thịnh, sinh viên ngành Quản lý tài nguyên rừng có rất nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường, ví như có thể làm cán bộ kiểm lâm/lâm nghiệp tại tổ chức quản lý tài nguyên rừng của nhà nước hoặc tổ chức phi chính phủ, ban quản lý rừng phòng hộ/đặc dụng hay doanh nghiệp lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể trở thành nghiên cứu viên tham gia nghiên cứu trong viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức nghiên cứu về sinh thái và bảo tồn. Hoặc có thể làm chuyên gia tư vấn, cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước hay tổ chức quốc tế về quản lý tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, theo thầy Thịnh, học ngành Quản lý tài nguyên rừng cũng giúp sinh viên tốt nghiệp có cơ hội tham gia và quản lý các dự án bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; tham gia vào việc trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường hoặc trở thành giảng viên giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học đào tạo về lâm nghiệp và quản lý tài nguyên”.

Tuy nhiên, dù có cơ hội việc làm rộng mở, ngành Quản lý tài nguyên rừng vẫn kém sức hút với thí sinh. Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tiến Thịnh cũng chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này: “Trong những năm gần đây, sức hút của ngành Quản lý tài nguyên rừng đối với các bạn trẻ đã có phần giảm sút. Các thí sinh đa phần chuyển hướng học các ngành kinh tế, tài chính vì tiềm năng thu nhập cao hơn và ít phải chịu áp lực hơn trong môi trường làm việc.

Bên cạnh đó, một số người học và phụ huynh cũng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và triển vọng nghề nghiệp của ngành Quản lý tài nguyên rừng, dẫn tới sự thiếu quan tâm đến ngành học và khiến ngành Quản lý tài nguyên rừng càng khó cạnh tranh với các ngành học khác”.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho rằng: “Tính chất đặc thù của công việc và thu nhập là lý do khiến sinh viên ít lựa chọn ngành Quản lý tài nguyên rừng.

Nhiều bạn lo lắng học ngành này sẽ phải công tác xa xôi tại vùng sâu vùng xa hay phải đối mặt với nguy hiểm trong quá trình quản lý và tuần tra bảo vệ rừng. Vậy nên các em thường sẽ lựa chọn các ngành học có thể “ăn trắng mặc trơn” thay vì làm việc trong môi trường còn nhiều khó khăn, vất vả”.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ảnh: NVCC

Thực tế, ngành Quản lý tài nguyên rừng hiện nay đang rất cần nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tình trạng cung không đủ cầu khiến nhiều cơ quan, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong quá trình tuyển dụng.

Bà Trần Thị Quỳnh Giang, Giám đốc Dự án tại Công ty Cổ phần hệ thống thông tin lâm nghiệp (FIS) cho biết: “Số lượng nhân lực ngành Quản lý tài nguyên rừng nói riêng và lâm nghiệp nói chung đang có xu hướng giảm dần.

Nguyên nhân một phần là do số lượng sinh viên tốt nghiệp từ ngành này khá ít. Và phần lớn là do sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có những lựa chọn khác vì ngành có môi trường làm việc khá khó khăn và nguồn thu nhập không như các ngành kinh tế, dịch vụ mang lại.

Mức thu nhập của lao động sẽ dựa trên năng lực của mỗi cá nhân, đối với sinh viên ngành Quản lý tài nguyên rừng vừa mới ra trường thì mức thu nhập trung bình dao động từ 5-10 triệu đồng/tháng".

Cũng theo bà Giang, doanh nghiệp hiện rất cần nhân lực có thể giải quyết được các công việc cụ thể trong lĩnh vực lâm nghiệp nói chung, đòi hỏi tính chuyên môn cao từ lao động. Tuy nhiên, các sinh viên vừa tốt nghiệp rất ít em có thể đáp ứng được yêu cầu này.

"Trường hợp doanh nghiệp nhìn thấy tiềm năng và đào tạo thêm thì phần lớn các bạn đều thấy ngành khó khăn, vất vả và thu nhập thấp nên chuyển hướng sang công việc khác, gây ra những thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp”, bà Giang thông tin.

 Bà Trần Thị Quỳnh Giang, Giám đốc Dự án tại Công ty Cổ phần hệ thống thông tin lâm nghiệp. Ảnh: NVCC

Bà Trần Thị Quỳnh Giang, Giám đốc Dự án tại Công ty Cổ phần hệ thống thông tin lâm nghiệp. Ảnh: NVCC

Trường đại học tăng cường kết nối với doanh nghiệp, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên

Chia sẻ về những kiến thức, kỹ năng mà sinh viên sẽ được học khi theo học ngành Quản lý tài nguyên rừng, Trưởng khoa Quản lý Tài nguyên rừng và môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết: “Sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức về sinh thái, hệ sinh thái rừng; kiến thức về nhận biết tài nguyên sinh vật rừng, các phương pháp quản lý tài nguyên rừng bền vững, phòng chống sinh vật hại rừng và cháy rừng, bao gồm các chiến lược bảo tồn, phát triển và phục hồi. Bên cạnh đó là nắm vững các quy định, pháp luật và chính sách nhà nước liên quan đến quản lý tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, sinh viên cũng sẽ được trang bị kiến thức về sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS), công nghệ viễn thám, công nghệ máy bay không người lái UAV, trí tuệ nhân tạo AI để quản lý và theo dõi tài nguyên rừng.

Về kỹ năng, sinh viên sẽ được học các phương pháp khảo sát và nghiên cứu thực địa, phân tích dữ liệu và viết báo cáo khoa học. Bên cạnh đó là được đào tạo kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình và kỹ năng làm việc nhóm”.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Quản lý tài nguyên rừng đều có sự quan tâm đặc biệt đến việc gắn lý thuyết với thực tiễn ngành học thông qua các hoạt động thực hành, thực tập nhằm nâng cao khả năng ứng dụng của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

 Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp thực tập tại rừng nguyên sinh. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp thực tập tại rừng nguyên sinh. Ảnh: website nhà trường

Bên cạnh đó, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tiến Thịnh cũng thông tin thêm: “Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên rừng tại Trường Đại học Lâm nghiệp thường xuyên được đi thực địa đến các khu bảo tồn, vườn quốc gia hoặc các dự án bảo tồn. Tại đây, sinh viên có cơ hội quan sát và thực hành những kỹ thuật, phương pháp đã được học trên giảng đường vào khảo sát, điều tra đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên rừng.

Sinh viên cũng được khuyến khích tham gia thực tập tại doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ hoặc cơ quan nhà nước liên quan. Trường có mối quan hệ hợp tác với một số doanh nghiệp và tổ chức, tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào các dự án và nhận được sự hướng dẫn của nhiều chuyên gia trong ngành. Qua đó, sinh viên có thể áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế, đồng thời xây dựng mối quan hệ với nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, Trường Đại học Lâm nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo với sự tham gia của chuyên gia từ các cơ quan, tổ chức liên quan đến quản lý tài nguyên rừng, giúp sinh viên cập nhật các kiến thức mới cũng như thực tiễn trong ngành. Với chương trình mentoring, sinh viên còn được kết nối với các cựu sinh viên hoặc chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, từ đó nhận được sự hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm quý báu”.

Tương tự, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cũng có sự kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp để sinh viên ngành Quản lý tài nguyên rừng có cơ hội trải nghiệm thực tế. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh thông tin: “Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên rừng đều được giới thiệu đến các đơn vị, công ty lĩnh vực lâm nghiệp để thực tập.

Các em cũng thường được đến các địa bàn hạt kiểm lâm để có cơ hội học hỏi và nắm rõ tính chất công việc trong thực tiễn từ đó, giúp người học không còn bỡ ngỡ khi làm việc thực tế sau khi ra trường. Theo học ngành Quản lý tài nguyên rừng tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, sinh viên cũng có cơ hội thực tập và học tập nâng cao tại các nước như Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc, Bỉ”.

Cập nhật công nghệ hiện đại mở ra cơ hội tăng thu nhập

Các vấn đề về biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên thường thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi chương trình đào tạo ngành Quản lý tài nguyên rừng phải có sự linh hoạt và cập nhật liên tục. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ cũng tạo nên tác động không nhỏ đến ngành học.

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tiến Thịnh nhận định: “Sự phát triển của công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu sẽ giúp công tác quản lý tài nguyên rừng hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng các hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS), dữ liệu ảnh máy bay (drone/UAV), viễn thám, trí tuệ nhân tạo AI, thuật toán học máy machine learning, hệ thống giám sát bằng camera hoặc âm thanh.

Sự hỗ trợ từ công nghệ giúp các công việc thuộc ngành Quản lý tài nguyên rừng bớt vất vả hơn nhưng cũng đòi hỏi sinh viên phải nắm vững các kiến thức, kỹ năng về công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Trong tương lai, ngành Quản lý tài nguyên rừng có thể sẽ ngày càng có nhiều hợp tác với tổ chức trong nước và quốc tế thông qua các dự án về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, mở ra nhiều cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường”.

 Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực tế tại rừng ngập mặn Rú Chá (thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thành Phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: website nhà trường

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực tế tại rừng ngập mặn Rú Chá (thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thành Phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: website nhà trường

Đối với yêu cầu công việc ngành Quản lý tài nguyên rừng trong thực tiễn, bà Trần Thị Quỳnh Giang cho biết: “Doanh nghiệp cần nhân sự ngành Quản lý tài nguyên rừng thực sự hiểu ngành, nắm vững các kiến thức được đào tạo trong nhà trường chứ không phải là học thuộc lòng và ghi nhớ ngắn hạn.

Ngoài ra, các kỹ năng tại thực địa như đọc bản đồ, sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và một số kỹ năng mềm cũng cần được ứng viên quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, hiện nay là thời kỳ phát triển công nghệ, việc hiểu và nắm rõ về hệ thống thông tin địa lý (GIS) cũng sẽ giúp ứng viên dễ dàng đáp ứng được yêu cầu công việc trong ngành ở hiện tại và cả tương lai.

Nhân sự ngành Quản lý tài nguyên rừng phải có đủ sự tự tin, quyết tâm và ham học hỏi cũng như cố gắng phấn đấu cho mục tiêu đã được đặt ra để có thể làm việc lâu dài trong ngành. Chúng tôi có câu “thực lực đi đôi với quyền hạn và quyền lợi”. Nếu ứng viên có đủ nền tảng, có đủ năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò được giao thì không chỉ trong lĩnh vực lâm nghiệp mà ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều có không gian để thể hiện và phát triển bản thân”.

Trịnh Chinh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhieu-hs-khong-chon-hoc-quan-ly-tai-nguyen-rung-vi-so-phai-vao-vung-sau-vung-xa-post248747.gd
Zalo