Hàng loạt trường đại học mở thêm ngành về vi mạch bán dẫn
Nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, năm 2025, hàng loạt trường đại học lớn thông báo mở thêm ngành học mới liên quan đến vi mạch bán dẫn.
Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, năm 2025 sẽ tuyển sinh đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn. Chương trình được phát triển trên nền tảng của ngành Kỹ thuật Điện tử - viễn thông. Chương trình đào tạo cũng sẽ được cập nhật liên tục những tiến bộ mới nhất trong công nghệ bán dẫn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn trên thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Ở khu vực phía Bắc, năm 2025, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 4.995 sinh viên vào 50 ngành, chương trình đào tạo đại học chính quy thuộc 9 lĩnh vực, trong đó có 5 ngành mới: Công nghệ sinh học, Vật lí học (vật lí bán dẫn và kỹ thuật), Lịch sử, Xã hội học, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
![Nhiều trường đại học mở thêm các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn năm 2025 (Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_65_51429762/ed4d55476f098657df18.jpg)
Nhiều trường đại học mở thêm các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn năm 2025 (Ảnh minh họa)
Trong đó, với ngành Vật lý học (Vật lý bán dẫn và kỹ thuật), Trường ĐH Sư phạm dự kiến tuyển sinh 120 chỉ tiêu cho 3 phương thức gồm xét tuyển thẳng thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội (24 chỉ tiêu), xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực (36 chỉ tiêu), xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 (60 chỉ tiêu).
Tương tự, Trường Đại học Việt Nhật – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang nghiên cứu mở mới chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn, và dự kiến sẽ tuyển 100 chỉ tiêu cho năm học 2025 – 2026.
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2025, Trường Đại học Công nghệ mở 4 ngành học mới, trong đó có 3 ngành rất gần với lĩnh vực vi mạch bán dẫn, gồm: Công nghệ kỹ thuật Điện tử – Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch, Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử), Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu).
Trước đó, ở hầu hết chương trình đào tạo của nhà trường sinh viên đều có thể tiếp cận với lĩnh vực bán dẫn khi tốt nghiệp như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, các chương trình gắn kết phần mềm với phần cứng như Mạng máy tính và Truyền thông, Kỹ thuật máy tính, Điện tử viễn thông, Kỹ thuật robot, Cơ điện tử, Cơ kỹ thuật, Vật lý kỹ thuật, Công nghệ vật liệu,… Tốt nghiệp những ngành này sinh viên đều có thể tham gia vào các khâu khác nhau trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, bao gồm các định hướng thiết kế chế tạo thiết bị tích hợp (IDM), thiết kế không xưởng (fabless design), gia công sản xuất (foundry), thiết kế chế tạo thiết bị và công cụ ứng dụng trong ngành bán dẫn (tool manufacturer).
GS.TS Chửi Đức Trình cũng nhận định, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng thể hiện trong chất lượng nguồn nhân lực và vị thế địa chính trị để phát triển công nghiệp bán dẫn. Thời gian vừa qua, nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn về vi mạch bán dẫn cũng như lãnh đạo các trường đại học lớn trên thế giới khi đến thăm, làm việc tại nước ta đều nhận định đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam bước chân vào sâu hơn trong công nghiệp bán dẫn. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam bứt phá.
"Vi mạch bán dẫn là nền tảng của cách mạng công nghiệp. Thực tế thấy rằng, quốc gia nào tham gia sâu vào quy trình thiết kế chế tạo vi mạch bán dẫn thì quốc gia ấy phát triển. Trong thời gian qua, chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang có sự dịch chuyển rất mạnh do hai yếu tố gồm sự đứt gãy sau đại dịch Covid-19 và sự đấu tranh địa chính trị giữa các nước. Về bối cảnh trong nước, bên cạnh các chính sách quan trọng đã được ban hành, chúng ta cũng đang đón chờ một sự chuyển giao công nghệ, xây dựng hệ sinh thái toàn diện từ các doanh nghiệp lớn đến đầu tư FDI và của chính từ doanh nghiệp Việt Nam. Dù ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam tham gia khá muộn so với thế giới, nhưng chúng ta đang đứng trước cơ hội “nghìn năm có một”. Mục tiêu của chúng ta là đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn", GS.TS Chử Đức Trình nói.
Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần chớp lấy cơ hội, xây dựng các chương trình đào tạo gắn với chất lượng cao, gắn với đào tạo tài năng để đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao dẫn dắt toàn bộ hệ thống công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Anh Dũng cũng nhận định, ngành công nghiệp bán dẫn, với vai trò là nền tảng của hầu hết các công nghệ hiện đại, đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và công nghệ toàn cầu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 04/12/2024 về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về việc thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ GD-ĐT đã thành lập Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn. Chuẩn này không chỉ là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, mà còn là nền tảng để thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo thí điểm, chương trình đào tạo thứ hai, và chương trình đào tạo liên thông liên quan đến vi mạch bán dẫn.
“Đối với Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng để triển khai thành công và nắm bắt cơ hội liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn chính là việc chuẩn bị nguồn nhân lực. Và để làm được việc này thì ngành phải trông cậy vào các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ, trong đó có vi mạch bán dẫn”, Phó Vụ trưởng Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.
Trước đó, tháng 9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
Theo Quyết định, mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn. Trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.