Do ảnh hưởng cơn bão số 3, đầu tháng 9, tại khu vực đồi Cây Đa Bái Rài thuộc xóm Rài, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn xuất hiện nhiều vết nứt lớn, tình trạng sụt lún, sạt lở phát triển theo từng ngày gây nguy cơ mất an toàn cho hàng trăm người dân sống xung quanh.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Hòa Bình, hiện tượng sụt lún tại xóm Rài xảy ra trên diện tích khoảng 7ha; các vết nứt dài từ 1 - 3m, sâu từ 2 - 3m; các rãnh nứt nối nhau dài trên 800m dẫn đến nguy cơ sạt trượt trên diện rộng đặc biệt khi có mưa, đất đá bão hòa nước.
Tình trạng này ảnh hưởng đến 111 hộ với 539 nhân khẩu, trong đó có 60 hộ với 278 nhân khẩu phải di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ngày 22/9, phóng viên Báo Tiền Phong đã có mặt tại xóm Rài, xã Tuân Đạo, theo ghi nhận, hàng chục ngôi nhà dọc tuyến đường bên dưới đồi Cây Đa Bái Rài trong tình trạng cửa đóng then cài. Những hộ dân này đều đã được chính quyền vận động sơ tán đến nơi an toàn.
Một số người dân đang di dời những vật dụng, tài sản cuối cùng trong nhà.
Hiện tượng sụt lún đã khiến nhiều ngôi nhà bị nứt, nghiêng và hư hỏng một số hạng mục.
Xây dựng ở lưng chừng đồi, ngôi nhà của anh Bùi Văn Dương (32 tuổi, trú tại xóm Rài, xã Tuân Đạo) vừa được hoàn thiện được khoảng 1 tuần thì cơn bão số 3 ập đến. Sau vài ngày mưa lớn, dưới nền nhà phát ra tiếng tanh tách, chỉ vài giờ sau những viên gạch bắt đầu nứt vỡ, nhô lên. Phía sau nhà cũng xuất hiện sụt lún đất.
“Ngôi nhà của tôi có chi phí xây dựng hơn 400 triệu đồng, đây là số tiền vợ chồng tôi tích góp nhiều năm và vay nợ của ngân hàng chính sách. Thế nhưng, trước tình trạng sạt lở gia đình tôi nguy cơ trắng tay, không có đất dựng nhà đồng thời còn ôm một khoản nợ lớn”, anh Dương bộc bạch.
Tương tự, gia đình ông Bùi Văn Tính vừa chuyển về sống tại căn nhà mới xây được 2 tuần thì thiên tai xảy ra. Quả đồi sau nhà sụt lún khiến phần móng và nền nhà bị nứt nhiều vị trí; các bức tường kiên cố cũng bị xô dịch, tách rời nhau.
Sau khi được chính quyền vận động, gia đình ông Tính đã di dời tất cả tài sản đến nơi an toàn. Thế nhưng tài sản lớn nhất là ngôi nhà phải bỏ lại, mặc thiên tai tàn phá trong nỗi xót xa.
Ngoài gia đình anh Dương và ông Tính, tại xóm Rài còn không ít những trường hợp bị mất nhà cửa do thiên tai. Một số công trình còn đang xây dựng dở dang mà chủ nhà phải "bỏ của chạy lấy người".
“Nhà tôi dự kiến xây 3 tầng để ở và kinh doanh, đến nay 2 tầng đã hoàn thiện đang định xây tiếp thì xảy ra sạt lở. Vốn liếng cả đời người dành dụm cũng từ đó mà bị chôn vùi. Buồn vì chuyện này mà nhiều ngày qua tinh thần của tôi giảm sút, cứ nghĩ đến cảnh mình bị trắng tay thì chẳng thiết làm gì nữa”, ông Bùi Văn Nhiễn (44 tuổi, trú xóm Rài) chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Thứ - Bí thư chi bộ xóm Rài cho biết: "Khoảng 1 năm nay, trong xóm có khoảng hơn 20 căn nhà (trong tổng số 111 hộ bị ảnh hưởng do sụt lún) vừa được xây dựng xong. Người dân vùng cao làm được căn nhà kiên cố rất khó khăn, ngoài việc đi làm tích góp còn phải vay mượn rất nhiều. Thiên tai ập đến đã lấy đi tài sản lớn nhất của họ".
Hiện sau khi đi sơ tán, đa phần các hộ dân ở xóm Rài đến các nhà văn hóa lân cận và nhà người thân để lánh nạn. Một số hộ phải dựng lều tạm để ở do những nơi ở trên đã quá tải.
Đến sáng nay (22/9) tại khu vực đồi Cây Đa Bái Rài trời đang mưa to, sụt lún diễn ra với tốc độ nhanh hơn và hiện có thêm 3 hộ bị đất đá sạt vào nhà. Một số mạch nước trên đồi mới được hình thành.
Theo lãnh đạo UBND huyện Lạc Sơn, hiện các lực lượng chức năng của huyện và xã đang duy trì trực đảm bảo an ninh trật tự khu vực có nguy cơ sạt lở. Địa phương cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân tại xóm Rài, xã Tuân Đạo.
Trước đó, ngày 20/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở đất, đá tại khu vực xóm Rài, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn.
Video phóng viên ghi nhận tại xóm Rài, xã Tuân Đạo.
Trần Trọng