Nhiều hệ lụy từ các dự án 'tồn kho' tại TPHCM
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2015-2023, TPHCM có 138 dự án nhà ở thương mại được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, nhưng thực tế chỉ có 52 dự án đang triển khai thực hiện.
Trong khi đó, có đến 86 dự án nhà ở thương mại đã ngưng thi công hoặc chưa thi công, còn đường gọi là dự án “tồn kho”. Các dự án này bao gồm 30 dự án đã ngưng thi công (quy mô 210,3ha), 56 dự án chưa thi công (quy mô 754,08ha). Trong số 56 dự án chưa thi công, có dự án vẫn còn đang giải phóng mặt bằng như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu dân cư Tân Tạo (Khu A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) có quy mô diện tích đất rất lớn, lên đến 329,96 ha.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, 86 dự án “tồn kho” do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do “vướng mắc pháp lý”. Hiện nay với hệ thống các luật, văn bản dưới luật vừa ban hành sẽ cơ bản được giải quyết trong thời gian tới.
Thế nhưng, với việc có đến 86 dự án “tồn kho” trong giai đoạn 2015-2023 đã dẫn đến các hệ quả tiêu cực. Cụ thể, với tổng quy mô sử dụng đất "tồn kho” lên đến 964,38ha dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai. Bởi điều này vi phạm nguyên tắc “sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả” của Luật Đất đai.
Đặc biệt, với tổng số nhà ở “tồn kho” của 86 dự án lên đến 54.051 căn sẽ làm tăng tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở và tình trạng mất cân đối sản phẩm. Từ đó dẫn đến tình trạng “lệch pha” về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu nhà ở bình dân và cũng là nguyên nhân chủ yếu làm cho giá nhà tăng liên tục.
Hệ quả lớn nữa là có đến 86 chủ đầu tư rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bị mất cơ hội kinh doanh, bị “chôn vốn” mà nguồn lực của doanh nghiệp cũng là nguồn lực của nền kinh tế, của xã hội. Do vậy, HoREA đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương vào cuộc tháo gỡ khó khăn để tái khởi động lại các dự án “tồn kho” này.
Theo ông Châu, xu thế phục hồi, tăng trưởng trở lại của thị trường BĐS TPHCM và cả nước kể từ quý II cho đến nay là chắc chắn và không thể đảo ngược. Thế nhưng, thị trường BĐS sẽ vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2025.
Nguyên nhân là từ khoảng tháng 8 đến cuối năm 2025 là thời điểm tập trung đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sau 2 năm được gia hạn theo Nghị định 08 với tổng giá trị lên đến khoảng 180.000 tỷ đồng, cao nhất trong giai đoạn 2023-2025. Kế đến là "độ trễ” của các luật, văn bản dưới luật vừa ban hành; tình trạng trì trệ trong công tác thực thi pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện dự án phải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn nên mất nhiều thời gian, nhất là giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến lúc được cấp phép xây dựng.
Từ thực tế này, Chủ tịch HoREA kiến nghị, để cho các luật, văn bản dưới luật vừa được ban hành sớm đi vào cuộc sống và để khắc phục các bất cập... Chính phủ và Bộ TNMT cần quan tâm chỉ đạo xây dựng “Bảng giá đất lần đầu” theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và phù hợp với thực tiễn của địa phương để áp dụng kể từ ngày 1-1-2026.
Với tinh thần thực sự cầu thị, “sai đâu sửa đó", "sai của cấp nào thì cấp đó sửa”, HoREA đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi một số quy định “bất cập” hoặc chưa sát với thực tiễn của luật, văn bản dưới luật nhằm xây dựng và phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đồng thời, HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp BĐS luôn luôn hành động trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tôn trọng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; nỗ lực tối đa để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm BĐS, nhà ở thương mại hướng đến nhu cầu thực và “kéo giảm giá nhà” về mức hợp lý.