Nhiều giải pháp thực hiện Chương trình 'Xóa nhà tạm'
ĐTO - Cuộc vận động thực hiện Chương trình “Xóa nhà tạm” trên địa bàn huyện Cao Lãnh giai đoạn 2024 - 2029 và định hướng đến năm 2030 nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện và sự đồng tình hưởng ứng của các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội huyện và Nhân dân. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn được sửa chữa, xây dựng căn nhà kiên cố, ổn định đời sống.

Quang cảnh lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ cận nghèo thuộc Chương trình “Xóa nhà tạm” tại xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh (Ảnh: CTV)
UBND huyện tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quyết định số 3038-QĐ/HU thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Cao Lãnh theo đúng tiến độ. Có 18/18 xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo phối hợp thực hiện các bước theo kế hoạch công việc, tiến hành rà soát đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Cấp ủy, chính quyền các cấp tại huyện Cao Lãnh xác định nhiệm vụ xóa nhà tạm là nhiệm vụ quan trọng cần có sự chung sức, vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên nắm thông tin, kịp thời giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong các cuộc họp, hội nghị, các Chương trình “Xóa nhà tạm” được các ngành chức năng thông tin thường xuyên đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân để tranh thủ vận động các nguồn lực đóng góp xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Song song đó, công tác rà soát phải thực hiện đúng các trường hợp, hoàn cảnh thực tế; công khai, dân chủ, minh bạch; kết hợp việc vận động, huy động các nguồn lực của người dân trong, ngoài huyện. Qua khảo sát, có 180 nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu xây mới và sửa chữa năm 2025 được phân loại theo từng trường hợp cụ thể như: hộ nghèo, hộ cận nghèo; xây dựng mới, sửa chữa nhà.
Cùng với địa phương thực hiện Chương trình “Xóa nhà tạm” Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phân bổ về huyện 41 căn; Hội Chữ thập đỏ tỉnh phân bổ về huyện 10 căn; sử dụng nguồn Quỹ Vì người nghèo huyện để xây dựng 2 căn; chính quyền địa phương các xã, thị trấn vận động xã hội hóa 3 căn. Các ngành, đơn vị liên quan đã xây dựng, bàn giao 8 căn nhà cho hộ nghèo tại các xã: Gáo Giồng, Bình Hàng Tây, Phương Trà, Mỹ Hội, tổng kinh phí thực hiện hơn 1,1 tỷ đồng. Đối với các trường hợp là hộ cận nghèo, đã xây dựng, bàn giao 17 căn tại các xã: Phong Mỹ, Phương Trà, Gáo Giồng, Bình Hàng Tây, Mỹ Hội, Mỹ Long, thị trấn Mỹ Thọ; có 1 căn đang khởi công, xây dựng tại xã Mỹ Long. Tổng kinh phí thực hiện xây dựng nhà cho các hộ cận nghèo hơn 1,8 tỷ đồng. Đối với các hộ gia đình người có công với cách mạng, đã xây dựng, sửa chữa, bàn giao 102 căn, tổng trị giá hơn 3,8 tỷ đồng.
Hoạt động bàn giao nhà được đại diện chính quyền địa phương, các đơn vị tài trợ, mạnh thường quân cùng tham gia, tổ chức, qua đó, tạo không khí ấp áp, nghĩa tình góp phần động viên hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực hơn nữa để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn như: người dân không có đất, thiếu nguồn vốn đối ứng để xây dựng nhà...
Trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Cao Lãnh, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tiếp tục tuyên truyền chủ trương của Cuộc vận động thực hiện Chương trình “Xóa nhà tạm”. Phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đổi mới của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, huy động sự tham gia của cộng đồng, thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công công trình và kiểm tra, giám sát sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định. Đồng thời khuyến khích, vận động gia đình, dòng họ cùng chia sẻ, hỗ trợ ngày công, nguồn kinh phí đối ứng để căn nhà thêm khang trang.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tham gia ủng hộ kinh phí, vật liệu, ngày công để thực hiện Chương trình “Xóa nhà tạm”. Đồng thời chỉ đạo quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí theo quy định. Huy động sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, các đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong quá trình thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tạo điều kiện tốt nhất giúp người nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn “an cư lạc nghiệp”, có nơi ở ổn định, yên tâm mưu sinh, vượt khó, thoát nghèo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.