Casumina lợi nhuận quý IV/2024 giảm sâu so với cùng kỳ
Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina; mã CSM) công bố lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 giảm 41,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo kết quả kinh doanh quý IV/2024, Casumina ghi nhận doanh thu 1.192 tỷ đồng, giảm 6,75% (tương ứng 86,3 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế là 17,6 tỷ đồng, giảm 28,71% so với cùng kỳ, phản ánh tác động từ việc doanh thu giảm trong khi chi phí quản lý gia tăng, do tăng các khoản chi phúc lợi cho người lao động. Lợi nhuận sau thuế đạt 12,8 tỷ đồng, giảm 41,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, giá vốn hàng bán giảm nhẹ 3,65% (tương ứng 40 tỷ đồng), nhờ tối ưu chi phí sản xuất. Doanh thu tài chính tăng mạnh 116,77% (17,7 tỷ đồng), nhờ đánh giá chênh lệch tỷ giá theo quy định. Chi phí tài chính giảm 20,14% (7,5 tỷ đồng), chủ yếu do lãi vay giảm mạnh 32,22%. Chi phí bán hàng, giảm 28,78% (20,5 tỷ đồng), do công ty thực hiện chính sách tối ưu hóa chi phí bán hàng.
Dù lợi nhuận quý IV giảm mạnh, song cả năm 2024, Casumina đạt lợi nhuận sau thuế 76,3 tỷ đồng, tăng 15,9 tỷ đồng (26,4%) so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 89,1 tỷ đồng, tăng 18,9 tỷ đồng (+26,92%) so với năm 2023, trong khi doanh thu thuần cả năm đạt 4.712 tỷ đồng, giảm 522,7 tỷ đồng (-9,99%) so với năm trước. Kết quả này cho thấy, Casumina đạt hiệu quả trong kiểm soát chi phí tài chính và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
Cổ phiếu CSM của Casumina được quan tâm trở lại trên thị trường thời gian gần đây khi nhu cầu lốp PCR sử dụng cho xe điện tăng cao. Nhu cầu lốp PCR của Việt Nam năm 2024 ước tính khoảng 2 triệu lốp, tổng năng lực của Casumina chỉ đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu, chưa kể doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu tương đối lớn.
Lốp PCR của Casumina là dòng sản phẩm Advenza là dòng lốp được ưu tiên cho xe điện, bán chạy thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau hai thương hiệu Bridgestone và Michelin. Với dòng sản phẩm VF3 và VF5 của Vinfast được tiêu thụ nhiều, nhu cầu lốp PCR sẽ tiếp tục tăng. CSM còn có lợi thế khi là nhà sản xuất trong nước tiết kiệm được chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển.
Casumina dự kiến di dời hai nhà máy tại Đồng Nai ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1, ưu tiên chuyển hoạt động sang nhà máy Radial tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Việc này giúp tối ưu chi phí và nâng công suất lên gấp 3 lần.
Dự kiến, hết năm 2026, khấu hao nhà máy và máy móc đầu tư mới sẽ gần như hết, thúc đẩy tăng trưởng biên lợi nhuận cao hơn trong thời gian sau đó cho Casumina.
Tại thời điểm quý IV/2024, Casumina có khoản vay và nợ vay tài chính 1.868 tỷ đồng giảm nhẹ so với quý trước, nhưng tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu vẫn ở mức cao là 1,8 lần, dù đã giảm so với mức 2,22 lần của quý IV/2022.