Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Sáng 26/12, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội nghị nghiệm thu Đề tài khoa học cấp Bộ 'Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong giai đoạn hiện nay'.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tiến Đạt.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tiến Đạt.

Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu Đề tài, ThS Nguyễn Duy Khánh, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam thông qua giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) đã được triển khai thực hiện rộng rãi, phổ biến, thường xuyên ở cơ sở, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên thực tế, góp phần thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy giám sát trực tiếp của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, thực hiện có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

ThS Nguyễn Duy Khánh, Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu Đề tài.

ThS Nguyễn Duy Khánh, Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu Đề tài.

Nhằm phát huy hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam nói chung và của Ban GSĐTCCĐ nói riêng, Đề tài đã tập trung đánh giá tổng thể về thực trạng và nghiên cứu chuyên sâu, tìm ra các giải pháp khả thi, phù hợp với thực tiễn tại các địa phương, cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban GSĐTCCĐ đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ giám sát của MTTQ Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Đề tài đã chỉ ra 9 giải pháp cơ bản bao gồm: đổi mới và nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân về GSĐTCCĐ; tiếp tục hoàn thiện pháp luật và áp dụng hiệu quả các quy định của pháp luật vào thực tế hoạt động GSĐTCCĐ; tăng cường năng lực chuyên môn, bản lĩnh cho các thành viên Ban GSĐTCCĐ; tăng cường vai trò của các chủ thể đối với tổ chức và hoạt động của Ban GSĐTCCĐ; giải pháp về công tác tổ chức cán bộ; bảo đảm kinh phí và các điều kiện cho hoạt động giám sát của Ban GSĐTCCĐ; hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban GSĐTCCĐ tại xã, phường, thị trấn cho phù hợp với các quy định mới của pháp luật và điều kiện thực tiễn tại cơ sở; tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với chính quyền các cấp và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác GSĐTCCĐ; xác định những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các hoạt động giám sát của Ban GSĐTCCĐ trong toàn hệ thống Mặt trận.

Các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến phản biện tại Hội nghị.

Các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến phản biện tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, đóng góp ý kiến phản biện đối với nội dung nghiên cứu của Đề tài. Đa số đại biểu cho rằng Đề tài đã làm rõ tính cấp thiết, xác định đúng những yêu cầu về lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với công tác GSĐTCCĐ, minh họa bằng nhiều ví dụ sinh động từ thực tế ở cơ sở, ghi nhận nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu chuyên sâu, từ đó chỉ ra nhiều giải pháp có tính khả thi cao nhằm nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Ban GSĐTCCĐ.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, nội dung nghiên cứu của Đề tài rất thiết thực, phù hợp với yêu cầu của công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt đáp ứng được yêu cầu từ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước quy định về phát huy quyền làm chủ của người dân, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong tham gia quản lý xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, phương pháp nghiên cứu của Đề tài rất khoa học, với đầy đủ cơ sở lý luận, tài liệu tham khảo. Đồng thời nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực tiễn trong quá trình nghiên cứu, thể hiện thông qua những số liệu xác thực, có độ tin cậy cao nêu trong Đề tài. Đề tài đã đề ra những giải pháp phù hợp, có tính khả thi, giúp Ủy ban MTTQ các cấp áp dụng để hướng dẫn, theo dõi hoạt động của Ban GSĐTCCĐ, góp phần thực hiện hiệu quả hơn công tác GSĐTCCĐ ở cơ sở.

Từ những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong Hội đồng nghiệm thu, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, nhóm nghiên cứu cần nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện, làm rõ thêm một số nội dung, lưu ý văn phong diễn đạt phù hợp đối với đề tài nghiên cứu khoa học; đồng thời cần đưa các giải pháp thành từng nhóm cụ thể, đảm bảo tính chặt chẽ và dễ dàng triển khai trên thực tế.

Qua bỏ phiếu, Hội đồng nghiệm thu đã công nhận Đề tài đạt loại khá.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh tặng hoa chúc mừng Ban Chủ nhiệm Đề tài.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh tặng hoa chúc mừng Ban Chủ nhiệm Đề tài.

Tiến Đạt

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhieu-giai-phap-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-ban-giam-sat-dau-tu-cua-cong-dong-10269929.html
Zalo