Nhiều gia đình hoang mang trước 'ma trận' thực phẩm chức năng cho trẻ nhỏ
Thị trường thực phẩm chức năng dành cho trẻ em tại Việt Nam đang tồn tại những vấn đề nghiêm trọng về quảng cáo sai sự thật khiến các phụ huynh vô cùng hoang mang.
Quảng cáo thổi phồng công dụng đến mạo danh chuyên gia
Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) dành cho trẻ em tại Việt Nam hiện đang tồn tại tình trạng quảng cáo sai sự thật và loạn giá, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân sử dụng chiêu trò mạo danh chuyên gia, bác sĩ, hoặc các cơ sở y tế nổi tiếng để tăng niềm tin và bán sản phẩm. Các sản phẩm thường được giới thiệu là "thần dược", có khả năng điều trị bệnh hoặc cải thiện sức khỏe nhanh chóng, nhưng thực tế có thể gây nguy hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.
Một số quảng cáo còn thiết kế trang web giống hệt của các bệnh viện lớn, sử dụng hình ảnh bác sĩ nổi tiếng hoặc các chức danh chuyên môn cao để tạo uy tín giả. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ bị mạo danh không hề hay biết, và những sản phẩm được quảng bá sai sự thật này không được kiểm duyệt hoặc chứng minh chất lượng bởi cơ quan chức năng.
Trước thực trạng đó, các chuyên gia và cơ quan chức năng, như Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm, đã yêu cầu tăng cường kiểm tra và xử phạt mạnh tay với các hành vi quảng cáo sai lệch.
Luật Quảng cáo tại Việt Nam quy định rõ ràng rằng mọi nội dung quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng phải được phê duyệt trước khi công bố. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có thể xử lý hình sự đối với những tổ chức hoặc cá nhân gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tài chính cho người dân.
Để bảo vệ bản thân, phụ huynh được khuyến cáo cần kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm, xác minh tính pháp lý qua các cổng thông tin của cơ quan chức năng, và tránh mua hàng từ các nguồn không rõ ràng trên mạng xã hội. Việc tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế uy tín trước khi sử dụng thực phẩm chức năng cho trẻ em là rất cần thiết.
Trên các diễn đàn và hội nhóm mạng xã hội, hình ảnh những đứa trẻ bụ bẫm, khỏe mạnh được quảng bá đi kèm với các lời giới thiệu về TPCN “thần thánh”.
Những sản phẩm như BioAmicus, Fitobimbi hay các loại vitamin, men tiêu hóa nhập khẩu được tung hô với công dụng vượt trội, từ tăng chiều cao, cải thiện trí nhớ đến nâng cao sức đề kháng. Giá bán dao động từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng/lọ, được quảng cáo rao bán khắp các nền tảng mạng xã hội.
Nhiều trang mạng và fanpage không ngại sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để tăng uy tín cho sản phẩm. Một số website còn giả danh bệnh viện nổi tiếng, khiến phụ huynh lầm tưởng sản phẩm đã được kiểm định.
Trong thực tế, nhiều sản phẩm không được cấp phép lưu hành hoặc không có chứng nhận chất lượng rõ ràng nhưng vẫn quảng cáo như thần dược.
Các quảng cáo thường đưa ra những tuyên bố như: “Giải pháp tăng đề kháng vượt trội cho trẻ”; “Công nghệ bào chế tinh khiết, giúp canxi hấp thu tối ưu”. Thậm chí, các hình thức bán hàng qua mạng xã hội ngày càng tinh vi, kết hợp với chương trình giảm giá, khuyến mãi khiến phụ huynh khó lòng kiểm chứng thông tin.
Chế tài pháp luật chưa đủ sức răn đe?
Theo Thông tư 08/2017/TT-BCT, các sản phẩm TPCN dành cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, nhiều công ty nhập khẩu và phân phối như Công ty TNHH Dược Hunmed không thực hiện đúng quy định. Điều này dẫn đến tình trạng loạn giá, gây bất bình ổn thị trường và khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến 9/8/2024, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành xử phạt hành chính 11 cơ sở hành nghề dược trên địa bàn thành phố với tổng số tiền lên đến 247 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến việc không tuân thủ các quy định pháp luật về thực hành tốt phân phối thuốc, quảng cáo sản phẩm không đúng quy định, bán thuốc kê đơn không có đơn thuốc, và không lưu giữ chứng từ liên quan đến lô thuốc theo quy định.
Một trong những trường hợp bị xử phạt là Công ty TNHH Dược Hunmed. Công ty này đã bị phạt 50 triệu đồng vì không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ về việc duy trì đáp ứng thực hành tốt phân phối thuốc theo quy định của pháp luật.
Tháng 8/2024, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã xử phạt Công ty TNHH Dermamed 140 triệu đồng do mắc nhiều sai phạm trong lĩnh vực Dược - Mỹ phẩm - Thiết bị y tế - Đấu thầu.
Theo đó, Công ty TNHH Dermamed (Tầng 7, Tòa nhà Etown 1, 364 Cộng Hòa, Phường 13, quận Tân Bình) đã thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc.
Cơ quan chức năng cũng đã buộc Công ty TNHH Dermamed nộp lại số tiền 233.990.000 đồng bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật.
Luật Quảng cáo và Nghị định 49/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật hoặc không kê khai giá. Tuy nhiên, mức phạt tối đa chỉ từ 50 đến 100 triệu đồng – con số nhỏ bé so với lợi nhuận khổng lồ từ việc bán TPCN với giá cao gấp 10 lần giá nhập khẩu.
Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Luật sư Đào Quốc Hưng (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: Doanh nghiệp không kê khai giá và tự ý định giá bán gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Hơn nữa, việc quảng cáo sai sự thật không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Phụ huynh cần cẩn trọng trong việc lựa chọn sản phẩm TPCN, chỉ mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định chất lượng bởi Bộ Y tế. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh “tiền mất, tật mang”.
Để kiểm soát thị trường, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt mạnh tay với các trường hợp vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền về nhận thức tiêu dùng.
Thực phẩm chức năng, nếu sử dụng đúng cách, có thể hỗ trợ tốt cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, khi thị trường bị chi phối bởi lợi nhuận, người tiêu dùng cần tự trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những sản phẩm “thổi phồng công dụng”, thiếu minh bạch.
Vào tháng 5/2024, Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” TPCN.
PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, thực trạng nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân ung thư.
Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo TPCN không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành TPCN, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 33 quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá. Thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải kê khai giá có thêm thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt (không chứa sữa).
Theo Thông tư, sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá, bao gồm các phân loại sản phẩm sau:
Sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành;
Sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ em dưới 06 tuổi nhưng không theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế hoặc Bộ quản lý ngành ban hành.
Thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá, bao gồm các phân loại sản phẩm sau:
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
Thực phẩm dinh dưỡng y học (còn gọi là thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt);
Thực phẩm bổ sung;
Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt (không chứa sữa).
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá
Thông tư 33 của Bộ Y tế nêu rõ sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá gồm các đặc điểm kinh tế - kỹ thuật sau:
1. Tên sản phẩm (tên gọi chi tiết);
2. Phân loại sản phẩm;
3. Dạng sản phẩm (dạng bào chế/ dạng dùng);
4. Số giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc số tự công bố sản phẩm.
Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Theo đó, Thông tư số 30/2013/TT-BYT ngày 04/10/2013 của Bộ Y tế ban hành Danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá và Thông tư số 22/2018/TT-BYT ngày 12/9/ 2018 của Bộ Y tế quy định Danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư 33 có hiệu lực.
Trong Thông tư 33, Bộ Y tế nêu rõ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai việc tiếp nhận kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai.
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế ban hành văn bản đề nghị Cơ quan được UBND cấp tỉnh phân công tiếp nhận kê khai giá gửi giá kê khai về Bộ Y tế (qua Cục An toàn thực phẩm) để đánh giá mức độ biến động mặt bằng giá thị trường và xây dựng báo cáo bình ổn giá.
Tổ chức, cá nhân công bố sữa và thực phẩm chức năng sử dụng cho trẻ em dưới 06 tuổi trong hồ sơ công bố và trên nhãn sản phẩm (bao gồm cả sản phẩm có công bố sử dụng cho nhiều lứa tuổi mà trong đó có lứa tuổi dưới 06 tuổi) có trách nhiệm gửi văn bản kê khai giá đến Cơ quan được UBND cấp tỉnh phân công tiếp nhận kê khai giá theo quy định tại khoản 1 Điều 17 và khoản 2 Điều 18 Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật giá.
Bộ Y tế giao Cục An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện Thông tư 33. Bộ Y tế cũng đồng thời nêu rõ, trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (qua Cục An toàn thực phẩm) để xem xét, giải quyết.
Như vậy, theo Thông tư 33, thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải kê khai giá có thêm thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt (không chứa sữa).
Trước đó, Thông tư số 30/2013/TT-BYT ngày 04/10/2013 của Bộ Y tế ban hành Danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá và Thông tư số 22/2018/TT-BYT ngày 12/9/ 2018 của Bộ Y tế quy định Danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá không có phân loại sản phẩm này.