Nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu sang Anh

Theo các chuyên gia kinh tế, sau hơn 3 năm thực thi, những kết quả tích cực Hiệp định UKVFTA mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Anh đã được khẳng định rõ ràng. Tuy nhiên, so với tiềm năng vẫn còn khiêm tốn, còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Anh.

5 tác động quan trọng của UKVFTA

Chia sẻ tại tọa đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh - Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin” diễn ra sáng ngày 30/10/2024, ông Vũ Việt Thành, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) khẳng định, sau hơn ba năm thực thi, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) đã có 5 tác động tích cực tới tình hình hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Anh.

Đó là, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh hưởng lợi rất nhiều; tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng của Anh vào Việt Nam; đầu tư của Anh vào Việt Nam là một điểm sáng; tác động tích cực về mặt thể chế; tác động quan trọng, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển, trưởng thành hơn.

Nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu sang Anh. Ảnh: minh họa

Nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu sang Anh. Ảnh: minh họa

3 năm thực thi UKVFTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trưởng trung bình 8,9%/năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm.

Đặc biệt, trong bối cảnh trao đổi thương mại của Việt Nam với hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm sụt giảm do căng thẳng địa chính trị và những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh là một điểm sáng.

UKVFTA đã trở thành cầu nối đưa hàng hóa thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Đặc biệt, sự hiện diện các thương hiệu hàng hóa Việt Nam khác nhau theo nhóm mặt hàng, đạt từ 12% - 19%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, da giày, các loại cơ khí, thủy sản, trong đó hưởng lợi nhiều là dệt may, da giày, nông thủy sản. Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo mẫu của hiệp định này hiện nay ở mức trên 30%, nghĩa là tăng trưởng ổn định dần đều qua các năm.

Với lộ trình cắt giảm thuế quan của UKVFTA, hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng lại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh.

Minh chứng điều này, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ghi nhận, lợi thế UKVFTA mang lại cho thủy sản Việt Nam rất lớn, bởi nhiều mặt hàng chủ lực thuế nhập khẩu đã chuyển về 0%. Cụ thể là tôm và cá tra. "Hiện nay mặt hàng tôm đang chiếm 70% tổng kim ngạch mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh và tiếp theo là mặt hàng cá tra cũng vậy, chiếm 20%..." - ông Hoài Nam nói.

Tăng khả năng thâm nhập thị trường Anh

Bên cạnh kết quả nổi bật đạt được, theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, thị phần hàng hóa của Việt Nam vẫn chiếm rất ít, chỉ khoảng gần 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Một trong những nguyên nhân là do chưa xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường Anh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa tập trung vào chiến lược và cách tiếp cận thông tin thị trường hiệu quả.

Thủy sản mặt hàng nhiều thế mạnh để xuất khẩu sang Anh. Ảnh: TL

Thủy sản mặt hàng nhiều thế mạnh để xuất khẩu sang Anh. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Cựu tham tán công sứ tại Anh đánh giá sự năng động của doanh nghiệp Việt, đặc biệt những doanh nghiệp trẻ, có những kỹ năng mới về công nghệ số, tiếp thị trên các nền tảng dựa trên kỹ thuật số, giúp việc tìm kiếm thông tin nhanh hơn và nhiều hơn so với các phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, ông Cảnh Cường lưu ý, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được trình độ và hiệu quả như những doanh nghiệp được tăng trưởng xuất khẩu sang Anh.

Ông Cảnh Cường chỉ ra một số hạn chế của doanh nghiệp Việt và khuyến nghị cần khắc phục. "Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu, tìm kiếm thông tin thị trường, kể cả những thông tin cơ bản nhất. Một số doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tốt nhưng không có phương pháp tiếp cận thị trường. Hạn chế trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin một cách có hệ thống từ các nguồn nước ngoài. Không nắm biết về các tiêu chuẩn thị trường, doanh nghiệp để lỡ cơ hội có thể kết nối được đối tác mua hàng tiềm năng" - ông Cảnh Cường nói.

Ở góc độ cơ quan nhà nước, ông Vũ Việt Thành cho biết, việc Anh gia nhập CPTPP và tác động tích cực từ Hiệp định UKVFTA sẽ tạo ra lợi ích song song, thúc đẩy tăng trưởng mới cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Anh.

Để tận dụng lợi thế từ CPTPP và UKVFTA các chuyên gia thương mại khuyến nghị, doanh nghiệp cần xác định rõ phân khúc thị trường của sản phẩm; có kế hoạch bài bản để nghiên cứu chuyên sâu về thị hiếu, xu hướng thị trường.

Đẩy mạnh công tác đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, phát triển các hệ thống sản xuất, chế biến sâu, tối ưu chu trình sản xuất để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, một thị trường tiêu thụ lớn hàng đầu trên thế giới như Anh.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-du-dia-de-doanh-nghiep-viet-gia-tang-xuat-khau-sang-anh-162831.html
Zalo