Tầm nhìn về thời trang Việt Nam: Ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa

Vừa qua, CEO Cảnh Nguyễn vừa đại diện Việt Nam tại BRICS+ Fashion Summit và ký hiệp ước thành lập Liên đoàn Thời trang Quốc tế BRICS, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thời trang thế giới.

Cảnh Nguyễn là một doanh nhân và nhà sáng lập của một thương hiệu thời trang cao cấp tiên phong tại Việt Nam. Bắt đầu làm nghề từ 17 tuổi, với hơn 16 năm kinh nghiệm trong ngành thời trang và marketing, Cảnh Nguyễn cũng tham gia giảng dạy tại các trường đại học lớn như: Đại học Văn Lang, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn, là diễn giả trong các sự kiện quốc tế, đồng thời giữ vai trò trưởng ngành thời trang tại Hiệp hội Thiết Kế VDAS HCM - Việt Nam và là thành viên tích cực của nhiều hiệp hội nước ngoài như EuroCham và CEEC.

Cùng trò chuyện với nam CEO trẻ tài năng:

Xin anhchia sẻ cảm nhận khi đại điện Việt Nam, lần đầu tiên tham gia ký hiệp ước thành lập Liên Đoàn Thời Trang BRICS+?

Ký kết hiệp ước thành lập Liên Đoàn Thời Trang BRICS+ là một bước đi chiến lược cho Việt Nam, đưa chúng ta vào một mạng lưới hợp tác quốc tế quy mô lớn. Được tham gia vào sự kiện quan trọng này, tôi thấy tự hào và xúc động khi thời trang Việt Nam không chỉ đứng vững mà còn phát triển mạnh mẽ trong một liên minh bao gồm các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, và Nam Phi và 60 quốc gia khác khắp các châu lục.

Đây là lần đầu tiên thời trang Việt được công nhận ở quy mô quốc tế trong một khối kinh tế mới nổi, mở ra nhiều tiềm năng hợp tác về công nghệ, thiết kế và phát triển bền vững.

CEO Cảnh Nguyễn có bài phát biểu tại BRICS+ Fashion Summit

CEO Cảnh Nguyễn có bài phát biểu tại BRICS+ Fashion Summit

Theo anh, sự kiện này mang lại ý nghĩa như thế nào cho ngành thời trang Việt Nam trên trường quốc tế?

Việc gia nhập Liên Đoàn Thời Trang BRICS+ giúp Việt Nam tiếp cận không chỉ các thị trường quốc tế mà còn một hệ sinh thái gồm các nhà thiết kế, thương hiệu, và nhà đầu tư từ hơn 60 quốc gia thành viên. Điều này không chỉ tạo điều kiện để thời trang Việt tiếp cận các công nghệ và xu hướng mới mà còn giúp Việt Nam định hình tiếng nói riêng trong các sáng kiến toàn cầu

Liên Đoàn Thời Trang BRICS+ sẽ hỗ trợ ngành thời trang Việt Nam như thế nào trong thời gian tới?

Liên đoàn này có mục tiêu thúc đẩy các thương hiệu thời trang địa phương qua các chương trình tài trợ và hỗ trợ đào tạo. Theo báo chí quốc tế, BRICS+ sẽ tập trung vào hỗ trợ tài năng trẻ, cung cấp công nghệ sản xuất tiên tiến và tài chính nhằm cải thiện sự hiện diện của các thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này mang lại cho ngành thời trang Việt Nam một nền tảng mạnh mẽ để tăng trưởng bền vững và hòa nhập vào hệ sinh thái thời trang toàn cầu.

Trong quá trình tham gia BRICS+ Fashion Summit, anhđã gặp gỡ và học hỏi được gì từ các đại diện quốc tế?

Tại hội nghị, tôi đã có cơ hội gặp gỡ với nhiều lãnh đạo và nhà sáng lập các tuần lễ thời trang, các giám đốc học viện thời trang từ các quốc gia khác, học hỏi thêm về tầm quan trọng của văn hóa bản địa trong thiết kế, cách họ thúc đẩy thời trang bền vững và xu hướng kinh doanh thời trang trong tương lai.

Tôi đã có những buổi gặp riêng với các lãnh đạo lớn như Chủ tịch liên đoàn may mặc quốc tế IAF Cem Altan, ông không chỉ có sự quan tâm đặc biệt đến tình hình kinh tế xã hội tại Việt Nam mà còn chú trọng đến lĩnh vực giáo dục, chúng tôi đã thảo luận về phương pháp thực hiện các dự án liên kết với các học viện thiết kế của IAF tại Paris.

Ngoài ra, tôi còn gặp Alexander Shumsky – Chủ tịch quỹ thời trang Brics+, cũng như bộ trưởng bộ văn hóa Nga Liubimova, câu chuyện của tương lai luôn là điều mọi người quan tâm, những influencer ảo, AI, thực tế ảo và thực tế tăng cường để mở ra những con đường mới cho ngành thời trang.

Anh có kế hoạch gì nhằm đưa tiếng nói thời trang Việt Nam vào các sáng kiến của BRICS+?

Anh có kế hoạch gì nhằm đưa tiếng nói thời trang Việt Nam vào các sáng kiến của BRICS+?

Trước tiên chúng ta phải biết điều Liên đoàn quan tâm lớn nhất là gì, và chúng ta đưa ra điều họ cần thì mới thực sự có tiếng nói hiệu quả. 2 vấn đề lớn mà BRICS+ quan tâm chính là “phát triển bền vững” và “di sản văn hóa”.

Kế hoạch của tôi là tích cực tham gia vào các hội nghị và diễn đàn của liên đoàn, đồng thời khuyến khích các nhà thiết kế Việt Nam tham gia những cuộc thi và sự kiện do BRICS+ tổ chức. Điều này sẽ giúp tiếng nói của thời trang Việt được lắng nghe và ghi dấu ấn trong các sáng kiến toàn cầu. Tôi mong muốn Việt Nam có thể đóng góp tích cực vào các sáng kiến như phát triển bền vững, bảo tồn giá trị văn hóa, và tăng cường giao lưu giữa các nhà thiết kế trong khối BRICS+.

Việc giới thiệu các bộ sưu tập áo dài truyền thống tại các sự kiện của BRICS+ hay chia sẻ kinh nghiệm sản xuất thân thiện môi trường là những mục tiêu tôi đặt ra để tăng cường tiếng nói của Việt Nam trong liên đoàn.

Anhcó thể chia sẻ về thông điệp chính của bài phát biểu tại BRICS+ Fashion Summit không?

Thông điệp chính trong bài phát biểu của tôi tại BRICS+ Fashion Summit là tầm nhìn về một nền thời trang tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, không chỉ bền vững mà còn ứng dụng công nghệ cao, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa.

Thông qua việc kết hợp chất liệu thân thiện với môi trường, AI và các yếu tố văn hóa truyền thống, chúng tôi mong muốn tạo ra một tiếng nói độc đáo, đưa thời trang Việt ra thế giới. Việc kết hợp công nghệ không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất mà còn mở ra cơ hội sáng tạo mới, từ đó Việt Nam có thể khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng thời trang toàn cầu của các nước Nam bán cầu.

Tầm nhìn của ông về ngành thời trang Việt Nam trong 10 năm tới là gì?

Trong 10 năm tới, tôi kỳ vọng Việt Nam trở thành một trung tâm thời trang châu Á, nổi bật nhờ sự hài hòa giữa yếu tố bền vững, di sản văn hóa, và công nghệ hiện đại như AI, blockchain, hay vật liệu thông minh. Khi có sự so sánh chi tiết thực tế về kỹ thuật các nước tại triễn lãm thời trang quốc tế, tôi khẳng định chúng ta có những đội ngũ sản xuất cực kỳ xuất sắc.

Với những nỗ lực phát triển kỹ thuật cao cấp, năng lực sáng tạo và tận dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, theo dõi vòng đời sản phẩm, giảm thiểu lãng phí, ngành thời trang Việt sẽ có khả năng cạnh tranh với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ trên thị trường quốc tế.

Cảm xúc của anh khi được chọn làm giám khảo trẻ nhất trong cuộc thi thiết kế VDAS của 20 trường đại học lớn nhất Việt Nam là gì?

Cảm xúc của anh khi được chọn làm giám khảo trẻ nhất trong cuộc thi thiết kế VDAS của 20 trường đại học lớn nhất Việt Nam là gì?

Được mời làm giám khảo trẻ nhất tại cuộc thi lớn quy tụ gần như toàn bộ các trường đại học có chuyên ngành thiết kế thời trang của VDAS là một vinh dự, nhưng cũng là trọng trách. Nó cũng là một sự ghi nhận rằng con đường làm việc về mảng giáo dục thời trang của tôi đã đi đúng hướng.

Vai trò này mang lại cho tôi cơ hội quan sát, truyền đạt kinh nghiệm và cũng học hỏi từ thế hệ trẻ đầy tài năng. Chính những sinh viên với sự sáng tạo và khao khát đóng góp đã mang đến niềm tin rằng ngành thời trang Việt đang phát triển mạnh mẽ và tiềm năng lớn.

Anh đánh giá thế nào về sự sáng tạo của các sinh viên tham gia cuộc thi?

Sự sáng tạo của các sinh viên tham gia cuộc thi là rất đáng ngưỡng mộ. Các bạn trẻ không ngừng thử nghiệm, pha trộn giữa văn hóa Việt Nam và phong cách hiện đại.

Điều này cho thấy sinh viên thời trang Việt không chỉ cập nhật xu hướng thế giới mà còn rất tôn trọng và làm nổi bật bản sắc địa phương, mở ra hướng đi mới cho thời trang Việt. Ngoài ra việc xây dựng cấu trúc, kết hợp vật liệu và định hướng phong cách cho các thiết kế của các bạn cũng rất đa dạng.

Theo anh, điều gì là quan trọng nhất mà sinh viên thời trang hiện nay cần chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai?

Theo anh, điều gì là quan trọng nhất mà sinh viên thời trang hiện nay cần chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai?

Để có sự nghiệp thời trang thành công bền vững, sinh viên cần rèn luyện sự hiểu biết về thị trường và khách hàng. Ngoài kỹ năng sáng tạo, hiểu rõ quy trình từ thiết kế đến kinh doanh cũng rất quan trọng. Điều này bao gồm cả khả năng thích ứng với công nghệ mới trong thiết kế, quản lý sản xuất, kỹ năng giao tiếp và xây dựng thương hiệu-nhân hiệu. Đây là những chuyên đề tôi thường xuyên nhấn mạnh khi giảng dạy.

Anh thường chia sẻ kinh nghiệm gì với sinh viên để giúp họ theo đuổi đam mê thời trang?

Tôi thường khuyên sinh viên rằng đam mê là khởi đầu, nhưng phải không ngừng trau dồi bản thân và mở rộng kỹ năng. Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp thiết kế thời trang, nhưng để làm được nghề và thành công với nghề thì chỉ chiếm không đến 1%.

Để có thể tồn tại lâu dài, kiến thức, kỹ năng, bản sắc, đạo đức là những yếu tố bắt buộc, thêm vào đó tôi muốn nhấn mạnh 2 yếu tố bổ trợ quan trọng chính là mối quan hệ và chiến lược phát triển. Thời trang là một ngành đầy thách thức, nhưng cũng rất ý nghĩa khi bạn dám thể hiện cá tính và đóng góp những gì mình học được.

Mạch Nhiên

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/van-hoa/tam-nhin-ve-thoi-trang-viet-nam-ung-dung-cong-nghe-cao-bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa/20241029045110605
Zalo