Nhiều dự án BOT ở Bình Dương đội vốn hàng nghìn tỷ đồng
Hai dự án lớn gồm đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn từ cầu Thủ Biên-Sông Sài Gòn) và dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đều ghi nhận mức đội vốn đáng kể.
Gần đây, tỉnh Bình Dương đã điều chỉnh tổng mức đầu tư của hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm theo phương thức đối tác công tư (PPP) với số vốn tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, hai dự án lớn gồm đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn từ cầu Thủ Biên-Sông Sài Gòn) và dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đều ghi nhận mức đội vốn đáng kể.
Điều này không chỉ đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân và cách quản lý chi phí lập kế hoạch đầu tư, mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là bài toán cân đối vốn đầu tư công của địa phương.
Đội vốn các dự án giao thông
Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên-Sông Sài Gòn.
Dự án này, ban đầu có tổng mức đầu tư 18.993 tỷ đồng, nay đã tăng lên 23.639,8 tỷ đồng. Sự điều chỉnh này bao gồm bổ sung quy mô đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, diện tích sử dụng đất và thời gian thực hiện dự án.
Tương tự, tại Kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương khóa X cũng thông qua quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Tổng mức đầu tư của dự án đã tăng vọt từ 1.367 tỷ đồng lên hơn 12.463 tỷ đồng. Điều chỉnh này không chỉ phản ánh sự thay đổi về quy mô mà còn liên quan đến các vấn đề giải phóng mặt bằng, bổ sung hạng mục xây dựng và điều chỉnh phương án tài chính.
Theo các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân khiến dự án hạ tầng bị đội vốn chủ yếu xuất phát từ giá nguyên vật liệu tăng cao, đặc biệt là sắt thép, ximăng, bêtông và các loại vật liệu xây dựng khác; do đó tác động trực tiếp đến tổng mức đầu tư.
Bên cạnh đó, chi phí giải phóng mặt bằng cũng cao hơn dự kiến do tốc độ đô thị hóa nhanh của Bình Dương, khiến giá đất tại nhiều khu vực tăng so với thời điểm lập kế hoạch ban đầu. Việc chi trả đền bù theo giá thị trường làm tổng mức đầu tư bị đẩy lên đáng kể...
Ngoài ra, trong quá trình triển khai, nhiều dự án phải điều chỉnh phạm vi và quy mô để đảm bảo hiệu quả khai thác. Chẳng hạn, dự án mở rộng Quốc lộ 13 không chỉ tập trung vào nâng cấp đường mà còn bổ sung hệ thống cầu vượt, vỉa hè, cây xanh và hệ thống thoát nước. Mặt khác, thủ tục hành chính và tiến độ triển khai cũng là yếu tố khiến chi phí tăng. Một số dự án bị kéo dài do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch dẫn đến chi phí lãi vay và chi phí quản lý dự án gia tăng.
Việc đội vốn không chỉ gây áp lực lên cân đối đầu tư công mà còn đặt ra bài toán tài chính cho tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, với các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), dù có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, nhưng phần vốn ngân sách vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể. Điều này khiến tỉnh phải chịu áp lực lớn hơn trong việc cân đối và phân bổ nguồn lực.
Đối với các dự án BOT, tổng mức đầu tư tăng có thể kéo theo thời gian thu phí kéo dài hoặc mức phí cao hơn, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải và sản xuất-kinh doanh.
Mặc dù đội vốn là một thách thức, nhưng nếu được quản lý tốt, các dự án giao thông quan trọng này vẫn mang lại lợi ích lâu dài. Khi hoàn thành, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp Bình Dương kết nối với các trung tâm kinh tế trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Giải pháp quản lý hiệu quả
Để hạn chế tình trạng đội vốn tại các dự án hạ tầng, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Theo các nhà chuyên môn, việc nâng cao chất lượng lập kế hoạch là yếu tố then chốt. Ngay từ khâu lập dự án, cần tính toán kỹ lưỡng để hạn chế điều chỉnh nhiều lần, tránh phát sinh chi phí không cần thiết.
Bên cạnh đó, kiểm soát giá vật liệu xây dựng, đấu thầu công khai, minh bạch và áp dụng hình thức cạnh tranh sẽ giúp kiểm soát chi phí đầu tư một cách hiệu quả. Khâu giải phóng mặt bằng cũng cần được đẩy nhanh và thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng kéo dài làm đội vốn; đồng thời, tăng cường giám sát tiến độ và chi phí thực hiện sẽ giúp hạn chế lãng phí, thất thoát vốn đầu tư.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lộc cho biết, việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh là cần thiết nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và kết nối vùng.
Hội đồng Nhân dân tỉnh đã xem xét kỹ lưỡng, cân đối nguồn lực, đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ mà không gây áp lực quá lớn lên ngân sách địa phương cũng như nhà đầu tư.
Đồng thời, Hội đồng Nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, công khai, minh bạch trong triển khai, tránh thất thoát, lãng phí, đảm bảo lợi ích cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Các sở, ngành cũng được yêu cầu nhanh chóng triển khai kế hoạch theo đúng Nghị quyết đã thông qua, đảm bảo các dự án hạ tầng sớm đi vào hoạt động, tạo động lực bứt phá cho Bình Dương trong thời kỳ phát triển mới.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh, trong năm 2025, địa phương tiếp tục ưu tiên đầu tư công với tổng nguồn vốn lên đến 36.000 tỷ đồng; trong đó, phần lớn dành cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Đây là chiến lược quan trọng giúp tạo bước đột phá về kết nối vùng, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng đô thị.
Các công trình như đường Vành đai 4, mở rộng Quốc lộ 13, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành sẽ được tập trung triển khai quyết liệt đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Bình Dương cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc thất thoát, lãng phí. Tỉnh sẽ tiếp tục thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân theo mô hình PPP nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. Việc phát triển hạ tầng giao thông bài bản không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc để Bình Dương phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng quy mô nền kinh tế ở mức hai con số trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, việc đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông đóng vai trò then chốt, tạo động lực cho nhiều lĩnh vực khác cùng chuyển dịch và phát triển. Tuy nhiên, tình trạng đội vốn tại các dự án BOT đặt ra thách thức lớn về quản lý tài chính và hiệu quả đầu tư.
Để đảm bảo các dự án thực sự mang lại lợi ích, chính quyền và các bên liên quan cần có những giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong thời gian tới./.