Thẩm tra dự án đường sắt trên 8,3 tỷ USD
So với tờ trình ngày 20/1 của Bộ Giao thông Vận tải, một số thông tin quan trọng của Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã có sự điều chỉnh.
![Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy báo cáo tại phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_72_51417501/2ace7c2e4560ac3ef571.jpg)
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy báo cáo tại phiên họp.
Sáng 7/2, Ủy ban Kinh tế đã họp phiên toàn thể thứ 21 thẩm tra tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tưDự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
So với tờ trình ngày 20/1 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), một số thông tin quan trọng của Dự án đã có sự điều chỉnh.
Trình bày Dự thảo tờ trình ngày 7/2 , Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, mục tiêu đầu tư là xây dựng tuyến đường sắt mới nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng.
Chiều dài tuyến chính dài 390,9 km21 và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km. Dự án đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là tuyến trục chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống đường sắt, tuyến có kết nối quốc tế, đối chiếu với tiêu chuẩn TCVN 8893:202023, tuyến đường sắt là đường sắt cấp 1 - khổ 1.435mm, ông Huy cho hay.
Dự án đề xuất tuyến chính tốc độ thiết kế 160km/h, đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội là 120km/h, các đoạn tuyến nối, tuyến nhánh, tốc độ thiết kế 80km/h.
Thứ trưởng Huy cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,369 tỷ USD). Tại tờ trình ngày 20/1 thì sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,027 tỷ USD).
Suất đầu tư Dự án khoảng 15,96 triệu USD/km, theo ông Huy đây là mức trung bình so với một số dự án đã triển khai khi quy đổi về thời điểm năm 2025.
Do Dự án có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật mới, lần đầu được triển khai ở Việt Nam và thời gian nghiên cứu ngắn37 nên quá trình triển khai, tổng mức đầu tư có thể biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan bất khả kháng hoặc yếu tố chủ quan (thay đổi quy hoạch, chính sách, chỉ số giá, thực hiện chính sách GPMB mới theo quy định của Luật Đất đai, triển khai GPMB chậm, nguồn vốn bố trí không đáp ứng,...). Sơ bộ tổng mức đầu tư này chưa tính chi phí chuyển giao công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất cho tổ hợp nhà máy sản xuất đầu máy, toa xe – theo thuyết minh tại tờ trình.
Đề cập khả năng cân đối vốn, Thứ trưởng Huy cho hay, trong kỳ trung hạn 2021 – 2025 nhu cầu vốn cho dự án khoảng 128 tỳ đồng đã Chính phủ cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT.
Giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn khoảng 177.282 tỷ đồng và giai đoạn 2031- 2035 nhu cầu vốn khoảng 25.821 tỷ đồng. Theo quy định của Luật Đầu tư công, hiện nay Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trên cơ sở khả năng cân đối vốn, đánh giá tác động đến bội chi ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công. Do đây là dự án đặc biệt ưu tiên nên Chính phủ sẽ cân đối để trình Quốc hội quyết định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm từng thời kỳ trên nguyên tắc bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng chính sách đặc thù, đặc biệt, tức là dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, ông Huy giải thích.
Về tiến độ, theo kiến nghị của Chính phủ, dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2030.
Đồng tình cao với chủ trương đầu tư dự án, song một số vị đại biểu đang công tác tại địa phương đề nghị cần làm rõ hơn một số quy định về giải phóng mặt bằng, khai thác mỏ vật liệu... để thống nhất trong quá trình thực hiện.
Trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 khai mạc ngày 12/2 tới, chủ trương đầu tư Dự án sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 10/2.