Thị trường bất động sản Việt Nam đang hướng tới sự bền vững
Trải qua nhiều thăng trầm và biến đổi, thị trường bất động sản Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện, sàng lọc để hướng tới sự bền vững...
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_3_51419009/b09b715d4813a14df802.jpg)
Ảnh minh họa.
Theo ông Bạch Dương, Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản trong 30 năm qua có thể chia thành 5 giai đoạn chính: Khởi đầu (trước 2009), Định hình (2009 – 2012), Tăng trưởng (2013 – 2019), Biến động (2020 – 2021) và Thách thức (2022 – 2024).
Phân tích về các giai đoạn này, đại diện Batdongsan.com.vn cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đã khởi đầu với hành lang pháp lý từ Luật và môi trường vĩ mô khá thuận lợi. Sau khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam ghi nhận FDI vào lĩnh vực bất động sản tăng trưởng mạnh, từ 8,5 tỷ USD năm 2007 lên 23,6 tỷ USD năm 2008 và 21,5 tỷ USD năm 2009. Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn cũng ra mắt và các dự án mới đều thu hút sự quan tâm.
Sang giai đoạn Định hình, việc tín dụng giảm, lãi suất tăng lại khiến thị trường bất động sản mất thanh khoản và giá giảm liên tiếp. Lượng hàng tồn kho bất động sản tăng từ 108,4 nghìn tỷ đồng năm 2009 lên 192,7 nghìn tỷ đồng năm 2011. Lúc này, các doanh nghiệp phải trải qua quá trình sàng lọc khắc nghiệt, còn người tiêu dùng thì mất niềm tin…
Tuy nhiên, ông Bạch Dương cho biết đến giai đoạn Tăng trưởng, ba bộ luật mới gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã định hướng cho thị trường và ghi nhận sự cải thiện tích cực.
Ngay sau đó, thị trường trải qua giai đoạn Biến động khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực. Dù vậy, hoạt động mua bán bất động sản ở thời điểm này vẫn diễn ra với nguồn cung tăng và được cao cấp hóa. Ước tính, cơ cấu lượng tin đăng loại hình bất động sản hạng sang (giá bán >= 80 triệu đồng/m2) tăng từ 4% vào quý 1/2020 lên 10% vào quý 4/2021.
Còn từ năm 2022 đến năm 2024, thị trường trải qua giai đoạn Thách thức với tình hình vĩ mô khó khăn, nhiều doanh nghiệp bộc lộ yếu kém về tài chính lẫn pháp lý. Mặt khác, người tiêu dùng bất động sản vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình tìm hiểu và lựa chọn. Vì vậy, các chủ đầu tư cùng nhà môi giới cũng gặp thách thức trong hoạt động tìm kiếm khách hàng và xây dựng uy tín.
Mặc dầu vậy, câu trả lời của thời gian chính là trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi, từ những bước đi đầu tiên, thị trường đã không ngừng hoàn thiện, sàng lọc và hướng tới sự bền vững. “Thị trường bất động sản Việt Nam đã thực sự trải qua một hành trình đi từ lượng đến chất, từ sơ khai đến “tuổi 30” trưởng thành, vững chãi hơn”, ông Bạch Dương chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đánh giá hiện nay ở Việt Nam, các quy định pháp luật mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng tạo điều kiện, đang dần hiện thực hóa và đi vào đời sống. Dù vẫn tồn tại những quy định gây “hoang mang” cho doanh nghiệp, lẫn người dân song với sự theo dõi sát sao từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, khả năng cao sẽ có sự cân đối, điều chỉnh, nhằm đảm bảo tính hài hòa, phù hợp.
Vì vậy, thị trường bất động sản hoàn toàn có cơ sở để mạnh dạn tiến vào chu kỳ mới, bất chấp một số khó khăn, trở ngại “sót” lại. Nhiệt thị trường dự báo được tỏa dần và đều hơn giữa các khu vực. Trong đó, khu vực miền Bắc tiếp tục sức nóng, khu vực miền Nam cũng tăng nhiệt rõ rệt.