Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ chính sách ESG

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đa số các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam cũng như Đồng Nai hiện nay chưa nắm rõ các chính sách về ESG. Đây là 3 tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững của DN. Trong đó, bao gồm trách nhiệm của DN với môi trường, xã hội và quản trị. ESG là căn cứ để các quốc gia nhập khẩu hàng hóa đánh giá thương hiệu của sản phẩm. Vì thế, các DN có điểm số về ESG cao sẽ tăng khả năng cạnh tranh, hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường cũng thuận lợi hơn.

Trong đó, về tiêu chuẩn môi trường sẽ đánh giá DN tác động đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên trong quá trình sản xuất, điều hành. Cụ thể, DN phải có lộ trình giảm phát thải, sản xuất xanh, tuần hoàn để đến năm 2050 đạt net zero. Để đạt được các yêu cầu trên buộc DN phải có kế hoạch sử dụng năng lượng tái tạo, dùng nguyên liệu tái chế. Đồng thời, ứng dụng công nghệ hiện đại để chuyển đổi số nhằm tăng năng suất, chất lượng, bớt hao hụt nguyên liệu, giảm lao động. Mục đích là để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu.

Về tiêu chuẩn xã hội, đòi hỏi các DN phải đáp ứng được những yếu tố quan hệ kinh doanh với khách hàng, điều kiện làm việc, chính sách cho người lao động của công ty. ESG cũng quy định trong quản trị, các DN phải hoạt động hiệu quả, minh bạch, có đạo đức trong kinh doanh và chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương.

Thực tế, ESG gần đây mới được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến. Theo các DN đã triển khai ESG thì quá trình thực hiện đang gặp một số khó khăn lớn là thiếu thông tin về ESG; các chương trình giới thiệu, đào tạo ESG còn ít; Chính phủ cũng chưa có chính sách cụ thể về ESG. Vì vậy, muốn khuyến khích DN thực hiện ESG, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách hướng dẫn đầy đủ, chi tiết. Trong chính sách cần có những ưu đãi cho DN tích cực triển khai ESG.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, phát triển xanh trên các lĩnh vực. Do đó, các DN có thể xây dựng chiến lược số hóa và ESG hiệu quả. Điều này sẽ giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Trong hội nhập, nếu DN không sớm thực hiện và tham gia ESG sẽ rất khó trụ vững để phát triển lớn mạnh.

Tại Đồng Nai, hàng hóa công nghiệp sản xuất ra có đến hơn 70% được đưa đi xuất khẩu. Vì thế, chuyển đổi số, sản xuất xanh và tham gia đạt các tiêu chí EGS là rất cần thiết. Việc này sẽ giúp DN dễ dàng mở rộng sản xuất và giữ được thị trường nội địa.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/nhieu-doanh-nghiep-van-chua-nam-ro-chinh-sach-esg-6380c7c/
Zalo