Nhiều DN Trung Quốc muốn tham gia các dự án đường sắt lớn của Việt Nam

Chiều 16.9, trong chương trình công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Trần Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) và ông Vương Tiểu Quân, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China).

Nghiên cứu triển khai dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng

Tại Việt Nam, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc là tổng thầu thi công dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Cát Linh - Hà Đông với tổng giá trị hợp đồng EPC 640 triệu USD; dự án điện gió Đắk Nông có tổng giá trị hợp đồng 18,1 triệu USD; dự án nhà máy lốp tại Tiền Giang có tổng giá trị 5 triệu USD.

Tại cuộc tiếp, ông Trần Vân cho biết Tập đoàn mong muốn tham gia đầu tư xây dựng các dự án đường sắt nằm trong quy hoạch được Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong các đột phá chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, bao gồm đường sắt. Thủ tướng cũng trao đổi về khả năng nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng khoảng 388 km.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Trần Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Trần Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) - Ảnh: VGP

Hoan nghênh khả năng tập đoàn tham gia dự án này, Thủ tướng đề nghị ngay sau cuộc tiếp, các cơ quan Việt Nam như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và tập đoàn trao đổi cụ thể về khả năng triển khai dự án trong thiết kế, thu xếp nguồn vốn, thi công, quản lý… theo hình thức phù hợp nhất, có lợi nhất cho hai bên. Chính phủ sẽ có ý kiến về những vấn đề thuộc thẩm quyền.

“Tinh thần là bảo đảm tiến độ và chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, có hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được”, Thủ tướng nêu.

Hoan nghênh PowerChina tham gia các dự án hạ tầng và năng lượng tại Việt Nam

Còn về PowerChina, doanh nghiệp này vào thị trường Việt Nam từ năm 2000, tham gia xây dựng các dự án thủy điện Lai Châu, Sơn La, Trung tâm nhiệt điện duyên hải Vĩnh Tân, là tổng thầu các dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 7 GW. Tổng giá trị hợp đồng của các dự án nêu trên đạt hơn 6,5 tỉ USD.

Thủ tướng cũng hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của tập đoàn trong thời gian tới, phù hợp với đột phá chiến lược của Việt Nam về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng.

Thủ tướng đề nghị tập đoàn làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng với phía Việt Nam để triển khai các dự án trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, nhất là phát triển điện gió, điện mặt trời một cách đồng bộ cả nguồn và tải với giá thành phù hợp.

Thủ tướng cũng hoan nghênh tập đoàn tham gia triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam với hình thức phù hợp, đề nghị Tập đoàn trao đổi với các cơ quan chức năng phía Việt Nam để tìm phương án làm ngay, bảo đảm khả thi, có hiệu quả cụ thể.

Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng nhấn mạnh việc hợp tác triển khai các dự án hạ tầng kết nối Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có các dự án đường sắt tốc độ cao mà 2 tập đoàn quan tâm, đã có cơ sở chính trị là quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Thủ tướng cũng hoan nghênh Tập đoàn tham gia triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam với hình thức phù hợp - Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng hoan nghênh Tập đoàn tham gia triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam với hình thức phù hợp - Ảnh: VGP

Theo đó, các dự án này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong hai hành lang kinh tế "Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng", "Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng" và "vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ", tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc. Điều quan trọng là triển khai cụ thể các dự án này để mang lại lợi ích thiết thực cho các bên trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ rủi ro.

Trước đó, tại cuộc tiếp Bí thư Khu ủy Quảng Tây (Trung Quốc) Lưu Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Quảng Tây là địa phương thể hiện tập trung nhất, sinh động nhất của tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt-Trung, đồng thời nêu sáu đột phá về hợp tác trên các lĩnh vực với Quảng Tây.

Trao đổi về hợp tác giữa hai bên thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu một số đột phá về hợp tác trên các lĩnh vực với Quảng Tây. Cụ thể: Đột phá về hợp tác kết nối hạ tầng, trong đó tăng cường kết nối đường bộ cao tốc và đường sắt; thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư, mở mới và nâng cấp cửa khẩu, tạo điều kiện thông quan hàng hóa; hoạt động giao lưu nhân dân; hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực cửa khẩu, mô hình cửa khẩu thông minh Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan; thực hiện tốt 03 văn kiện về quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, phòng chống tội phạm xuyên biên giới; hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo…

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhieu-dn-trung-quoc-muon-tham-gia-cac-du-an-duong-sat-lon-cua-viet-nam-205576.html
Zalo