Nam Định quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn
Việc triển khai đồng bộ, có giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn những năm qua đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn tỉnh Nam Định. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tỉnh Nam Định mới đạt 52 triệu đồng/người; đến hết năm 2023 đã đạt 70 triệu đồng/người/năm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hữu cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, các huyện, thành phố thuộc tỉnh đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn.
Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 2,69 %/năm; đến hết năm 2023 giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt hơn 191,3 triệu đồng.
Đáng chú ý là, trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh chỉ đạo, ngành Nông nghiệp hướng dẫn, bà con nông dân trong tỉnh tăng cường sử dụng giống chất lượng cao và tổ chức sản xuất theo mô hình "cánh đồng lớn" gắn với chế biến và tiêu thụ, đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo an toàn, VietGAP. Toàn tỉnh đã xây dựng được 399 cánh đồng lớn với tổng diện tích 18.599ha, trong đó có 3.916ha được bao tiêu sản phẩm.
Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định; nét nổi bật là đã giảm mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, phát triển nhanh chăn nuôi trang trại, tập trung hàng hóa theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại theo chuỗi khép kín, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong chăn nuôi và xử lý chất thải, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAHP. Đến nay, toàn tỉnh có 49 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Là tỉnh có lợi thế về kinh tế biển, Nam Định đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế thủy sản tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, cơ cấu chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt 193.469 tấn, tăng 3,8% so với năm 2022; trong 10 tháng năm 2024 ước đạt 170.267 tấn, tăng 5,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng 117.777 tấn và sản lượng khai thác 52.490 tấn.
Tỉnh cũng tích cực triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); trong đó đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 512 tàu cá của tỉnh, đạt 98,3% tổng số tàu thuộc diện phải lắp đặt giám sát hành trình.
Trao đổi với lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định, được biết việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, thực hiện theo hướng tổ chức lại các hợp tác xã hiện có và khuyến khích hộ thành viên thành lập mới các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Kinh tế tập thể và hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh có bước phát triển rõ rệt. Hiện nay, tỉnh có 524 hợp tác xã với 376.813 thành viên; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 394 hợp tác xã, lĩnh vực phi nông nghiệp 88 hợp tác xã và 42 quỹ tín dụng nhân dân. Hoạt động các hợp tác xã giữ ổn định và có bước phát triển mới, nhiều mô hình hợp tác xã mới được thành lập; số hợp tác xã có sản phẩm, dịch vụ chủ lực tiêu biểu đáp ứng nhu cầu của thành viên và thị trường ngày càng tăng.
Cùng với phát triển sản xuất, việc phát triển thị trường tiêu thụ nông sản những năm qua được quan tâm, thị trường nông sản của tỉnh Nam Định từng bước được phân khúc; đã có 44 cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm được tư vấn, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 82 sản phẩm, xây dựng nhãn mác hàng hóa sản phẩm, thương hiệu sản phẩm.
Hiệp hội Nông nghiệp sạch đẩy mạnh hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm; trên địa bàn tỉnh có hơn 100 cửa hàng tiện ích chuyên cung cấp các sản phẩm thực phẩm nông sản an toàn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm nông nghiệp của các cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh được đưa lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn.
Một lĩnh vực được tỉnh Nam Định đặc biệt quan tâm thúc đẩy phát triển thời gian qua, đó là sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng thu hút nhà đầu tư thứ cấp trên địa bàn các huyện, thành phố như các khu công nghiệp: Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận; các cụm công nghiệp: Thanh Côi, Giao Thiện, Thịnh Lâm; Yên Bằng, Yên Dương...
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung các giải pháp phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, mở rộng các vùng nguyên liệu, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Sản xuất công nghiệp, ngành nghề nông thôn duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá.
Phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn đã trở thành giải pháp quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và làm thay đổi cơ cấu thu nhập của hộ dân nông thôn, góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ của nông thôn Nam Định, từng bước trở thành “hình mẫu” nông thôn phát triển toàn diện, vừa giữ gìn được truyền thống văn hóa, vừa phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.