Nhiều điểm mới trong việc ban hành Luật, Nghị định, Thông tư

Quy trình xem xét, ban hành VBQPPL (Luật, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư...) sẽ được ban hành theo quy định mới kể từ ngày 1-4-2025.

Sáng 19-2 vừa qua, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2025.

Luật mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4, gồm chín chương và 72 điều, giảm 101 điều so với luật hiện hành với nhiều quy định mới nổi bật.

Nghị quyết của Chính phủ là VBQPPL

Luật Ban hành VBQPPL 2025 quy định hệ thống 14 nhóm VBQPPL, với nhiều điều chỉnh so với các quy định hiện nay tại Luật Ban hành VBQPPL 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Cụ thể, theo quy định mới thì Nghị quyết của Chính phủ, Thông tư của Tổng kiểm toán Nhà nước là VBQPPL (Hiện nay chỉ có Nghị định là VBQPPL của Chính phủ, còn Quyết định là VBQPPL của Tổng Kiểm toán Nhà nước).

Trong đó, VBQPPL Nghị quyết của Chính phủ được ban hành để quy định ba vấn đề.

Một là giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng phát sinh từ thực tiễn và để áp dụng trong một thời gian nhất định, phạm vi cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ; phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn.

Hai là tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nghị định của Chính phủ đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Cuối cùng là thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết của Chính phủ.

Ngoài việc bổ sung thì Luật mới cũng đã bãi bỏ một số loại VBQPPL hiện nay đó là Nghị quyết của HĐND cấp xã và Quyết định của UBND cấp xã.

Thông qua luật, nghị quyết theo quy trình 1 kỳ họp

Hiện nay, Điều 73 Luật Ban hành VBQPPL 2015 quy định Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại một hoặc hai kỳ họp Quốc hội; trường hợp dự án luật lớn, nhiều điều, khoản có tính chất phức tạp thì Quốc hội có thể xem xét, thông qua tại ba kỳ họp.

Tuy nhiên, trình tự này đã được điều chỉnh ở luật mới. Cụ thể, theo dự luật mới được thông qua thì dự thảo luật, nghị quyết sẽ được Quốc hội xét, thông qua tại một kỳ họp, trừ trường hợp dự thảo luật, nghị quyết chưa được thông qua thì Quốc hội xem xét, quyết định lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại.

 Các ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: QH

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: QH

Bổ sung trường hợp ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn

Điều 50 Luật Ban hành VBQPPL 2025 đã quy định 6 trường hợp văn bản quy phạm sẽ được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thứ nhất, trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; khi có yêu cầu đột xuất, cấp bách vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ.

Thứ hai, trường hợp cấp bách để giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn;

Thứ ba, trường hợp cần tạm ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

Thứ tư, trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

Thứ năm, trường hợp cần điều chỉnh thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn;

Thứ 6 là trường hợp ban hành văn bản quy định chi tiết của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn và trong trường hợp đặc biệt.

Như vậy, so với Luật Ban hành VBQPPL 2015 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2020), trường hợp mới đáng chú ý được áp dụng trình tự thủ tục rút gọn đó là trường hợp ban hành văn bản quy định chi tiết của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn và trong trường hợp đặc biệt.

Quy định này được đánh giá là phù hợp với thực tiễn, bởi với những VBQPPL được ban hành theo thủ tục rút gọn thì văn bản hướng dẫn cũng cần rút ngắn thời gian ban hành mới đảm bảm được công tác triển khai.

Không quy định cụ thể trách nhiệm xin ý kiến cơ quan của Đảng

Tại các bản dự thảo trước đây, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất quy định về trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng đối với ba vấn đề. Đồng thời quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm như: Đảng ủy Quốc hội xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội, nội dung chính sách và những nội dung nêu trên đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Trong quá trình dự thảo, có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong Luật mà thực hiện theo Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Báo cáo, giải trình vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật là nguyên tắc xuyên suốt trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Tuy nhiên, đây là nội dung thuộc trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng nên thực hiện theo quy định của Đảng thì sẽ phù hợp hơn. Do đó, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung này trong dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định chung trách nhiệm xin ý kiến và dẫn chiếu đến văn bản của Đảng.

Những điều chỉnh này cũng đã được Quốc hội thông qua tại Điều 67. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Đảng.

QUỲNH LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nhieu-diem-moi-trong-viec-ban-hanh-luat-nghi-dinh-thong-tu-post835701.html
Zalo