Nhiều điểm mới trong quy chế đào tạo Tiến sĩ của Đại học Quốc gia TPHCM

Quy chế đào tạo Tiến sĩ và quy định về công bố khoa học dành cho nghiên cứu sinh của Đại học Quốc gia TPHCM có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Lễ Tốt nghiệp và trao bằng tiến sĩ của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: VNUHCM

Lễ Tốt nghiệp và trao bằng tiến sĩ của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: VNUHCM

Thông tin được chia sẻ trong tọa đàm lấy ý kiến góp ý về quy chế đào tạo tiến sĩ và xây dựng quy định về công bố khoa học dành cho nghiên cứu sinh nhóm ngành Công nghệ thông tin và Điện - Điện tử tại Đại học Quốc gia TPHCM diễn ra mới đây.

Theo PGS.TS Huỳnh Khả Tú - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) so với các quy chế năm 2022, quy chế đào tạo tiến sĩ và quy định về công bố khoa học dành cho Nghiên cứu sinh năm 2025 (Quy chế 2025), chương trình liên thông từ trình độ đại học lên tiến sĩ, thông qua hai chương trình liên thông: từ đại học lên thạc sĩ và từ thạc sĩ lên tiến sĩ.

Về người hướng dẫn nghiên cứu sinh, quy chế mới cho phép các giáo sư thỉnh giảng, được Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM bổ nhiệm, tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Quy chế 2025 đưa ra 2 phương thức công bố khoa học để xét tốt nghiệp.

Phương thức thứ nhất dành cho nghiên cứu sinh chọn hướng đào tạo chỉ làm nghiên cứu. Phương thức 2 dành cho nghiên cứu sinh vừa học vừa nghiên cứu khoa học.

Trong đó, đối với phương thức 2, điều kiện về công bố khoa học không phân chia theo khối ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật - Công nghệ và các ngành còn lại, mà sẽ xác định chung trong toàn Đại học Quốc gia TPHCM.

Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo có thể xây dựng các quy định cụ thể theo đặc thù của từng chương trình học, ngành học (nếu cần).

Đồng thời, cùng với việc điều chỉnh và cập nhật quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ lần này, Tổ công tác cũng đề xuất quy định về danh mục các hội nghị được xét tương đương đối với hai nhóm ngành Công nghệ thông tin và Điện - Điện tử, nhằm giúp người học dễ dàng tiếp cận thông tin và có kế hoạch công bố phù hợp.

 PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) góp ý về quy chế đào tạo tiến sĩ mới. Ảnh: VNUHCM

PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) góp ý về quy chế đào tạo tiến sĩ mới. Ảnh: VNUHCM

Tại tọa đàm, PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), nhấn mạnh việc tăng nguồn tuyển sinh đầu vào và giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nghiên cứu sinh. Ông đề xuất nên giao cho hội đồng ngành thẩm định chất lượng các hội nghị khoa học, vì hội đồng ngành hiểu rõ đặc thù công bố khoa học trong lĩnh vực của mình.

PGS.TS Vũ Đức Lung - thành viên Hội đồng liên ngành Công nghệ thông tin, cho rằng, nên cân nhắc việc cho phép sinh viên khá học lên tiến sĩ, vì theo thông lệ quốc tế, yêu cầu thường là sinh viên giỏi. Ngoài ra, ông đề xuất đưa ra quy trình cụ thể đối với phản biện kín, đảm bảo tính minh bạch.

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-diem-moi-trong-quy-che-dao-tao-tien-si-cua-dai-hoc-quoc-gia-tphcm-post728606.html
Zalo