Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo

Giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục, chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo…là một số điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề.

Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề.

Sáng 26/12, Đảng Bộ Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý IV với chủ đề "Triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo" bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Triệu Ngọc Lâm dự và chủ trì buổi sinh hoạt. Ông Nguyễn Huy Bằng - nguyên Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT làm báo cáo viên.

Theo Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, thời gian qua, hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên đề của Đảng bộ ngày càng được đổi mới, phong phú, theo hướng thiết thực gắn với các hoạt động chuyên môn của Báo. Buổi sinh hoạt với chủ đề "Triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo" nhằm giúp các đảng viên hiểu rõ hơn về dự án Luật Nhà giáo, đặc biệt là những điểm mới trong dự án. Qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền dự án Luật Nhà giáo gắn với hoạt động chuyên môn phù hợp với từng phòng, ban, đơn vị của Báo.

Dự án Luật Nhà giáo triển khai 2 giai đoạn: Giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo (từ tháng 12/2021 đến 22/4/2024). Cụ thể, tháng 12/2021, Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT tạo nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo. Tháng 6/2023 Chính phủ đã thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo với 5 chính sách. Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024. Ngày 22/4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất bổ sung Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.

Giai đoạn soạn thảo Luật Nhà giáo (từ tháng 4/2024 đến tháng 5/2025). Biên soạn dự thảo Luật, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành và tổ chức các Hội thảo chuyên sâu (từ 13/5- 13/7/2024). Tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật và hồ sơ liên quan; trình Chính phủ (tháng 8/2024). Chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện hồ sơ; trình UBTVQH thẩm định, cho ý kiến. Hoàn thiện, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ VIII (tháng 10/2024). Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ IX (tháng 5/2025), công bố luật, tổ chức thực hiện khi Luật có hiệu lực.

Dự thảo Luật Nhà giáo bao gồm 5 chính sách (9 chương, 50 điều), bao gồm: Định danh Nhà giáo (Chương I, chương II); Tiêu chuẩn và chức danh Nhà giáo (chương III); Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của Nhà giáo (chương IV); Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh Nhà giáo (chương V, VI, VII) và Quản lý nhà nước về nhà giáo (Chương IV, V và VIII).

Giao quyền chủ động trong tuyển dụng

Thông tin về dự thảo Luật Nhà giáo, ông Nguyễn Huy Bằng - nguyên Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT lưu ý tới nhiều điểm mới trong dự thảo này. Trong đó có định danh nhà giáo được thực hiện đầy đủ, tường minh về nhà giáo ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Mô tả cụ thể hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, quy định chuẩn nhà giáo để sử dụng thống nhất, gắn với từng chức danh nhà giáo. Qua đó làm cơ sở cho việc chuẩn hóa và đề xuất các quy định chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

 Nguyên Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng chia sẻ tại buổi sinh hoạt.

Nguyên Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng chia sẻ tại buổi sinh hoạt.

Dự thảo quy định rõ quyền và nghĩa vụ nhà giáo, những việc không được làm. Cụ thể, quyền của nhà giáo: Ngoài những quyền chung, nhà giáo còn được chủ động trong hoạt động nghề nghiệp (ví dụ: chủ động thời lượng, chương trình, tài liệu, giáo trình, sách giáo khoa…); được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học của cá nhân. Nhà giáo phải luôn gương mẫu, giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, đạo đức nghề nghiệp; bảo đảm liêm chính học thuật.

Bên cạnh những điều nhà giáo không được làm, Luật còn quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo. Trong đó, có quy định không được công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo. Đáng chú ý, hình thức tuyển dụng giáo viên được thực hiện xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo và do ngành giáo dục thực hiện

Cùng với đó là việc sử dụng, quản lý nhà giáo, được quy định chung cho cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Trong đó, quy định một số nội dung như điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, hợp tác quốc tế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, công nhận... do cán bộ quản lý giáo dục thực hiện.

Trong dự án Luật Nhà giáo lưu ý tới chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo. Cụ thể, tiền lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo ngoài công lập không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách và được hưởng 1 (một) chính sách có mức cao nhất...

Nguyên Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng cho biết, một số nội dung dự án tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện hơn. "Một số nội dung chính sách đối với nhà giáo ở một số nhóm cần tiếp tục xin ý kiến, hoàn thiện theo hướng làm rõ hơn như: chính sách với nhà giáo ngoài công lập, chính sách đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục đại học; chính sách hợp tác quốc tế về nhà giáo…"- ông Nguyễn Huy Bằng chia sẻ.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-diem-moi-trong-du-thao-luat-nha-giao-post713622.html
Zalo