Nhiều 'điểm mờ' trong việc cấp sổ đỏ
Thửa đất ở vốn đứng tên của bố mẹ, nhưng khi bố mẹ mất thì các anh chị em trong gia đình mới biết một nửa mảnh đất đã được sang tên cho người anh trai (không có di chúc).
Bà Đào Thị Hường, trú tại thôn Bích Trì, xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam phản ánh đến báo Kinh tế & Đô thị với nội dung:
Bố mẹ đẻ của bà là cụ Đào Đình Chung và cụ Nguyễn Thị Bê có 3 người con là ông Đào Đình Kiên, bà Đào Thị Hương và bà Đào Thị Hường. Thời điểm năm 1998, ông Đào Đình Kiên (là anh trai bà) đã tự ý làm toàn bộ hồ sơ, giấy tờ tách 1220m2 đất của bố mẹ thành các sổ đỏ:
Thửa đất số 203 tờ bản đồ số 5 đứng tên hộ ông Đào Đình Kiên, diện tích 610m2, GCNQSDĐ số NB383461 (UBND huyện Bình Lục cấp ngày 04/8/1998)
Thửa đất số 203 tờ bản đồ số 5 đứng tên hộ ông Đào Quang Trung (bố đẻ của bà Hương là cụ Đào Đình Chung), diện tích 610m2, GCNQSDĐ số N383520 (UBND huyện Bình Lục cấp ngày 04/8/1998).
Ông Kiên đã giữ các cuốn sổ đỏ này đồng thời không cho ai ra vào khu đất nói trên. Sau khi mẹ đẻ bà Hường là cụ Nguyễn Thị Bê mất, bà Hường đón bố là cụ Đào Đình Chung về phụng dưỡng. Tháng 4/2012, cụ Đào Đình Chung gửi 01 Bản tường trình cho UBND xã Tràng An (bà Hường có lưu lại bản này) với nội dung cụ Chung chưa cho tặng đất cho ông Đào Đình Kiên mà muốn chia đều thửa đất cho cả 3 người con.
Sau khi cụ Đào Đình Chung mất, năm 2023 bà Hường khởi kiện ra TAND tỉnh Hà Nam đề nghị chia di sản thừa kế đối với thửa đất có diện tích 1220m2. Tuy nhiên, trong quá trình khởi kiện, bà Hường nhận thấy ông Đào Đình Kiên có dấu hiệu của hành vi lừa đảo, làm giả giấy tờ tài liệu để chiếm đoạt toàn bộ diện tích 1220m2 đất mà bố mẹ đẻ để lại nên đã rút Đơn khởi kiện để gửi Cơ quan Công an điều tra làm rõ hành vi này.
Theo bà Hường, toàn bộ hồ sơ, giấy tờ tài liệu liên quan đến việc tách và cấp sổ đỏ mảnh đất của bố mẹ bà cho ông Đào Đình Kiên hiện “mất tích”, UBND huyện Bình Lục cho biết không còn lưu giữ những hồ sơ này, đồng nghĩa với việc "không có tài liệu" nào chứng minh mảnh đất đã được cụ Đào Đình Chung và cụ Nguyễn Thị Bê chia cho ông Kiên.
Tại văn bản trình bày gửi TAND tỉnh Hà Nam, ông Đào Đình Kiên trình bày: Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Hường về việc đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế đối với quyền sử dụng 610m2 đất và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số N383461 do UBND huyện Bình Lục cấp ngày 4/8/1998 mang tên hộ ông Đào Đình Kiên, ông không đồng ý vì đây không phải là di sản thừa kế do bố mẹ chết để lại, bởi lẽ thửa đất này trước đây có nguồn gốc do ông Kiên và vợ nhận chuyển quyền sử dụng 440m2 đất thuộc thửa đất 255 của cụ Phạm Văn Ninh, 170m2 đất còn lại là do vợ chồng ông trong quá trình sinh sống đã cải tạo, cơi nới được thêm của tập thể.
Tuy nhiên, bà Đào Thị Hường vẫn tiếp tục kiến nghị làm rõ việc làm giả giấy tờ đất đai của bố mẹ để chuyển sang tên mình của ông Đỗ Đình Kiên (thửa 610m2) và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Vì theo bà Hường, UBND xã Tràng An cũng như các cơ quan chức năng đều không có bất cứ một tài liệu nào thể hiện việc ông Đỗ Đình Kiên đã mua lại mảnh đất 440m2 của cụ Phạm Văn Ninh.
Đồng thời, bà Hường cũng kiến nghị làm rõ việc cấp sổ đỏ cho người không phải là bố đẻ của bà, cụ Đào Đình Chung (sổ đỏ hiện tại đứng tên Đào Quang Trung).
Để có thông tin khách quan, phóng viên đã trao đổi với ông Đào Xuân Lợi, cán bộ địa chính xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Theo đó, ông Lợi cho biết:
Tại thửa đất đang xảy ra tranh chấp thì từ năm 1998 đã được cấp GCN QSD đất, khi đó thực hiện Quyết định 924 của Thủ tướng của Chính phủ thì Nhà nước công nhận QSD đất và đã đo hiện trạng, cấp QSD đất cho 2 bố con cùng 1 thời điểm, cùng Quyết định, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm. Mỗi người 1 GCN QSD đất là Đào Quang Trung và Đào Đình Kiên, với tổng diện tích mỗi người là 610m2. Còn hồ sơ giấy tờ để thực hiện việc cấp sổ đỏ cho gia đình ông Kiên và cụ Đào Đình Chung thì đã trải qua hơn 20 năm nên "không còn giữ được nữa".
Lý do về cấp GCN QSD đất bị sai tên đệm của cụ Chung (Đào Đình Chung – Đào Quang Trung), ông Lợi cho biết: Tên trong quá trình làm bị sai thì ở đây sai nhiều lắm, vì ngày xưa làm thủ công chứ không như bây giờ nên tên đệm này nhiều trường hợp bị sai, sổ đỏ của cụ Chung cũng tương tự, sai từ Đào Đình Chung thành Đào Quang Trung. Khi làm đơn khởi kiện ra tòa, bà Hường đã làm đơn xin đính chính lại tên đệm cho ông Chung theo đúng giấy khai tử rồi để nộp lên tòa. Bản chất đúng vẫn là 1 thửa đất và tách ra 2 sổ, theo chính sách đất đai tại thời điểm đó thì Nhà nước xem xét tách và cấp mỗi hộ 1 sổ riêng.
Phóng viên đã gửi nội dung trên đến UBND huyện Bình Lục, Hà Nam và các cơ quan liên quan để tiếp tục làm rõ.