Vì sao liên tiếp xảy ra các vụ rơi thang máy tại các chung cư ở Hà Nội?
Thời gian qua, những vụ rơi thang máy xảy ra liên tiếp khiến người dân tại các chung cư ở Hà Nội sống trong hoang mang, lo sợ.
Khi sự hiện đại trở thành nỗi sợ hãi
Thang máy là thiết bị có vai trò quan trọng trong cuộc sống thời hiện đại. Không chỉ có tác dụng vận chuyển con người lên một độ cao nhất định, thang máy còn được sản xuất để vận chuyển chuyển hàng hóa một cách nhanh chóng, thuận tiện, đem lại hiệu suất công việc cao, tiết kiệm thời gian và sức lực của con người. Tại các chung cư cao tầng, thang máy là thiết bị không thể thiếu bởi đây là phương thức đi lại, vận chuyển chính của cư dân trong tòa nhà.
Mặc dù có vai trò và tính hữu dụng cao, tuy nhiên, việc sử dụng thang máy tại các chung cư thời gian qua cũng để lại những rủi ro nhất định, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Một trong những vấn đề nổi cộm nhất là tình trạng rơi thang máy tại các chung cư cao tầng ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội.
Ngày 28/10 vừa qua, một vụ rơi thang máy tự do từ tầng 7 xuống giữa tầng 3 và tầng 4 tại tòa chung cư HH03C, khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã khiến cho nhiều người có mặt trong thang máy hoảng loạn.
Theo một cư dân có mặt tại hiện trường, lúc xảy ra sự cố, trong thang máy có khoảng 7 trẻ em và người lớn. Khi thang máy đang di chuyển lên tầng trên, bất ngờ tụt xuống giữa chừng và dừng lại, tạo ra cảnh tượng đáng sợ.
Khi thang máy rơi, mọi người đều hoảng loạn nên đã bấm nút báo động và được bảo vệ kịp thời đến cạy cửa để mọi người ra ngoài. Vì hoảng sợ, nên sau khi thoát ra ngoài, nhiều người không dám đi thang máy mà lựa chọn thang bộ đi lên tầng cao để đảm bảo an toàn.
Ông Phan Minh Châu, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 cho biết, tình trạng hỏng hóc thang máy tại các tòa nhà trong khu vực không phải chuyện mới. Sự cố thang máy diễn ra liên tục dù đơn vị bảo trì đã được thay đổi. Nhiều tháng qua, có thang máy hỏng nhưng vẫn chưa được sửa chữa.
Thậm chí, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng và đề cập tại các cuộc họp, song vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trước đó, vào ngày 26/8, nhiều người dân sống tại chung cư HH2C Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng được một phen hoảng hồn khi chứng kiến thang máy số 13 gặp sự cố, kéo lên các tầng trên dù chưa đóng hết cửa.
Cụ thể, vào khoảng hơn 7 giờ sáng cùng ngày, thang máy trên bất ngờ gặp sự cố. Lúc này một người đàn ông bước chân vào được nửa người thì thang máy đột ngột kéo lên khi chưa đóng hết cửa.
Trước tình huống bất ngờ trên, người đàn ông vội rút chân ra ngoài nên may mắn thoát nạn trong gang tấc. Thời điểm trên trong thang máy có khoảng 10 người, nam thanh niên trong thang cố gắng kéo cửa nhưng bất thành.
Các cư dân cho biết, đây không phải lần đầu tiên khu chung cư này xảy ra sự cố rơi thang máy và dù phía quản lý vận hành đã cho người kiểm tra sửa chữa nhưng mọi thứ dường như chưa được xử lý triệt để.
Sự cố rơi thang máy tại khu đô thị Thanh Hà và khu đô thị HH Linh Đàm chỉ là hai trong số rất nhiều những vụ thang máy rơi trong các tòa nhà chung cư xảy ra thời gian qua.
Sau sự cố, nỗi lo sợ về an toàn của những cư dân nơi đây ngày càng gia tăng, đặt ra câu hỏi cấp thiết về chất lượng bảo trì và an toàn của hệ thống thang máy trong các khu chung cư đông dân tại Hà Nội. Từ chỗ là biểu tượng đặc trưng cho cuộc sống hiện đại, thang máy đã trở thành nỗi sợ hãi trong nhiều người dân.
Nguyên nhân đến từ đâu?
Theo số liệu Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những năm gần đây, mỗi năm có trên 35.000 thang máy được đưa vào sử dụng và trên 1,7 triệu thiết bị thang máy phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước được nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là một con số không hề nhỏ.
Theo một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu và Phát triển tiêu chuẩn chất lượng, việc thang máy gặp các sự cố hỏng hóc, rơi tự do có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là các loại thang máy không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng theo quy định. Bên cạnh các thương hiệu thang máy uy tín, thị trường hiện còn có những cơ sở sản xuất, nhập khẩu các loại thang máy và phụ kiện không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, do đó, quá trình đưa vào sử dụng dễ xảy ra lỗi, hỏng.
Thêm vào đó, để lắp đặt một hệ thống thang máy vận hành đảm bảo an toàn, cần có sự hiểu biết, chuyên nghiệp và tuân thủ an toàn kỹ thuật. Sau đó, thang máy cần được bảo trì, bảo dưỡng bài bản theo quy định. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường thang máy có không ít đơn vị lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng hoạt động theo mô hình nhỏ lẻ, manh mún. Thiết bị được lắp ráp thiếu sự đồng bộ, chắp vá, không đạt tiêu chuẩn. Trong quá trình vận hành, sửa chữa bảo trì: nguy cơ đánh tráo, thay thế, khiến thiết bị từ không thành hỏng do chủ đích hoặc trình độ non kém không phải là điều hiếm xảy ra.
Ngoài những doanh nghiệp sử dụng lao động trực tiếp tham gia lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng thang máy, đơn vị vận hành nhà chung cư (ban quản lý tòa nhà) cũng có vai trò quan trọng.
Bởi theo Điều 3.4.4 của Thông tư số 42/2019 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, tổ chức, cá nhân quản lý thang máy được lắp đặt tại các căn hộ chung cư phải phân công tối thiểu 01 người chịu trách nhiệm vận hành thang máy, người này phải được huấn luyện về an toàn thang máy và các phương án xử lý tình huống sự cố liên quan đến thang máy. Tuy nhiên, thực tế không ít ban quản lý khu chung cư vẫn chưa đáp ứng được quy định này.
Cùng nói về nguyên nhân khiến thang máy xảy ra sự cố, Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho rằng, công tác kiểm định thang máy cũng là vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận. Theo thống kê, mỗi năm có 40.000 thang máy được kiểm định, hơn 130 tổ chức được cấp phép hoạt động kiểm định với con số kiểm định viên xấp xỉ 1.000 người.
Chính sách xã hội hóa trong công tác kiểm định tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy, tăng sức cạnh tranh và thuận lợi cho xã hội. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng hoạt động của các đơn vị đó lại là vấn đề khác.
Đối với các thang máy mới được lắp đặt, bắt buộc phải được kiểm định và dán tem kiểm định đảm bảo an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Nhưng với thang máy đã vận hành, việc có kiểm định lại phụ thuộc nhiều vào ý thức chủ quan của đơn vị quản lý. Thực tế hiện nay còn xuất hiện trường hợp công trình đã sử dụng cả chục năm nhưng không được kiểm định lại.
Chuyên gia cho rằng, nếu muốn giải quyết tình trạng thang máy hư hỏng, thậm chí rơi tự do tại các tòa chung cư, trước hết, đơn vị ký hợp đồng mua thang máy cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Chỉ chọn các sản phẩm đã có uy tín, có giấy tờ chứng minh chất lượng rõ ràng, đầy đủ.
Bên cạnh đó, cần tìm tới đơn vị có đủ năng lực chuyên môn để vận hành thang máy trong quá trình sử dụng, kiểm định thang máy theo định kỳ và thường xuyên nắm bắt thông tin tình trạng thang máy.
Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng cần có giải pháp siết chặt hoạt động kiểm định thang máy, mạnh tay xử lý các đơn vị kiểm định cố tình làm sai lệch kết quả kiểm định hoặc thực hiện hoạt động kiểm định không đúng quy trình, quy định của pháp luật.