Nhiều địa phương vượt tiêu chí nhập ngũ năm 2020
Sau 2 năm thực hiện Thông tư số 148/2018/TT-BQP (quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ), đồng thời việc gắn tuyển quân với tạo nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên, nguồn cán bộ cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì chất lượng thanh niên nhập ngũ năm 2020 đã được nâng cao về nhiều tiêu chí.
Nhiều địa phương vượt tiêu chí
Những ngày qua, hòa chung khí thế ngày hội tòng quân của cả nước, các địa phương trên địa bàn các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ Giao nhận quân năm 2020 bảo đảm nhanh gọn, an toàn, chất lượng.
Từ yêu cầu đặt ra của Thông tư 148, các địa phương đã nỗ lực thực hiện công tác tuyển quân vượt các tiêu chí đề ra. Cụ thể, năm 2020, Hà Nội có 3.507 thanh niên nhập ngũ thì có 926 công dân viết đơn tình nguyện (chiếm tỷ lệ 26,4%). Công dân đạt sức khỏe đủ điều kiện nhập ngũ có trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp (ĐH, CĐ, TC) là 1.875 người (đạt 53,6%).
Năm 2020, TP HCM có 3.800 người thực hiện nghĩa vụ quân sự thì có trên 2% là đảng viên chính thức và trên 35% tốt nghiệp ĐH, CĐ, TC.
Năm 2020, chất lượng công dân nhập ngũ các địa phương trên địa bàn Quân khu 3 tương đối đồng đều và cao hơn những năm trước. Trong đó, sức khỏe loại 1, loại 2 trên 72%; trình độ THPT 65,2% (năm 2019 gần 6,5%); CĐ, ĐH 9,2% (năm 2019 là 6,3%); con cán bộ 4,7%; đảng viên 0,23% (năm 2019 là 2,1%).
Một số địa phương có nhiều thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ, như: Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng…
4 tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 2 là: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang có hơn 5.650 thanh niên nhập ngũ, trong đó số viết đơn tình nguyện nhập ngũ chiếm 33%.
Tại tỉnh Yên Bái, một số chỉ tiêu cao hơn là: sức khỏe loại 1 và loại 2 tăng trên 3%; trình độ THCS và THPT tăng 1%; tuổi đời từ 18 đến 21 tăng trên 3%; số lượng công dân viết đơn tình nguyện nhập ngũ tăng 50%; tăng 2 dân tộc có công dân nhập ngũ; số lượng công dân là đảng viên đạt theo chỉ tiêu đề ra.
Nỗ lực từ địa phương
Các năm trước, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ tại nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn, bởi thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) bị tật khúc xạ và các bệnh về tim mạch, huyết áp… ngày càng tăng; công tác quản lý thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ tại địa phương còn nhiều bất cập.
Ví dụ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, tổng số nguồn thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS của huyện là 4.068 thanh niên (số đủ điều kiện sơ tuyển NVQS là 3.126 thanh niên). Nhưng trên thực tế có 618 thanh niên xuất khẩu lao động nước ngoài. Số thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ có mặt tại địa phương chỉ có 287 thanh niên (chiếm 9,2%). Đặc biệt, số thanh niên trong độ tuổi từ 18 - 21 dễ gọi nhập ngũ ở Thái Thụy chỉ chiếm 30,9%.
Để công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đạt kết quả cao, ngay từ đầu năm 2019, Hội đồng NVQS các cấp, các tỉnh đã tích cực chủ động thực hiện “tuyển quân tròn khâu”, từ công tác chuẩn bị nguồn, tổ chức xét duyệt, bình cử công khai đến phát lệnh gọi nhập ngũ với phương châm “tuyển gọi người nào chắc người đó”, bảo đảm đúng luật, đúng đối tượng.
Chính vì vậy, chất lượng thanh niên trúng tuyển đáp ứng yêu cầu cao về chính trị, đạo đức, sức khỏe, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Hội đồng NVQS các cấp đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ đến thăm và tặng quà cho các gia đình thanh niên trúng tuyển NVQS, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, như: Tặng sổ tiết kiệm, tặng quà, trợ vốn cho gia đình thanh niên nhập ngũ có hoàn cảnh khó khăn... qua đó, tạo niềm tin, phấn khởi cho các thanh niên yên tâm lên đường nhập ngũ.
Năm 2020, TP Hải Phòng được giao chỉ tiêu 2.500 thanh niên nhập ngũ, bàn giao cho 9 đầu mối đơn vị. Toàn thành phố đã phát lệnh nhập ngũ cho 2.625 thanh niên, đạt 105% so với chỉ tiêu. Trước ngày giao quân, các địa phương đã tổ chức tiếp xúc, tặng quà công dân nhập ngũ với tổng số tiền quà, tiền trợ cấp cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn gần 6 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Ninh có 1.900 công dân nhập ngũ, trong đó có hơn 477 công dân nhập ngũ là người dân tộc thiểu số, 229 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Các địa phương đã mở 12 lớp nhận thức về Đảng cho 574 đoàn viên ưu tú nhằm tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ cho các đơn vị quân đội và địa phương sau này.
Năm 2020, thanh niên nhập ngũ của tỉnh Nam Định được đánh giá đạt chất lượng tốt, trong đó sức khỏe loại 1 và loại 2 đạt trên 75%. Thanh niên là đồng bào Công giáo chiếm trên 21%, đặc biệt tỷ lệ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và chủ động viết đơn tình nguyện nhập ngũ cao; con cán bộ, đảng viên đạt trên 10%.
Trước Tết Nguyên đán, các địa phương có nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Tổ chức diễn đàn “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, tới tận nhà tặng quà 100% thanh niên nhập ngũ và tặng hơn 600 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.
Theo quy định tại Thông tư số 148, các địa phương không gọi nhập ngũ vào quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 đi-ốp trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS...
Đối tượng tuyển quân là những công dân có tuổi đời từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Công dân nam được đào tạo trình độ CĐ, ĐH, đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một chương trình đào tạo thì tuyển chọn, gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Các địa phương tuyển đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, lấy tiêu chuẩn từ cao xuống thấp, thực hiện dân chủ, công bằng, công khai, an toàn, tiết kiệm. Chú trọng tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, người dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên, góp phần tạo nguồn cán bộ xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương.